Liên quan đến dự án của Cty Hanh Nguyệt (Vĩnh Phúc): Vì sao người dân kiến nghị “vắt” qua hai đời chủ tịch tỉnh?

(PLVN) - Đấy là tính thời gian người dân kiến nghị, phản ánh còn nếu tính cả quá trình lập, thực hiện dự án thì liên quan tới ba nhiệm kỳ chủ tịch tỉnh. Vì sao giải quyết một sự việc lại kéo dài như vậy? Do người dân “cố chấp”, giải thích mãi không chịu hiểu hay bởi các cơ quan chức năng né tránh, không giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề?
Liên quan đến dự án của Cty Hanh Nguyệt (Vĩnh Phúc):  Vì sao người dân kiến nghị “vắt” qua hai đời chủ tịch tỉnh?

Hết báo cáo lên lại chỉ đạo xuống

Mới đây nhất, ngày 19/1/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 375/UBND-TD4 do Phó Chánh văn phòng Lê Văn Thanh ký thay Chánh văn phòng, thừa lệnh chủ tịch, trong đó nêu: Sau khi xem xét đơn đề ngày 3/1/2021 của bà Trần Thị Mai ở khu phố 2, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên có nội dung: Tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi đất và giao đất cho Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Hanh Nguyệt tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên không đúng quy định của pháp luật…; Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:

“Yêu cầu bà Trần Thị Mai chấp hành và thực hiện theo đúng văn bản số 9556/UBND-TD4 ngày 29/11/2019 và 4334/UBND-TD4 ngày 10/6/2020 của UBND tỉnh. UBND tỉnh trả lời bà Trần Thị Mai biết và chấp hành”.

Đọc văn bản số 375 nói trên khiến dư luận thắc mắc về tính khách quan và quy trình giải quyết đơn: Đơn có nội dung tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh nhưng lại “đích thân” chủ tịch giải quyết? Đơn tố cáo nhưng tên, địa chỉ người tố cáo lại được gửi đến khắp các lãnh đạo, ban ngành từ tỉnh xuống thị trấn? 

Mặt khác, qua nội dung văn bản số 375 cũng có thể thấy, liên quan đến đơn của bà Mai, các cấp, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc “dường như” đã quen mặt, quen tên, nhiều lần giải quyết. Văn bản số 4334/UBND-TD4 ngày 10/6/2020 của UBND tỉnh kể tên hàng loạt đơn của bà Mai (các ngày 4/12/2019, 12/2/2019, 11/3/2020, 10/5/2020, 24/3/2020).

Thậm chí, tại văn bản 4334 còn nêu: Nội dung đơn của bà Mai cho rằng năm 2008 nhà nước thu hồi 647,8m2 đất nông nghiệp để làm đường Hương Canh – Tân Phong nhưng không sử dụng, đến năm 2014, UBND tỉnh thu hồi, giao cho Cty Hanh Nguyệt là không đúng, kiến nghị giải quyết điều chỉnh, không giao diện tích này cho Cty Hanh Nguyệt. 

Đối với nội dung này, “UBND tỉnh giữ nguyên nội dung trả lời tại văn bản số 9556/UBND-TD4 ngày 29/11/2019 và văn bản số 76/STNMT-TTr ngày 10/01/2020 của Sở TN&MT. Từ nay trở đi, UBND tỉnh không tiếp nhận và không xem xét, giải quyết đối với nội dung này nữa”, văn bản nhấn mạnh.  

Văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trả lời công dân.
Văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trả lời công dân.  

Về nội dung tố cáo đối với một số lãnh đạo, cán bộ nhiều cơ quan đã cố tình làm sai khi thi hành công vụ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan khác nhau nên hướng dẫn bà Mai viết tách nội dung và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền. 

Văn bản 4334 trên được báo cáo đến cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Văn phòng Chính Phủ. Nhưng ngày 19/12/2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn số 10660/VPCP-V.I chuyển đơn của bà Mai về UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, giải quyết. 

Cũng liên quan đến nội dung vụ việc, được biết, luật sư Lê Thị Oanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) gửi đơn yêu cầu UBND huyện Bình Xuyên cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến dự án của Cty Hanh Nguyệt nhưng không được đáp ứng nên mới đây bà Oanh đã khởi kiện huyện này ra tòa theo thủ tục hành chính.

Sự việc xem ra vẫn chưa được giải quyết triệt để…

Vì sao người dân chưa tâm phục, khẩu phục?

Quay trở lại với câu hỏi đã đặt ra trong phần mở đầu, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chưa trình bày sâu về những hồ sơ, chứng cứ mà chỉ nêu lên một số điểm mà người dân cho rằng các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc chưa nhìn thẳng vào vấn đề, chưa giải quyết thỏa đáng. Báo PLVN phản ánh đơn thư với mong muốn làm sáng tỏ sự việc.

Cụ thể, trả lời đơn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định: Trình tự thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ cho Cty Hanh Nguyệt tại thị trấn Hương Canh là đúng quy định của pháp luật tại thời điểm giao đất cho thuê đất.

Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ thu thập được, luật sư Lê Thị Oanh cho rằng, hồ sơ dự án của Cty Hanh Nguyệt có những điểm chưa tuân thủ quy định của Luật Đất Đai, Luật Đầu tư… và các quy định liên quan. 

Ngày 11/10/2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Giấy chứng nhận đầu tư chứng nhận Cty CP TM và DV Hanh Nguyệt thực hiện dự án: Đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ, khách sạn và nhà hàng. Điều đáng nói, dự án được triển khai ngoài khu công nghiệp nhưng lại căn cứ trên việc “xét đề nghị của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc”. 

Chưa kể, địa điểm thực hiện dự án chỉ nêu tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên với quy mô “khoảng 3500m2”. Chính vì chưa có địa điểm chính xác nên giấy chứng nhận đầu tư phải nêu chung chung và mở ngoặc: địa điểm cụ thể theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh; diện tích đất cụ thể được xác định khi làm thủ tục thuê đất.

Chứng nhận đầu tư với địa điểm thực hiện chưa rõ ràng, dự án chậm tiến độ, phải 3 năm sau, ngày 18/10/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới có quyết định số 2919/QĐ-UBND phê duyệt địa điểm ĐTXD, vị trí được xác định theo bản vẽ số hiệu QH – 01 tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, điều đáng nói tới 8 tháng sau, ngày 6/6/2014, Cty Hanh Nguyệt mới ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất từ vợ chồng ông Chu Đức Thịnh.

Theo Luật sư Oanh, giấy chứng nhận đầu tư cấp cho dự án sử dụng đất ngoài Khu công nghiệp mà không căn cứ vào việc thẩm tra, báo cáo, tờ trình của Sở kế hoạch và Đầu tư; dự án chưa xác định được địa chỉ cụ thể về lô, thửa, tờ bản đồ là chưa tuân thủ Luật Đầu tư 2005; Nghị định 108/2006/NĐ-CP và mẫu Giấy chứng nhận đầu tư của Bộ Kế hoạch đầu tư.

Đặc biệt, cũng căn cứ vào hồ sơ thu thập được, luật sư Oanh còn cho rằng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo với Thủ tướng không đúng thực tế về dự án. 

Theo đó, một trong những căn cứ quan trọng để UBND tỉnh thu hồi và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để giao đất cho Cty Hanh Nguyệt là văn bản số 2116/TTg-KTN ngày 11/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Văn bản 2116/TTg-KTN dựa trên tờ trình số 141/TTr-UBND ngày 27/11/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa để thực hiện các dự án, công trình đang triển khai dở dang theo Nghị quyết 15/2006/NĐ-CP.

Theo nội dung tờ trình: 1262 dự án đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục giao đất và còn 378 dự án đến thời điểm 31/12/2010 đang bồi thường, giải phóng mặt bằng dở dang, chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thu hồi đất… đến nay (tức thời điểm làm tờ trình cuối năm 2011 – PV) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và các thủ tục hồ sơ theo quy định.

Nhưng như đã trình bày ở trên, đến năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới có quyết định phê duyệt địa điểm; ngày 30/6/2014 mới có quyết định thu hồi, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để giao cho Cty Hanh Nguyệt. “Như vậy, không thể có việc từ năm 2012, khi trình Thủ tướng phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất lúa, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng như UBND tỉnh báo cáo được”, bà Oanh nêu.

“Ngoài ra, việc UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án tư nhân kinh doanh; dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là chưa đúng với quy định của Nghị định 42/2012/NĐ-CP, Điều 11 Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP, cũng như văn bản của Thủ tướng Chính phủ”, luật sư Oanh nêu.

Ngoài ra, bà Oanh còn phản ánh một loạt vấn đề như: Việc thu hồi đất, giao đất chặn hết lối đi duy nhất của thửa đất phía trong; việc bồi thường cây cối, hoa màu cho UBND huyện sai nguyên tắc sử dụng đất và bồi thường; UBND tỉnh thu hồi 647,8m2 đất do Nhà nước quản lý để giao cho doanh nghiệp không đúng Luật Đất đai, Nghị định 84/2007/NĐ-CP; Về tiếp công dân và xử lý đơn kiến nghị, tố cáo...

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo sau.

Đọc thêm