Ngày hội văn hóa đặc sắc
Lễ hội ngoài có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc, thiết thực đối với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương còn có giá trị cổ vũ lớn lao về tình yêu thương quê hương đất nước và là niềm tự hào, tự tôn dân tộc về truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Lễ hội làng Tòng Lệnh hàng năm diễn ra từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng gồm: nghi thức rước kiệu, ngai và bài vị của ngài đưa ra cánh đồng ven bờ sông Minh Đức, hướng về đền thờ Mẫu, tổ chức lễ tế thần theo tập tục thời xưa, diễn tập lại trận đánh cuối cùng của vị tướng quân cho Mẫu xem làm vơi đi nỗi đau lòng mẹ.
|
Lễ dâng hương tưởng nhớ Tướng quân Vũ Công Thành |
Lễ tế thần nông cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức một cách vui tươi không khí rộn ràng những ngày đầu năm mới. Mỗi người dân và du khách thập phương tìm về đây không chỉ để được sống trong không khí của hội Xuân mà còn để dâng nén tâm nhang tưởng nhớ một vị tướng quân “áo chàm” - người có công lớn trong việc bảo vệ, trấn giữ biên cương phía Bắc của tổ quốc, và đặc biệt là trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 và 3.
Thượng tướng quân Vũ Công Thành – người con ưu tú của quê hương Tòng Lệnh là vị chiến tướng anh hùng, văn võ song toàn. Những công lao to lớn của thượng tướng quân đã được lịch sử ghi nhận, được nhà vua của các triều đại từ nhà Trần tới nhà Nguyễn cấp sắc phong thần, được nhân dân trong vùng Đông Bắc lập trên 70 đình, miếu thờ, trong đó có Đình thôn Tòng lệnh là quê hương của người, để ghi nhớ, noi gương và biết ơn muôn đời.
Người con ưu tú của vùng đất địa linh nhân kiệt
Theo sách “Lịch sử Kinh Bắc – Hà Bắc”, sách địa chí Bắc Giang và các thần tích còn lưu giữ ở đền Tử Hả viết rằng: thôn An Khánh, xã Tòng Lệnh, tổng Mỹ Nương, huyện Lục Ngạn nay là thôn Tòng Lệnh, xã Trường Giang, huyện Lục Nam nằm ở phía Đông huyện Lục Nam, cách trung tâm huyện lỵ khoảng hơn 10km.
Tòng Lệnh theo nghĩa Hán là ẩn mình đợi lệnh, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có lịch sử phát triển lâu đời. Phía Đông Bắc và phía Tây có dòng sông Lục Nam (tên chữ là Minh Đức), là một trong những dòng sông đẹp nhất trên hệ thống hơn 2000 sông ngòi của Việt Nam. Phía Nam và Đông Nam là cánh rừng gắn liền với dãy núi Huyền Đinh hũng vĩ tạo nên thế sơn thủy hữu tình, non xanh nước biếc hội tụ hồn thiêng sông núi có 1 không 2 cho thôn Tòng Lệnh xã Trường Giang.
|
Lễ rước kiệu diễn ra linh thiêng, trang trọng |
Từ xa xưa, các nhà phong thủy đã đánh giá Tòng Lệnh là nơi hội tụ của khí thiêng trời đất, là nơi lý tưởng để cất dấu và nuôi dưỡng an toàn cho những mộng lớn, là nơi sản sinh ra những anh tài như các tù trưởng họ Giáp – Thân (phò mã nhà Lý) hay là nơi ở ẩn của nhũng cao nhân nuôi dưỡng chí đợi ngày Tổ quốc cần.
Anh hùng dân tộc, tướng quân Vũ Công Thành là một trong những người con được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có sông Lục, núi Huyền này. Phụ thân ông là quan Tả bộc xạ Quan sát Mật lệnh công Vũ Tỉnh- hữu tướng quốc tức thái tế, Tể tướng của triều đại Lý, mẫu thân ông là công chúa Lý Thị Cảnh, con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông.
Sau khi triều Lý mạt, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, song thân phụ mẫu ông mới về Tòng Lệnh ở ẩn và sinh ra ông. Lớn lên ông lên kinh thi được Thám hoa, được vua trọng dụng, nhân lần về quê chịu tang cha, Vũ Công Thành tổ chức trai tráng trong làng và các vùng lân cận ngày đêm tập luyện võ nghệ để bảo vệ quê hương.
|
Diễn lại trận đánh cuối cùng - một nét văn hóa riêng của làng Tòng Lệnh |
Tháng 2 năm Giáp Thân (1284) ở biên cương có giặc, Vũ Công Thành được vua Trần triệu về phong tước Trung dũng Hầu đầu thượng tướng quân cùng các trung thần, nghĩa sỹ lên đường đánh giặc. Với chiến thuật đánh úp những đội quân đi riêng lẻ, sau lại rút lui nhanh chóng thoắt ẩn thoắt hiện, đội quân của ông đã tiêu diệt rất nhiều quân địch, làm cho quân địch nghe tới tên ông là khiếp sợ. Đây chính là tiền thân của chiến thuật đánh du kích nổi tiếng làm cả thế giới nghiêng mình bái phục nền quân sự nước ta. Sau khi lập được đại công dẹp tan quân xâm lược, ông được nhà vua trọng thưởng và giao cho trọng trách trấn giữ biên thùy phía Bắc của Tổ quốc.
Đầu năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên - Mông tiến hành xâm lược nước ta lần thứ 2, Vũ Công Thành được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giao cho trọng trách trấn giữ phòng tuyến Xa Lý - Nội Bàng. Ông đã góp công lớn đánh tan quân Nguyên, khiến Thái Thú Thoát Hoan phải chui vào ống Đồng trốn về nước. Năm Đinh Hợi 1287, đại quân Nguyên Mông lại tiến hành xâm lược nước ta lần 3, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ giữ chiến tuyến Xa Lý – Nội Bàng, và đã ngăn chặn thành công quân Nguyên Mông giúp Hưng Đạo đại vương tổ chức rút lui chiến lược về Vạn Kiếp thành công.
Ngày 1 tháng 4 năm Mậu Tý (1288), Thoát Hoan đã sa vào ổ phục kích của Vũ Công Thành ở ải Nội Bàng, sau một đêm chiến đấu kịch liệt hơn 5000 quân địch bị tiêu diệt, số ít sống sót cùng Thoát Hoan hồn xiêu phách lạc luồn rừng chạy trốn về phương Bắc. Đáng tiếc ông bị trúng tên độc và hy sinh trong trận chiến ấy, trước khi nhắm mắt ông vẫn còn nhắn nhủ với các nghĩa binh: “Ta chết nhưng tâm hồn ta còn mãi mãi với non sông”. Nói xong ông qua đời ở núi Lệ Kỳ, xã Hả Hộ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.