Mục đích là nhân đạo, nhưng nhiều người cố tình hiểu sai, lợi dụng điều này để mua bán con, thông qua các dịch vụ đẻ “thuê”, đẻ “chui” như hiện nay. Vì thế theo TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Bộ sẽ cân nhắc thêm trước khi quyết định có ủng hộ hay không vấn đề cho phép mang thai hộ.
Với mong muốn những người phụ nữ có trục trặc về tử cung vẫn có thể có con, tại một cuộc họp bàn về vấn đề sinh sản, GS. Nguyễn Viết Tiến - GĐ Bệnh viện Phụ sản TƯ, Thứ trưởng Bộ Y tế - đã đưa ra gợi ý rằng nên cho phép mang thai hộ để tạo cơ hội cho những phụ nữ trên có được hạnh phúc có con. Đây là một ý tưởng nhân đạo, xuất phát từ thực tế các ca vô sinh ở Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng lên.
|
Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 hiện hành chưa quy định về mang thai hộ. Tại Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP quy định, nghiêm cấm mang thai hộ. Vì thế, hiện nay chưa có văn bản nào quy định hậu quả pháp lý cũng như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và quyền tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan (người mang thai, người nhờ mang thai hộ).
Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu “mang thai hộ” là có thật và khá phổ biến, là nguyện vọng chính đáng của các trường hợp vì bệnh lý như dị tật bẩm sinh – không có tử cung; u xơ tử cung, suy tim, suy gan, tai biến sản khoa cắt tử cung...
Mục đích là nhân đạo, nhưng nhiều người cố tình hiểu sai, lợi dụng điều này để mua bán con, thông qua các dịch vụ đẻ “thuê”, đẻ “chui” như hiện nay.
Chính dịch vụ đẻ “thuê” cũng là hình thức biến tướng của vấn đề mang thai hộ ở một số ít quốc gia hiện nay, khi luật pháp của họ cho phép. Kéo theo đó là vô vàn phức tạp liên quan đến vấn đề đạo đức, xã hội…, đặc biệt là về luật pháp như tranh chấp về quyền nuôi con; tranh chấp tài sản...
Chính vì lẽ đó, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho hay, Bộ sẽ cân nhắc thêm trước khi quyết định có ủng hộ hay không vấn đề cho phép mang thai hộ.
Cũng theo ông Quang, vì những rắc rối này, hiện chỉ có Anh và một số bang của Đức cho phép mang thai hộ. Còn lại hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Hà Lan… đều cấm mang thai hộ vì sợ những hậu quả khôn lường có thể xảy ra.
Cụ thể, TS. Nguyễn Huy Quang phân tích, về pháp luật theo nguyên tắc thì người nào đẻ ra thì đứa trẻ đó là con của họ nhưng khi cho phép mang thai hộ sẽ phá vỡ nguyên tắc đó, nảy sinh tranh chấp về đứa con sinh học.
Vẫn biết rằng ai đẻ con ra thì đứa trẻ là con của họ, nhưng họ lại phải giao đứa bé cho người khác vì nó không mang dòng máu của họ. Khi đó, “không chỉ xuất hiện những tranh chấp về mặt pháp luật mà cả tranh chấp về mặt sinh học. Tất nhiên, về mặt pháp luật thì dễ phân xử, nhưng ở góc độ xã hội thì lại quá khó xử…”, TS. Quang băn khoăn.
Tuy khó xử về nhiều mặt, nhưng xét về khía cạnh nào đó đây vẫn là vấn đề mang tính nhân văn và được không ít quốc gia đặt lên “bàn cân” để tính toán, xem xét. Cũng vì lẽ đó, mới có chuyện người đứng đầu chuyên ngành sản khoa, cũng là lãnh đạo cấp cao của ngành y tế nêu ý kiến về vấn đề này.
Còn theo quan điểm cá nhân, TS. Huy Quang khẳng định, đó là ý kiến về mặt chuyên môn, còn cho phép hay không cho phép mang thai hộ thì cần phải nghiên cứu sâu hơn về mặt pháp luật và xã hội.
Nếu có cho phép thì cũng chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp mang tính chất bệnh lý và cũng chỉ nên cho phép người trong gia đình mang thai hộ (ví dụ chị mang thai hộ em hoặc ngược lại). Bởi nếu cho phép người ngoài mang thai hộ thì ngay lập tức sẽ trở thành thương mại, mua bán, thậm chí nảy sinh một loạt vấn đề phức tạp về đạo đức, pháp lý… nêu trên.
P.V