Trải qua thăng trầm của lịch sử, suốt 17 năm qua lễ hội được phục dựng nhằm giữ gìn nét văn hóa độc đáo cùng ý nghĩa nhắc nhở, răn dạy nhân cách con người. Tương truyền vào năm 1561, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) lập ra ấp Lan Niểu (nay là làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên) và quyên góp tu tạo ngôi chùa cổ Thiên Phúc Tự (nay là chùa Hòa Liễu - di tích lịch sử cấp quốc gia.
Sau khi tu tạo, còn dư lại một phần kinh phí quyên góp, bà đã cho mua hơn 47 mẫu ruộng để chia cho dân cày và một phần làm ruộng công. Những người sử dụng ruộng công sẽ phải trả lại một phần hoa màu theo quy định để làm quỹ dự trữ dùng vào việc cứu đói, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Để đề phòng việc tư lợi, Thái hoàng Thái hậu cùng dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh Thề với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên chia sẻ, những lời hịch văn thề cho đến nay vẫn mang những giá trị thời sự đối với cuộc sống xã hội ngày nay. Những lời hịch văn đó là để nhắc nhở con người sống phải chính trực, phải biết vì việc chung để tận tâm.
Theo ông Khải, với những giá trị cùng ý nghĩa nhân văn đó mà vào thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho lễ hội Minh Thề. Ngay cả thực dân Pháp khi vào đô hộ cũng đã chủ động cho dịch lời hịch ra tiếng Pháp để lưu truyền.