Mất trí nhớ hơn 26 năm
Ngôi nhà của cụ Ngô An Ninh (SN 1930, trú tại Tổ dân phố 5, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) những ngày này hết người này tới lượt người khác đến để chúc mừng vì nghe tin con trai cụ là “liệt sĩ” Ngô An Dương (SN 1958) bỗng nhiên trở về sau 26 năm hy sinh.
Theo lời kể của người thân ông Dương, năm 1978 – anh Ngô An Dương tròn 20 tuổi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, được phân công vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 thuộc Quân khu 9 để huấn luyện. Sau vài tháng huấn luyện nhanh, ông nhận nhiệm vụ cùng đồng đội được điều động sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Theo ông Dương, năm 1979 trong lúc chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông bị thương nặng ngất xỉu, được người dân địa phương chăm sóc. Khi tỉnh dậy thì đơn vị đã chuyển địa điểm chiến đấu, người đang bị thương đầu óc không nhớ được gì rõ ràng. Lành vết thương, ông được một người phụ nữ bản địa chăm sóc, cưu mang cho ở cùng, sau đó ông lấy người này làm vợ và chung sống với nhau từ đó đến nay. Hiện ông và người vợ Campuchia đã có với nhau 3 mặt con.
Dù vết thương ngoài da lành lặn nhưng ông vẫn không nhớ được gì, những lúc thời tiết thay đổi ông lại phải điều trị.
|
Hai vợ chông ông Dương thắp hương cúng tổ tiên. |
Gia đình ở quê nhà biệt tăm không có thông tin gì về ông Dương, năm 1993 thì nhận được giấy báo tử gửi về báo tin ông đã hy sinh. Cả nhà đau đớn, lập ban thờ để hương khói, dù không biết là ông hy sinh ở khu vực nào.
Hai năm trở lại đây, ông Dương được một tổ chức từ thiện điều trị nên đầu đỡ đau hơn, trí nhớ có phần hồi phục dần… Ông bắt đầu hình dung quê ở Hà Tĩnh, sau đó nhớ ra là ở huyện Nghi Xuân, tuy nhiên không thể xác định được nơi mình sinh ra. Cuối năm 2018, ông gặp được người đàn ông tên Dần (trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) sang Campuchia làm ăn, biết là người Việt Nam nên hai người thường hay trò chuyện với nhau.
Biết được ý nguyện của ông Dương là trở về thăm quê hương và tìm lại gia đình nên người này đã đi tìm thông tin về gia đình ông. Khi liên hệ được gia đình, cha ông Dương là ông Ninh cũng như người nhà bán tín bán nghi vì theo giấy báo tử thì ông Dương đã hi sinh từ năm 1979. Sau nhiều lần xác nhận thông tin, ông Dương chắc chắn đó là gia đình mình nên đã làm các thủ tục hành chính để đưa vợ con về thăm bố mẹ.
Ngày đoàn tụ bất ngờ
Ông Ngô Xuân Cảnh (em trai ông Dương) chia sẻ: "Gia đình luôn trăn trở là không viết anh Dương hy sinh ở đâu, cũng đi nhiều nơi tìm mộ liệt sỹ nhưng cũng không có thông tin gì về anh. Ban đầu nhận được tin là anh trai còn sống cả gia đình cũng bàng hoàng lắm, qua điện thoại thấy anh đọc tên đúng từng người trong gia đình nên chắc chắn đó là anh Dương. Cả nhà hồi hộp chờ anh trở về...”.
Khi bước chân đến cổng, ông Ninh đã nhận ra đó chính là con trai mình, cả nhà lao ra ôm nhau khóc nức nở, giọt nước mắt của mừng tủi sau 40 năm ông Dương mất tích và 26 năm gia đình nhận được giấy báo tử. Chiếc ban thờ của ông Dương sau đó được cất đi, cả nhà quây quần với niềm vui khôn tả - một người “từ cõi chết trở về”.
|
Giấy báo tử liệt sĩ Ngô An Dương và thư động viên tinh thần của đơn vị gửi cho gia đình năm 1993. |
Đây không phải là trường hợp duy nhất liệt sỹ trở về tại Hà Tĩnh, trước đó ngày 11/9/2018, ông Trịnh Thanh Bình (SN 1956, quê quán tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) trở về sau 26 năm nhận được giấy báo tử. Ông Bình nhập ngũ tại Đoàn 7704MT479 (Quân khu 7) năm 1976, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia bị thương và mất trí nhớ do bị thương trong khi chiến đấu.
Hay như trường hợp ông Phạm Văn Bình (SN 1954, quê quán tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được xác định là liệt sỹ đã hy sinh năm 1979 tại chiến trường Campuchia theo giấy báo tử năm 1993. Sau 39 năm biệt tích và 25 năm nhận được giấy báo tử ông Bình đã được người thân tìm kiếm được qua một người đi Việt Nam đi làm ăn tại Campuchia. Cũng như ông Trịnh Thanh Bình, ông Ngô An Dương, ông Phạm Văn Bình bị thương trong lúc chiến đấu, được người dân chăm sóc sau đó lấy làm vợ, sinh con.