Liệu có yên tâm giao tài sản thế chấp khi vay tiền tư nhân?

(PLVN) -  Tôi có hỏi một khoản vay tư nhân nhưng người ta yêu cầu tôi phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài sản thế chấp để làm tin. Xin hỏi cá nhân/ tư nhân có được pháp luật cho phép nhận tài sản thế chấp để bảo đảm cho khoản vay hay không?  
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Do cần tiền gấp mà không muốn làm thủ tục vay ngân hàng nên tôi quyết định vay nóng chỗ người quen giới thiệu. Tuy nhiên, bên cho vay yêu cầu tôi phải thế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sổ tiết kiệm thì mới giải ngân. Trước nay tôi chỉ thấy các ngân hàng, tổ chức tín dụng mới được nhận tài sản thế chấp khi tiến hành cho vay nên rất băn khoăn. Xin hỏi cá nhân/ tư nhân có được pháp luật cho phép nhận tài sản thế chấp để bảo đảm cho khoản vay hay không?  

Những ai có quyền nhận thế chấp?

Về vấn đề bạn quan tâm, tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 1.Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”

Như vậy, thế chấp là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (chủ yếu là để bảo đảm cho khoản vay) và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp. Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định “khoanh vùng” những ai được nhận thế chấp. 

Liên quan đến quy định này, tại điểm g khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân có quyền: “Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, tổ chức, cá nhân có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác như ô tô, xe máy.

Thế chấp nhà đất bắt buộc phải đăng ký

Căn cứ khoản 1 Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Riêng đối với việc thế chấp quyền sử dụng đất thì tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ:

“Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”

Như vậy, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai (Văn phòng đăng ký đất đai) và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

 

Pháp luật quy định nghĩa vụ của các bên khi thế chấp như thế nào? 

- Về nghĩa vụ bên có tài sản thế chấp:

Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ nghĩa vụ của bên thế chấp như sau:

- Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.

- Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

- Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

- Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm sau:

+ Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

+ Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

+ Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

- Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

- Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật (riêng đối với trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở, ô tô, xe máy thì không được bán).

-Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp

Căn cứ Điều 322 Bộ luật Dân sự 2015, bên nhận thế chấp có nghĩa vụ như sau:

- Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.

- Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định.

Như vậy, tổ chức, cá nhân được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở và các giấy tờ, tài sản có giá khác như sổ tiết kiệm, ô tô, xe máy. Khác với cầm cố, khi nhận thế chấp ô tô, xe máy thì bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo một số hình thức do các bên thỏa thuận như tự bán tài sản, bán đấu giá,…trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện thủ tục bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm