[links()] Cứ đến dịp cuối năm, hoạt động buôn lậu tại các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc lại diễn biến phức tạp. Vừa qua, sau khi tận mắt chứng kiến một số “chiêu trò” của giới gian thương ở Lào Cai, chúng tôi mới hiểu được sự cam go của cuộc chiến chống hàng lậu nơi đây.
Cầu ghép siêu tốc
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai buổi sáng một ngày cuối năm, còi xe trọng tải lớn rúc lên liên hồi, cùng với đó là cảnh xe lớn nối xe nhỏ chở hàng qua biên giới. Lẫn trong đoàn xe ấy, thi thoảng lại điểm xuyết một vài chiếc xe bán tải loại nhỏ, thậm chí cả xe máy, xe thồ chở những bao tải hàng lao rất nhanh về TP.Lào Cai. Người ta cho rằng hầu hết đó là hàng vận chuyển không chính ngạch, được thu mua trôi nổi trên thị trường rồi gom lại chở về cho các đầu mối.
H. - một cửu vạn giải nghệ để chuyển sang nghề xe ôm - chở tôi vượt quãng đường hơn 20 cây số tới thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu (huyện Mường Khương). H cho biết, cứ khoảng 15h hàng ngày, nơi đây sẽ diễn ra hoạt động chuyển hàng lậu qua biên giới bằng cầu ghép. Đây là phương thức phổ biến giúp gian thương qua mặt được cơ quan chức năng.
Khi một chiếc xe tải lớn lù lù xuất hiện ở bên kia bên giới cũng là lúc bên này (Việt Nam) xuất hiện một chiếc xe chở hàng được xé lẻ đựng trong các bao tải. H. cho biết, hàng nước ta chuyển qua biên giới thường là nông sản, hôm nay chủ yếu là sắn và mít để “bên kia” sơ chế thành sản phẩm sấy khô. Ngược lại, “bên kia” lại xuất hàng điện tử, may mặc, sản phẩm tiêu dùng...
Cùng lúc đó, hơn chục người xuất hiện lôi ra 3 đoạn cầu, mỗi đoạn rộng khoảng 1,5m, dài khoảng 6-7m được cất trong một nhà dân gần đó. Rất nhanh chóng, chúng được đưa xuống dòng suối, nối ghép thành một chiếc cầu hoàn chỉnh. Cẩn thận hơn, một số người còn đứng dưới suối để giữ chắc các mối nối. Trong chốc lát, cả hai đầu mối đều cử lao động khuôn vác hàng hóa giao dịch với nhau qua chiếc cầu ghép. Khi hàng hóa đã trao đổi xong, chiếc cầu được gỡ ra, lòng suối trở về nguyên trạng trong nháy mắt.
Theo H., việc buôn lậu qua cầu ghép mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Phương thức này được gian thương sử dụng mỗi khi lực lượng chức năng mở đợt cao điểm, kiểm soát nghiêm ngặt.
Vận chuyển hàng lậu bằng cầu ghép. |
Nhức nhối ở “Cây 6”
Điểm nóng buôn lậu thứ hai mà chúng tôi được H. chở đến được mệnh danh là “Cây 6”, tức Km 6 trên quốc lộ 70 (địa bàn tổ 7, phường Phố Mới, TP.Lào Cai). H. cho hay, đây là một trong những điểm tập kết hàng hóa chủ yếu của dân buôn lậu nên có lúc cả trăm cửu vạn tập trung ở đây để bốc hàng hóa qua sông.
Dòng sông Nậm Thi chỉ rộng chừng vài chục mét, có những chỗ nước cạn, có thể lội qua được, nhưng đa số cửu vạn vận chuyển bằng thuyền, một số ít thì dùng bè... H kể: “Thời còn vác hàng thuê, một ngày em có thể kiếm được vài trăm ngàn nhưng thú thực là rất nguy hiểm và cũng hay bị bắt. Làm được vài năm, thấy bấp bênh quá nên em đành chuyển qua làm xe ôm, kiếm được đồng nào hay đồng ấy”.
Cũng theo H., thường thì hoạt động buôn lậu tại“Cây 6” nhộn nhịp, sôi động nhất từ sẩm tối đến rạng sáng, còn ban ngày thì vắng vẻ, lặng lẽ êm đềm. Từ bên kia biên giới tập kết về, hàng hóa được xé lẻ ra rồi xếp vào các bao nhỏ gọn nhẹ, chuyển lậu qua sông Nậm Thi, sông Hồng (cánh gà của Cửa khẩu Lào Cai). Hàng lậu được đưa về Việt Nam gồm đủ quần áo, giày dép, thuốc lá, tân dược, gà, vịt, thịt lợn, nội tạng động vật, thuốc diệt cỏ... Hàng xuất thì chủ yếu là nông sản, phế liệu và khoáng sản.
Cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa
Lào Cai hiện có một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia cùng hàng trăm đường tiểu ngạch len lỏi trên dọc tuyến biên giới dài hơn 200 km. Do TP.Lào Cai nằm sát ngay cửa ngõ biên giới, giao thông bằng đường sắt và đường bộ rất thuận tiện nên cũng là điểm nóng về tình trạng buôn lậu trái phép.
Thượng tá Trần Ngọc Đính - Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - cho hay: “Mặc dù các ban ngành chức năng đã phối hợp và thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt nhưng tình hình buôn lậu vào những tháng cuối năm vẫn diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng buôn lậu không từ một thủ đoạn nào để vận chuyển hàng vào trong nước. Các đối tượng bị bắt lại chủ yếu là người vận chuyển thuê, còn chủ hàng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người. Xử lý những trường hợp như thế là rất khó, trong khi lực lượng Biên phòng thì có hạn”.
Còn theo thông tin mà Thượng tá Trần Văn Trường - Phó Trưởng phòng PC46, Công an tỉnh Lào Cai - cung cấp cho báo chí, tính đến tháng 11/2011, đơn vị này đã khởi tố 2 vụ án, 3 bị can về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, xử lý hành chính 25 vụ việc (28 đối tượng), phạt tiền 116 triệu đồng, hàng hóa tịch thu nộp ngân sách 332,6 triệu đồng, chuyển giao cơ quan chức năng xử lý 12 vụ việc.
“Tổng số vụ việc do các lực lượng chức năng của Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ và phối hợp bắt giữ, xử lý là 42 vụ, trị giá hàng hóa thu giữ khoảng 2,5 tỷ đồng kể cả hàng hóa phải tiêu hủy theo quy định” - Thượng tá Trần Văn Trường nói.
Hy vọng tới đây các ban ngành chức năng của Lào Cai sẽ vượt qua khó khăn để có những biện pháp hiệu quả hơn nữa trong cuộc chiến chống hàng lậu đầy cam go này.
Đức Minh