Nhập ngũ sau khi mẹ mất
Năm 1964, thanh niên Lê Giang Nam (SN 1946, quê quán xã Nam Sơn nay là xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An) hiện trú tại thôn 2, xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, Bình Thuận nhận được giấy báo nhập ngũ thì mẹ mất. Anh viết đơn xin hoãn nhập ngũ để chịu tang mẹ, năm 1965 anh lên đường huấn luyện, sau đó vào chiến đấu tại mặt trận Bình Thị Thiên. Ngày 31/10/1968, anh Nam được xác định là đã hy sinh trong một trận chiến đấu, giấy báo tử gửi về gia đình ghi ngày 30/1/1975.
Ông Lê Nguyên Lan (SN 1957, trú tại xã Nam Kim, Nam Đàn - em trai ông Nam) chia sẻ, ngày anh Nam đi bộ đội ông mới hơn 9 tuổi nên cũng không có nhiều lắm kỷ niệm về anh. Chỉ nhớ hồi đó anh đi bộ đội khi cha mẹ đã mất, rồi sau đó biệt tích mấy năm sau nhận được giấy báo tử. Gia đình cũng đi tìm mộ nhiều lần nhưng không có kết quả. Ngày 22/3 vừa qua, ông Lê Giang Nam được con trai và cháu đưa về đoàn tụ với gia đình sau hơn 50 năm hy sinh trước sự ngỡ ngàng của bao người.
Ông Đặng Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Kim xác nhận, địa phương nhận được thông tin ông Nam trở về địa phương sau hơn 50 năm đã cử đoàn cùng Phòng LĐTB&XH huyện đến thăm hỏi và làm việc với gia đình ông Lan. Theo thông tin ông Nam kể lại, năm 1968, trong một trận đánh ông trúng pháo của địch nên bị thương rất nặng, ông được đưa vào Đà Nẵng điều trị, khi tỉnh dậy phát hiện xung quanh mình có lính của Ngụy nên đã tìm cách trốn khỏi bệnh viện. Sau đó trôi dạt vào tận Bình Thuận, được một gia đình người địa phương cứu và cưu mang, sau đó lấy cô con gái gia đình này làm vợ, đến nay đã có 8 người con, 7 đứa cháu ngoại nội. Quá trình sinh sống, gia đình vợ và con đã nhiều lần hỏi quê quán của ông ở đâu nhưng ông không thể nhớ do vết thương trên đầu nặng quá.
Trần Thị Hoa, chuyên viên Phòng LĐTB&XH huyện Nam Đàn chia sẻ, qua làm việc với ông Nam do ông bị thương nặng trên đầu nên lúc nhớ lúc quên, quá trình gặp gỡ những người bạn cũ của ông thì ký ức ông được hồi tưởng lại nên khá là trùng lặp. Tại Bình Thuận, ông Nam được khai sinh với cái tên khác là Nguyễn Mạnh Cường (SN 1950, nguyên quán Đà Nẵng).
Con trai tìm quê cho bố sau 50 năm thất lạc
|
Ông Nam (áo trắng thứ hai từ phải sang) đoàn tụ cùng với gia đình người em trai sau nhiều năm là liệt sỹ (ảnh từ Facebook) |
Anh Nguyễn Văn Vinh, con trai thứ 6 của ông Nam cho biết: “Năm 2016, khi mẹ mất thì thấy có mỗi mình ba (ông Nam) tội nghiệp nên anh Vinh và các anh em muốn tìm về gốc gác của bố mình sau này còn có chỗ đi lại với tổ tiên nhưng ba không nhớ quê ở đâu. Sau đó anh em nói ba nhớ được bất cứ cái gì thì ghi lại trong giấy để các con đi tìm. Một thời gian ba khỏe hơn chút rồi từ từ nhớ ra được quê ông ở xã Nam Sơn, Nam Đàn (Nghệ An), nhiều người bạn bè của anh cũng xác nhận là giọng của ông vẫn là giọng Nam Đàn “đặc sệt”.
Năm 2017, anh Vinh bắt đầu lên mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin tìm kiếm quê hương của bố mình. Từ địa chỉ ông Nam nhớ lại là thôn Đa Lộc, xã Nam Sơn, Nam Đàn, Nghệ An, anh Vinh tìm hỏi bạn bè và nhiều người quen biết quê Nam Đàn nhưng không ai biết xã này là xã nào vì trên địa giới hành chính không có tên. Anh tiếp tục lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin về địa chỉ của bố mình nhưng không ai biết xã Nam Sơn là xã nào, anh Vinh trực tiếp gửi email về hòm thư của cổng thông tin điện tử huyện nhưng cũng không nhận được hồi âm… Sau đó, anh Vinh dự định cùng người bạn đi một chuyến về Nam Đàn, Nghệ An để hỏi thông tin về quê hương của bố mình, nhưng sau đó do công việc bận quá nên chưa sắp xếp được.
Bất ngờ từ thông tin của các thành viên trong nhóm “Hội đồng hương Nam Đàn” được một số người chia sẻ là xã Nam Sơn và Nam Thắng đã gộp lại thành xã Nam Kim. Từ thông tin quý báu đó anh đã xác định được đó chính là quê hương của bố mình nhưng không biết có ai là người thân còn sống ở đó không.
Một sự trùng hợp nữa là một người bạn của anh Vinh đọc được thông tin một người bạn đăng tin tìm mộ liệt sỹ của bác Lê Giang Nam (sau này được biết là con trai ông Lan đi tìm mộ người bác liệt sĩ). Qua điện thoại thì anh em gặp nhau tại TP HCM nói chuyện và xác nhận lại ông bác liệt sỹ đó chính là bố của Vinh. Cả hai tức tốc trở về Bình Thuận thì một điểm bất ngờ là người em này lập gia đình với một người con gái sống gần nhà ông Nam tại Bình Thuận.
Sau khi xác định lại các thông tin cùng với gặp gỡ của những người trong gia đình đã khẳng định đó chính là người bác liệt sĩ mà gia đình đi tìm. “Nhận được thông tin, chú Lan cũng muốn vào Bình Thuận để gặp anh trai nhưng sau đó tôi và em con chú Lan sắp xếp để đưa ba bay ra Nghệ An nhận người thân sau bao năm ly biệt. Khoảng hơn 6h tối ngày 22/3, ba về gặp lại chú Lan và gia đình, người thân trong nước mắt mừng tủi”, anh Vinh kể.
Theo bà Trần Thị Hoa, gia đình ông Nam có hai người được công nhận liệt sĩ là Lê Giang Nam và Lê Nguyên Bộ (hy sinh năm 1970), mẹ ông Nam là bà Nguyễn Thị Đức cũng được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng có hai con là liệt sĩ. Theo anh Vinh thì ông Nam (tức ông Nguyễn Mạnh Cường) không được hưởng bất cứ chế độ gì vì trí nhớ của ông không nhớ được gì, không nhớ nguồn gốc của mình hay nhớ từng chiến đấu với ai. Hiện nay, ông Nam đang ở nhà em trai Lê Nguyên Lan để gặp lại gia đình và người thân, nghe tin ông trở về nhiều người đã đến hỏi thăm và chúc mừng. Do vết thương trên đầu và thay đổi thời tiết nên sức khỏe của ông vẫn chưa thích nghi được, nhiều lúc còn kêu đau đầu và mệt.