Giảm tốn kém, phiền hà cho người bệnh
Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Theo đó, trước ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng I; đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc thực sự là tin vui đối với người bệnh. Trước đây đã có rất nhiều ý kiến than phiền về việc người bệnh đã đến khám chữa bệnh ở bệnh viện nhưng khi muốn chuyển sang điều trị tại một bệnh viện khác, bệnh nhân lại phải làm các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh lại từ đầu, với những quy trình giống nhau khiến người bệnh vừa tốn kém không cần thiết, vừa vất vả, lại mất thời gian chờ đợi.
“Một việc hết sức ý nghĩa, giúp giảm chi phí cho người bệnh, ngân sách Nhà nước do không phải làm đi làm lại các xét nghiệm khi chuyển viện, đặc biệt tiết kiệm thời gian để cấp cứu bệnh nhân do không phải chờ làm lại xét nghiệm. Chẳng những vậy sẽ góp phần nâng cao chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới. Đáng lẽ phải làm việc này từ lâu rồi, có vậy người bệnh chúng tôi mới giảm vất vả trong mỗi lần đi khám bệnh”, cô Nguyễn Thị Oanh (xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) hồ hởi nói.
Hiện nay, chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán chiếm khoảng 20% tổng chi phí khám chữa bệnh. Mỗi năm, các bệnh viện làm từ 400 – 450 triệu xét nghiệm, đó là một con số không hề nhỏ. Khi các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau sẽ giảm ít nhất 5 – 10 % chi phí cho các xét nghiệm. Mặt khác liên thông kết quả xét nghiệm cũng là bộ công cụ để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện nói chung, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm nói riêng, nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác, kịp thời, chuẩn hoá, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giảm phiền hà và giảm chi phí cho người bệnh. Tất cả đó là những cái lợi cho bệnh nhân.
“Theo đánh giá của chúng tôi, liên thông xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích về chất lượng, tài chính cũng như giảm chờ đợi phiền hà. Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết.
Cần có hội đồng kiểm chuẩn quốc gia
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết muốn công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, các phòng xét nghiệm phải đạt chất lượng tương đương. Năng lực quản lý, chất lượng xét nghiệm, trình độ nhân lực, trang thiết bị... chưa đồng đều đã gây khó khăn trong việc chuẩn hóa chất lượng và kết quả xét nghiệm. Thực tế, một số phòng xét nghiệm đã cho kết quả khác nhau, ảnh hưởng không tốt tới lòng tin của người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến các phòng xét nghiệm không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau.
Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này, ngành y tế đang đứng trước một thách thức lớn khi mà chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước ở trong tình trạng không đồng đều. Thông thường chất lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến Trung ương được đánh giá là tốt hơn ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Chưa kể, chất lượng xét nghiệm ở ngay các bệnh viện cùng tuyến cũng chưa đồng đều. Ngoài ra, máy móc xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau... Hiện có hơn 50 phòng xét nghiệm đã đạt chứng chỉ ISO 15189, tiêu chuẩn Việt Nam đang áp dụng. Tuy vậy, để cho tất cả các phòng xét nghiệm đạt Tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 cần phải có thời gian. Vì vậy nhiều bệnh viện cho rằng nếu không làm lại xét nghiệm nếu có sai sót thì sẽ khó quy trách nhiệm.
Mới đây, tại hội nghị, triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm do Bộ Y tế tổ chức Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho rằng cần xây dựng riêng Bộ Tiêu chí chất lượng xét nghiệm phù hợp với điều kiện của Việt Nam với các tiêu chí cụ thể để từng bước nâng cao chất lượng. Căn cứ vào số điểm đạt được kèm với một số tiêu chí bắt buộc sẽ xếp mức chất lượng phòng xét nghiệm. Có 5 mức chất lượng. Các phòng xét nghiệm sẽ được đánh giá từng tiêu chí và được xếp theo 5 mức này. Mức chất lượng phòng xét nghiệm càng cao thì độ chính xác, độ tin cậy càng lớn.
Đối với những bệnh viện thực hiện nghiêm túc, máy móc được lấy đúng nguồn, xuất xứ đảm bảo thì chất lượng đảm bảo. Do đó, để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, cần phải có hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu kiểm tra chất lượng máy móc, trình độ nhân lực của các bệnh viện theo tiêu chuẩn ISO và hội đồng kiểm chuẩn phải chịu trách nhiệm trước việc đánh giá các kết quả xét nghiệm. Đặc biệt hơn nữa, suy cho cùng, liên thông kết quả xét nghiệm dù là ở 38 bệnh viện hay 122 bệnh viện thì vẫn phải lấy người bệnh làm trung tâm, làm yếu tố quan trọng trên hết.
Do đó, Bộ Y tế vừa có quyết định lùi thời gian chính thức thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm y tế ở tuyến bệnh viện Trung ương, bắt đầu từ ngày 1-8-2017 thay vì ngày 1-7-2017 như kế hoạch.