Liên tục hỏa hoạn chết người, làm gì để không còn đau thương?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian vừa qua trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề về người và của. Mới nhất là vụ hỏa hoạn trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khiến 4 người tử vong. Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng tại vì sao các vụ cháy vẫn xảy ra, đâu là nguyên nhân?
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

70,3% các vụ cháy do sự cố thiết bị điện

“Phải làm sao khuyến cáo người dân một cách mạnh mẽ, thực hiện các hệ thống báo cháy. Hệ thống báo cháy khá rẻ, thông minh, mà nhiều hộ chủ quan, không chịu trang bị. Phát hiện sớm, cảnh sát PCCC tới thì còn được, chứ phát hiện trễ thì chắc cũng thua, một vài phút là nạn nhân đã có thể bị chết ngạt”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu hộ cứu nạn, Công an TP HCM, nói.

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ là vụ cháy đơn lẻ trong nhà mặt đất, nhưng cuối tháng 3/2021, tại đường Nguyễn Thị Định, Thủ Đức, TP HCM, vụ cháy đã cướp đi sinh mạng 6 người trong một gia đình, nguyên nhân ban đầu xác định nguồn lửa phát ra từ chiếc xe máy dựng trong nhà. Rạng sáng 4/4/2021, tại đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, tiếp tục xảy ra vụ cháy thảm khốc khiến 4 người tử vong, nguyên nhân ban đầu được xác định cũng do chập điện.   

PLVN đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu hộ cứu nạn, Công an TP HCM, về vấn đề này.

Chỉ cần vài phút là nạn nhân đã có thể ngạt khói tử vong

Là một chuyên gia trong lĩnh vực PCCC, theo ông, vì sao những vụ cháy nhà đơn lẻ nhưng lại khiến nhiều người tử vong như vậy?

- Một số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua tại TP HCM và Hà Nội, có điểm chung là đều xảy ra tại nhà ở cá nhân, hoặc nhà ở có kết hợp kinh doanh. 

Cháy nhỏ mà chết nhiều người, do thứ nhất, các vụ cháy này đều xảy ra vào ban đêm, hoặc khi các nạn nhân đang ngủ. Các hộ gia đình này đều không có hệ thống báo cháy tự động, nên khi phát hiện thì đám cháy đã phát sinh từ lâu, rồi phát triển lớn lên, khi phát hiện được thì đám cháy đã quá lớn. Có vụ khi phát hiện ra cháy thì nạn nhân đã bị ngạt luôn rồi, chết ngạt trước khi phát hiện ra cháy.  

Thứ hai, đa số các vụ cháy nhà vừa qua thường cháy từ tầng trệt lên, cháy từ ngoài cửa vào, nên các nạn nhân không có lối thoát. Nhà chỉ có một lối thoát duy nhất ở tầng trệt, phía trước nhưng lại cháy đúng tầng trệt, phía trước mà không có lối thoát nào khác ở sau, ở trên; đám cháy lại quá lớn thì việc xảy ra chết người là khó tránh khỏi.

Tôi xin nhắc lại, có khi phát hiện ra cháy thì đã cháy quá lớn, mà chỉ cần vài phút là nạn nhân đã có thể ngạt khói chết. Tử vong vì khói chứ chưa phải chết vì ngọn lửa trực tiếp.  

Nguyên nhân nào phát sinh những đám cháy vừa qua?

- Nhiều vụ cháy nghiêm trọng ở TP HCM, và mới đây Hà Nội cũng đã công bố, đa số do chập điện, có thể chập điện ngay ở trong chiếc xe máy bên dưới như vụ cháy ở Thủ Đức. Điện chập gặp xăng dầu thì bùng cháy rất nhanh. Lại tiếp tục gặp nhiều vật liệu dễ cháy như mút, vải, nệm, xốp… cùng nhiều đồ buôn bán chất trong nhà dễ bắt lửa, thì lan rất nhanh.

Nguyên nhân cháy tại TP HCM, năm 2020, theo thống kê thì 70,3% là do sự cố các thiết bị hệ thống điện. Điện ở đây có thể là điện sinh hoạt, sản xuất, có thể là điện trong các thiết bị như xe máy, xe hơi…

Nguyên nhân do bất cẩn trong quá trình sinh hoạt như thắp nhang đèn, đốt vàng mã, nấu nướng… là yếu tố đứng sau chập điện.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Phòng PC07, tại Trung tâm Thông tin chỉ huy PCCC Công an TP HCM.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Phòng PC07, tại Trung tâm Thông tin chỉ huy PCCC Công an TP HCM. 

Xin hãy nhớ phòng cháy trước khi chữa cháy

Hiện ở các đô thị lớn phổ biến dạng nhà ống, ngoài cửa ra vào ít có lối thoát khác, chưa nói đến việc một số nhà sợ trộm cắp nên còn bịt kín các lối có thể thoát hiểm. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

- Đó là một thực trạng nhức nhối với những người làm công tác PCCC, tuy nhiên tôi chỉ xin nói về biện pháp phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm trong những tình huống như thế.

Nguyên tắc đầu tiên là phải phòng ngừa, phát hiện. Phòng ngừa sao để không xảy ra cháy nổ. Nếu xảy ra cháy nổ, một là phải có người phát hiện, hai là phải có máy móc, thiết bị tự động phát hiện, ví dụ hệ thống báo khói. Một cái đầu báo khói rất rẻ, khi lắp vào thì có khói là nó hú còi, rung chuông...

Hiện các hệ thống báo cháy tự động rất thông minh, có thể nối về Trung tâm chỉ huy PCCC TP HCM. Trung tâm sẽ phát hiện kể cả khi gia đình bị cháy không phát hiện ra, Trung tâm chỉ huy sẽ biết và điều động đơn vị đến ứng cứu sớm nhất.

Nói cách khác, điều cơ bản đầu tiên quan trọng nhất, nguyên tắc PCCC tối quan trọng là làm sao phát hiện sự cháy một cách chủ động, sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ lúc nó bắt đầu hình thành đám cháy nhỏ. Phải phát hiện như thế mới xử lý có hiệu quả được. 

Khi phát hiện ra cháy, phải bình tĩnh dùng mọi vật dụng trong nhà để chữa cháy, không có bình chữa cháy thì dùng chăn mền nhúng nước cũng có thể dập đám cháy nhỏ. Đồng thời phải tri hô, la lớn, không được lui cui chữa cháy một mình.  

Còn khi đám cháy lớn, thì không chữa cháy nữa, mà phải bình tĩnh tìm cách thoát hiểm. Nếu cháy đằng trước, tầng trệt bít lối ra; hãy tìm lối thoát hiểm về phía sau hoặc trổ nóc, trổ mái. Lên sân thượng thì lợi dụng các hành lang, ban công bò sang nhà người khác bám trụ lại đó, hạn chế thấp nhất việc phải nhảy xuống; đồng thời cố gắng hô hoán và tìm mọi cách kéo dài sự sinh tồn của mình chờ người đến cứu, dùng đồ ướt bịt mũi, trùm đầu lại.

Nếu không còn đường nào thoát hiểm, bắt buộc phải liều mình lao sang đám cháy ở tầng trệt thoát ra ngoài. Cần nắm được vị trí ổ khóa, chìa khóa ở đâu? Đồng thời dùng chăn màn nhúng nước thật ướt, trùm lên người và cúi khom hoặc bò thấp xuống dưới đất, mới hít được dưỡng khí mà có thể bò ra khỏi đám khói, cháy.  

Cách cuối cùng, cũng là đường cùng, nếu không thể tìm cách ra thì tìm cách chèn cửa, dùng vật dụng che chắn để khói không vào bên trong. Càng kéo dài được thời gian sinh tồn thì càng có cơ hội được cứu.

Ông còn có lời khuyên gì khác cho người dân?

- Cuộc đời làm Cảnh sát PCCC, tôi từng gặp nhiều vụ cháy thật thương tâm và luôn luôn khuyến cáo người dân mình một cách mạnh mẽ rằng nên lắp đặt các hệ thống báo cháy. Giờ hệ thống báo cháy giá rất rẻ, rất thông minh, mà nhiều hộ chủ quan không chịu trang bị.  

Người lính PCCC không cứu được người bị nạn, không cảnh báo được nguy cơ, thì thực sự rất đau lòng. Tôi muốn ai cũng hiểu vấn đề là mỗi người đều có những mối lo trong cuộc sống và ngoài mối lo cơm áo gạo tiền, thì mối lo PCCC cũng quan trọng không kém. Phát hiện sớm, lực lượng PCCC tới thì còn được, chứ phát hiện trễ thì có khi cũng thua. 

Xin cảm ơn Thượng tá Trưởng!

Đọc thêm