Liên tiếp bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục: Hệ quả từ nhiều vấn đề tồn tại?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong ở Thường Tín, Hà Nội đã cho thấy nhiều vấn đề tồn tại: Sự bất cập trong quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục; Tình trạng thiếu trầm trọng trường mầm non tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, chế xuất...
Thiếu trường mầm non đã và đang là nỗi lo của nhiều phụ huynh. (Ảnh minh họa)
Thiếu trường mầm non đã và đang là nỗi lo của nhiều phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Hành lang pháp lý có đủ, nhưng…

Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có các trường mầm non, là cần thiết và cần được khuyến khích để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, cùng với đó phải đảm bảo việc thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục, các cơ sở phải đảm bảo điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình...

Vì thế, ngày 31/12/2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập, tư thục. Có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, Thông tư này quy định chi tiết về tổ chức, quản lý, hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ, nhóm trẻ độc lập quy mô trên 7 trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.

Cũng theo Thông tư, những tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên được quy định cụ thể. Trong đó, giáo viên, nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần của trẻ em trong thời gian trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập; thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non; giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; đối xử công bằng, tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện quy tắc ứng xử của giáo viên, các quy định đạo đức nhà giáo theo quy định…

Trao đổi với truyền thông, bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, hệ thống văn bản pháp luật để quản lý việc tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nói chung, cơ sở mầm non ngoài công lập nói riêng đã được ban hành khá toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành tại các địa phương, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự thường xuyên, chặt chẽ nên để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục thời gian qua. Do đó, cần nhìn nhận lại việc xử lý vi phạm, phải thật sự nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe.

Được biết, sau sự việc, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Trong đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương; chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp với UBND xã, phường, các ban, ngành, đoàn thể kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao trách nhiệm, vai trò của UBND xã, phường trong việc quản lý cấp phép và kiểm tra sau cấp phép đối với các nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập, tư thục; kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép khá phổ biến từ trước đến nay. Để hạn chế, ngăn chặn những vụ việc này, vấn đề quan trọng là cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng với vai trò nòng cốt là UBND cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan quản lý giáo dục các quận, huyện, thành phố, thị xã.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, được thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không phải chờ đến khi có sự việc đau lòng xảy ra mới lại rốt ráo triển khai. Có như vậy, những sự việc đáng tiếc liên quan đến mất an toàn với trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục mới có thể chấm dứt.

Nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu giáo viên

Nhìn nhận từ hệ thống giáo dục mầm non hiện nay, có thể thấy, sự thiếu hụt về trường lớp và giáo viên cũng là yếu tố khiến trẻ em có nguy cơ bị bạo hành khi được bố mẹ gửi ở những cơ sở không đảm bảo về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng.

Về vấn đề thiếu trường, đây là tình trạng đã và đang kéo dài từ rất lâu. Cách đây hơn chục năm, vào tháng 11/2011, tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do Thường trực HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM tổ chức, nhiều ý kiến bức xúc về chuyện thiếu trường mầm non cho con công nhân ở các khu chế xuất - khu công nghiệp khiến họ phải gửi con ở các điểm giữ trẻ tự phát, không an toàn. Cũng trong năm 2011, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi một số khu đất của các doanh nghiệp trên địa bàn để xây trường mầm non, nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể” trước nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh…

Ngày 31/8/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Chỉ thị nêu rõ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư…

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, các địa phương cần chỉ đạo quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư nhằm đảm bảo đủ trường lớp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội sau sự việc xảy ra tại Thường Tín cho thấy, bên cạnh việc yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương, kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT, quy chế chuyên môn, thì để giải quyết vấn đề thiếu trường mầm non công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị, UBND các quận, huyện ưu tiên quỹ đất xây dựng trường mầm non; đặc biệt quan tâm đến khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị phát triển, tăng tỉ lệ huy động trẻ em độ tuổi nhà trẻ đi học.

Về vần đề thiếu giáo viên, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, cả nước thiếu gần 100.000 giáo viên, trong đó, thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non. Sau đại dịch COVID-19, với hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, giáo viên bỏ nghề nhiều nhất cũng ở bậc mầm non. Cùng đó, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư thì trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một phần. Nhiều nơi có 30-40% nhu cầu gửi trẻ phải trông chờ vào trường, lớp tư thục; thậm chí, có nơi chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu học của trẻ.

Theo phân tích của ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, những vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng. Các cơ sở giáo dục hoạt động “chui” sẽ kèm theo việc tuyển dụng thiếu khắt khe, người được tuyển dụng không có trình độ chuyên môn phù hợp, không được đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, để xảy ra những vụ việc trên có trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý giáo dục.

Do đó, ông Nghĩa cho rằng, trước mắt, công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên phải được quan tâm, nâng cao; kịp thời phát hiện, loại bỏ những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất ra khỏi bộ máy giáo dục. Cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những hoạt động giáo dục “chui”, không đảm bảo điều kiện về vật chất kỹ thuật, về con người cho hoạt động giáo dục…

Đọc thêm