Lịch sử 2000 năm hệ thống đê trị thủy sông Hồng

(PLO) - Con người đã sống ở Đồng bằng sông Hồng cách đây khoảng 25 ngàn năm. Ước vọng chế ngự lũ lụt ở Đồng bằng sông Hồng của dân Lạc Việt được thi vị hóa qua huyền thoại Sơn Tinh thắng Thủy Tinh. Hệ thống đê sông ở Châu thổ sông Hồng Việt nam đã có lịch sử trên 2 ngàn năm.
 Trên đê sông Hồng đầu thế kỷ 20
Trên đê sông Hồng đầu thế kỷ 20

1. Đê Cơ Xá là con đê đầu tiên được vua Lý Nhân Tông (1072-1127) cho xây dựng vào tháng 3 năm Mậu Tý (1108) để bảo vệ kinh thành Thăng Long khỏi ngập lụt). Nhà vua ra lệnh đắp đê trên sông Như Nguyệt (Sông Cầu bây giờ) dài 30 km. Dưới đời nhà Trần, những con đê được đắp chỉ cốt giữ cho nước lũ không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ lúa chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì nước được tự do tràn vào đồng ruộng. 

Tháng 3 năm Mậu Thân (1248), vua Trần Thái Tông sai quan ở các lộ đắp đê ở hai bên bờ sông Hồng từ đầu nguồn tới biển, gọi là Đê Quai Vạc. Lại đặt quan để coi việc đê, gọi là Hà Đê chánh phó sứ hai viên. Hễ chổ nào mà đê đắp vào ruộng của dân, thì nhà nước cứ chiếu theo giá ruộng mà bồi thường cho chủ ruộng. Mỗi năm sau vụ mùa, triều đình còn ra lệnh cho quân sĩ đắp đê hay đào lạch, hào, giúp đỡ dân chúng. 

Triều đình cũng cho phép các vương, hầu có quyền chiêu tập những người nghèo khó, lưu lạc đi khai khẩn đất hoang để mở mang thêm ruộng nương. Có thể nói rằng hệ thống đê sông Hồng được hoàn chỉnh dưới thời vua Trần Thái Tông, cách nay hơn 750 năm.

Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đặt ra quan “Hà Đê” để lo đê điều và quan Khuyến Nông để phát triển nông nghiệp. Dưới triều Lê sơ (1428-1527) những con đê lớn hơn được đắp mới, và tân tạo hệ thống đê cũ trên hai bờ sông Nhị Hà bằng đá vững chắc. Kết quả trái ngược là sông Hồng trở nên hung dữ hơn, phá vỡ đê và gây ngập lụt triền miên trong thời nhà Nguyễn, nảy sinh nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã có công khẩn hoang vùng duyên hải Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương. Ông đi kinh lý khắp bải bồi vùng duyên hải, tự vẽ bản đồ, phân phát trâu bò, nông cụ cho dân để khẩn hoang. Chỉ trong 2 năm (1828 – 1829). Ông lập ra 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) cùng hai tổng Hoàng Thu và Minh Nhất (ven bờ biển Thái Bình, Ninh Bình), khai khẩn tổng cộng được 37,770 ha đất. 

Ngoài ra, từ trước năm 1837, Nguyễn Công Trứ đã đề xuất giải pháp phân lũ bằng cách khai đào đoạn khởi đầu sông Đuống (tức sông Thiên Đức thời bấy giờ) nối với sông Hồng ở phía thượng lưu để chuyển nhận nước từ sông Hồng giải tỏa áp lực lũ ở vùng Hà Nội. Nhưng phải sang thời Tự Đức ý tưởng đó mới được thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Từ đó, sông Đuống trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng .

Dưới thời phong kiến, phá hủy hay làm hư hại đê là một trọng tội. Năm nào có thiên tai, lũ lụt nặng, chính nhà vua lập đàn chay tạ tội, nhận trách nhiệm cùng trời đất.

2. Tùy theo tầm quan trọng kinh tế và số dân cư của địa phương, dựa vào đợt lũ lớn nhất thế kỷ năm 1971, 5 cấp đê được thiết kế. Chẳng hạn, ở vùng Hà Nội đê thiết kế từ cấp I đến cấp III, với mức nước an toàn thiết kế 0.8 %, hay mức nước lũ 125 năm lặp lại một lần. 

Tại các khu vực khác trong vùng đồng bằng sông Hồng (nơi cấp đê thay đổi từ cấp I đến cấp III) cũng áp dụng cùng một mực nước thiết kế nhưng độ cao an toàn không thấp hơn, do đó an toàn thiết kế là 1 %, tương đương với mực nước lũ tần suất 100 năm. Cấp đê IV là cấp bảo vệ chống mực nước lũ tần suất 20 năm. Tiêu chuẩn phòng lũ đối với hệ thống đê Hà Nội là bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13.4 m, và thoát được lưu lượng tối thiểu là 20,000 m3/s.

Từ ngàn xưa, bảo vệ thủ đô Đại La/Thăng Long/Hà Nội là ưu tiên của nhà vua qua các thời đại. Hàng loạt đê cao, có nơi cao 15 m, được đắp từ hàng thế kỷ trước. Ngày nay, có nhiều nơi lòng sông cao hơn mặt đất đồng ruộng, làng mạc.

Trong thời nhà Nguyễn, một số người ở vùng Hà Nội xin phép nhà vua để họ đắp kè lấp đá cho một số đê dọc sông Hồng nơi họ cư trú.

Năm 1885 mưa bão lớn làm sụt lở bờ sông sát Đồn Thuỷ. Người Pháp đổ kè đá ở bên ngoài bờ sông Hồng chỗ Hàng Than dài 400 m để hướng dòng chảy về phía Gia Lâm.

Trận lụt năm 1926, Hà nội bị ngập lụt nặng, vì lúc đó chưa có đoạn đê dọc đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải ngày nay. Người Pháp đắp đê này đồng thời củng cố cả hệ thống đê Hà Nội, có nơi cao 14 m.

Một ngôi làng ngập trong nước lũ sông Hồng khoảng năm 1900
 Một ngôi làng ngập trong nước lũ sông Hồng khoảng năm 1900

Sau biến cố vỡ đê năm 1971, nhiều biện pháp mới được ban hành, ngoài việc tăng cường hệ thống đê, còn lập hồ chứa nước và phân lũ. Khi mực nước sông Hồng tại Hà Nội đến mức báo động 13.4 m, thì dòng nước sông Hồng ở đầu nguồn được xả vào Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam và Nam Định.  

3. Từ thời xa xưa, quản lý đê điều do Hà Đê Chánh Sứ (tương tự chức Bộ trưởng bây giờ) của triều đình do vua bổ nhiệm. Cấp thừa hành thấp nhất là làng xã, có nhiệm vụ bảo trì, báo cáo lên cấp trên, những vấn đề thuộc đê điều trong phạm vi làng xã của mình. 

Trong thời Nhà Nguyễn, cứ vài ba năm là có một trận lũ lớn phá đê. Vì vậy, vua Tự Đức đã triệu tập triều đình để hội ý là nên giữ đê hay phá đê, và nếu giữ đê thì tìm biện pháp nào để trị lũ lụt.  

Kể từ đầu thế kỷ 20 tới nay, đồng bằng sông Hồng đã có 26 trận lũ lớn. Các trận lũ lớn này đa số xảy ra vào tháng 8, nhằm vào cao điểm của mùa mưa bão.

Trận lũ tháng 11/2008 tại Hà Nội và đồng bằng sông Hồng không lớn lắm.

Mặc dầu mưa to gió lớn liên tục trong ba ngày, mực nước sông tại Hà Nội vẫn dưới mức báo động, hệ thống đê sông Hồng và Thái Bình vẫn vững chắc, không bị phá vỡ nhiều nơi như trận lụt năm 1971. Các hồ chứa và biện pháp phân lũ cũng như hệ thống đê chứng tỏ có hiệu quả. Tuy nhiên, Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác ngập trong biển nước trong nhiều ngày. 

Lý do là: (i) Xây cất nhà cửa, chiếm cứ đất đai trên mặt đê làm đê yếu, rạn nứt khoảng 40 địa điểm; (ii) Đường sá phát triển và nhà cửa xây cất vô trật tự cản trở thoát nước. (iii) Các hồ trong thành phố cạn, thiếu nạo vét, hệ thống phân lưu quá tải và tắc nghẽn, nhiều kinh mương và hồ bị lấp nên thiếu đường thoát nước (iv) Hệ thống tháo nước của thành phố quá yếu kém, chỉ cần một trận 100 mm là có nhiều vùng bị ngập, nếu mưa 200 mm là nguyên thành phố bị ngập. Tổng số nước mưa tại Hà Nôi trong ngày 31/10 và 1/11 hơn 600 mm, dĩ nhiên ngập lụt xảy ra do mưa, chứ không phải do vỡ đê. Hơn 90% máy bơm không chạy được trong thời gian có lụt.

4. Nên hay không nên thiết lập đê sông ngăn ngừa lũ lụt vẫn là một đề tài tranh luận ở mọi nơi và mọi thời đại.

Việc phản đối thiết lập đê dựa vào các lý do sau: Phù sa không vào đồng ruộng, mà lắng đọng trong lòng sông, bờ đê, sông trở nên cạn và hung dữ, xói mòn bờ và phá đê khi có lũ lớn. Đáy sông ngày càng cạn, tạo các cồn và bãi bồi ở cửa sông, làm khả năng thoát lũ càng chậm; Các vùng trũng vẫn tồn tại sau hàng ngàn năm, vì không được phù sa bồi đắp; Đê phải nâng ngày càng cao và to hơn, hễ củng cố nơi này thì nạn đê vỡ xảy ra nơi khác;  Nguồn lợi cá và thủy sản khác trên đồng ruộng và sông bị giảm; Con người đã có kinh nghiệm sống chung với lũ lụt. Tìm biện pháp sống chung hơn là trị lụt bằng đê điều.

Người xưa không phải không biết chuyện này, và đã từng có những cuộc bàn luận trong triều đình.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Đăng Giai đã có bản tấu phản đối việc đắp đê vì tốn nhiều công sức mà vẫn không chống được lũ lụt, ông đề nghị phá bỏ đê, mà nên khơi thông sông.

Mười sáu năm sau, vào ngày 5 tháng 10 năm Tự Đức thứ 6 (1861), Khoa đạo Ngự sử Vũ Văn Bính lại dâng bản điều trần nói về cái hại của việc giữ đê và cái lợi của việc bỏ đê. Bản điều trần này lặp lại ý kiến của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai năm 1846. 

Vua Tự Đức triệu tập một hội nghị lớn thẩm nghị bản điều trần này và tất cả đều cho rằng không nên bỏ đê, và cần khơi thông sông Thiên Đức, củng cố hệ thống đê cũ còn lại ở hai bờ sông.

Khoảng 6 văn bản điều trần của các quan ở triều đình và địa phương hiện còn lưu trữ cho thấy không ai có thể phủ nhận lợi ích của hệ thống đê sông và đê biển ở Đồng bằng sông Hồng.

Sau hàng ngàn năm thiết lập và củng cố hệ thống đê điều, từ vùng đầm lầy trở thành đồng bằng, một vựa lúa quan trọng của Việt Nam, mang đến ấm no thịnh vượng cho dân Việt từ ngày thành lập nước, đủ sức mạnh kinh tế để chống ngoại xâm, và phát triển lãnh thổ về phương nam.

Thay vì phù sa bồi đắp vào đồng ruộng, 95 % phù sa của 2 hệ thống sông Hồng và Thái Bình được bồi đắp dọc duyên hải, lấn biển hàng trăm mét mỗi năm, tạo nhiều cồn, đảo phù sa ngoài khơi, làm lảnh thổ nới rộng thêm hàng chục km2/năm. Cũng chính khối phù sa này làm vịnh Bắc Bộ phong phú thủy sản.

Nhiều ý kiến đánh giá hệ thống trị thủy của Đồng bằng sông Hồng là một trong những công trình thủy lợi được thiết lập cổ xưa nhất trên thế giới. Mặc dầu không có những công trình xây dựng tân tiến như Hà Lan, hay Mississippi của Hoa Kỳ,  hệ thống đê sông và đê biển của châu thổ sông Hồng đã được quyết chí xây dựng qua hơn 2 ngàn năm, từ những vật liệu của địa phương, nhưng đã chứng tỏ rất hữu hiệu trong vấn đề ngăn chặn lũ lụt.

Đọc thêm