“Tôi thấy thương các em quá”
Làng Chao Pông nằm thoai thoải giữa những rẫy cà phê. Trong căn nhà nhỏ ở giữa làng, tiếng học bài ê a luôn râm ran không ngớt. Ở đó, có cô giáo H’Blao thân hình nhỏ bé, chỉ cao hơn học sinh tiểu học một chút, đứng giảng bài say sưa bên chiếc bảng xanh được gắn trên tường.
Trò chuyện với chúng tôi, H’Blao cho biết, chị sinh ra và lớn lên tại chính ngôi làng này. Năm lên 3 tuổi, sau một trận sốt, chị bị teo cơ chân. Dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng H’Blao luôn cố gắng tập luyện để được bước đi trên đôi chân của mình. Với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, H’Blao đã có thể đi lại dù rất khó khăn.
Ngay từ nhỏ, H’Blao đã mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong làng. Đó chính là động lực giúp chị không những học xong THPT mà còn thi đậu vào chuyên ngành Công nghệ thông tin của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Tuy nhiên, do sức yếu, lại phải học xa nhà, H’Blao không theo kịp các bạn nên nửa học kỳ năm học thứ 2 (năm 2011) chị nghỉ học giữa chừng.
Về lại nhà, H’Blao hay nghĩ ngợi xa xăm. Trong không gian vắng vẻ của ngôi làng mà người lớn cả ngày làm ruộng, đi rẫy, hình ảnh những đứa trẻ hay nô đùa trước hiên nhà như một đốm lửa khiến cô thấy ấm áp. Bọn nhỏ đen nhẻm, ngoài lúc đùa nghịch thường lấy sách vở ê a hay viết xuống khoảng sân những chữ không tròn trịa. H’Blao gặp lại tuổi thơ của mình. Cô chỉ bài cho những em trong dòng họ, động viên các em chăm học.
Rồi, những đứa trẻ trong làng rủ nhau đến ngày một đông. H’Blao đánh bạo xin cha xây thêm một phòng kiên cố, vừa tiếp khách vừa dễ quán xuyến đám nhỏ. Ông Ksor Dek lúc ấy cũng chỉ có ít tiền để dành cho gia đình, nhưng nghe con gái nói vậy liền vay mượn xây phòng.
Một tháng sau, một phòng học kiên cố được xây lên với tổng kinh phí 40 triệu đồng. Ngôi nhà này từ đó trở thành ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ J’rai ở miền quê này.
“Thấy làng mình còn nghèo vì lo kiếm ăn từng bữa, các bậc phụ huynh ngày đêm ở trên rẫy, không có thời gian chăm sóc, lo việc học cho con em, tôi thấy thương các em quá. Vậy nên, tôi có ý định mở lớp học tình thương, dạy học miễn phí cho các em. Tôi muốn dành tình yêu thương để san sẻ, muốn truyền dạy kiến thức để các em học tập tốt hơn”, cô giáo H’Blao chia sẻ.
Lớp học miễn phí của cô giáo H’Blao đã duy trì được 7 năm nay. Hiện tại, lớp học có hơn 50 em, với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5. Dù đi lại khó khăn, tuy nhiên đối với các học trò, H’Blao luôn dành tất cả sức lực để cầm tay nắn nót cho các em từng chữ, hướng dẫn từng phép tính.
“Kỳ học vừa qua, lớp học của tôi có 19 em đạt học sinh giỏi và tiên tiến. Nhìn thành tích học tập của các em, tôi vui lắm. Tôi muốn dành tất cả niềm yêu thương này đến với các em và cũng hy vọng tương lai các em sẽ tốt hơn”, cô giáo H’Blao tâm sự.
Tình người cao cả
Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, H’Blao đã chia lớp học thành 2 nhóm, theo từng độ tuổi và từng khả năng. Những học sinh học ở trường buổi sáng, chị sẽ kèm ở nhà vào buổi chiều và ngược lại.
Theo H’Blao, hiện chị đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo tiếng Việt và biết làm toán. Lớp học của chị bắt đầu từ 7h - 10h sáng và 13h - 15h chiều đều đặn hàng ngày, chỉ trừ thứ bảy và chủ nhật.
Em Kpă H’Nhân (học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, xã Ia Phang) cho biết: “Từ năm lớp 1, ngoài buổi học trên trường, em thường đến lớp học của cô H’Blao. Nhiều bạn khác trong làng cũng được cô H’Blao dạy học miễn phí”.
Có 2 con đều nhờ cô H’Blao kèm dạy gần 1 năm nay, chị Siu Blom (ngụ làng Chư Bố 2, xã Ia Phang) cho biết: “Cô giáo H’Blao không lấy một đồng nào. Giọng cô nhỏ nhẹ, giảng bài tận tình, các con của tôi rất thích học. Cô H’Blao đã giúp cho con tôi học tiến bộ hơn nhiều”.
Không chỉ dạy chữ, H’Blao còn lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Những lúc nghỉ giải lao, chị kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp.
Ngoài giờ dạy, cô giáo trẻ kiếm thu nhập bằng sở thích thêu tranh để có tiền trang trải cho cuộc sống. Nhưng H’Blao chẳng bao giờ kể khổ với học trò, mà luôn muốn ngôi nhà của mình là một nơi tương sáng, hướng đến tương lai tốt đẹp cho học trò của mình.
Ông Đậu Sỹ Quốc - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh, cho biết: “Việc dạy học của cô giáo H’Blao là xuất phát từ tinh thần tình nguyện. Với sự chỉ bảo ân tình, cô đã giúp cho nhiều em học sinh trên địa bàn như củng cố thêm kiến thức và học Tiếng Việt tiến bộ từng ngày. Bản thân tôi rất ủng hộ việc làm của cô giáo H’Blao nên luôn cố gắng hỗ trợ hết sức có thể”.
Với những đóng góp âm thầm của mình, H’Blao đã được UBND huyện Chư Pưh tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào dạy học cho học sinh nghèo. Cùng với đó, chị cũng được Tỉnh đoàn Gia Lai tặng bằng khen gương người tốt việc tốt tháng 3. Đó là niềm vinh dự của H’Blao, cũng là sự tri ân với những đóng góp âm thầm của bông hoa núi tật nguyền này với người làng, với giáo dục, với sự phát triển của địa phương.
Đến thăm làng Chao Pông hồi giữa tháng 5/2018, ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã tặng cô giáo H’Blao một máy vi tính, hứa tặng 15 bộ bàn ghế, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tặng sách giáo khoa mới cho các em trong lớp.
Vị Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện để cô giáo H’Blao có chứng chỉ sư phạm, tiếp tục cống hiến cho xã hội. “Mong câu chuyện của cô giáo sẽ là nguồn động viên cổ vũ tinh thần phục vụ xã hội của mọi người”, ông Trang nói.