Lộ diện những gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân

(PLVN) - 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2019 đã lộ diện. Đó là những Gương mặt trẻ tiêu biểu xuất sắc của tuổi trẻ quân đội trong lĩnh vực học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, kinh doanh, lao động…
Những Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.

Kỷ lục 50 chuyến đi biển, hơn 4.000 giờ lặn tàu ngầm

Tháng 3 này, Thiếu tá Trần Văn Phương (Phó Thuyền trưởng tàu ngầm 186, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân) giành liên tiếp hai giải thưởng: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và Gương mặt trẻ tiêu biểu (GMTTB) toàn quân năm 2019.

Trước đó, anh có bảng thành tích ấn tượng: 5 năm liên tục (2015-2019) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2018; Bằng khen của Bộ Quốc phòng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2019; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Với kiến thức chuyên môn, Trần Văn Phương đã tham gia dịch và biên soạn hàng trăm trang tài liệu tiếng Nga về huấn luyện chuyên ngành tàu ngầm, phục vụ hiệu quả công tác huấn luyện của thủy thủ. 

Quá trình công tác thực tế trên tàu ngầm Kilo 636, anh đã tìm tòi, nghiên cứu 3 sáng kiến thiết thực. Các tài liệu và sáng kiến của anh đều được cơ quan chuyên môn các cấp thẩm định và đánh giá cao, nhất là những ứng dụng hiệu quả trong khai thác, hoạt động của tàu ngầm. Bản thân anh đã tích lũy hơn 4.000 giờ lặn với hơn 50 chuyến đi biển hoàn thành tốt nhiệm vụ, chinh phục những độ sâu giới hạn của tàu ngầm Kilo.

Trên cương vị Phó thuyền trưởng, Trần Văn Phương đề xuất với Đảng ủy, Ban Chỉ huy tàu đưa ra nhiều nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tàu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. 

Năm qua, anh tổ chức cho tàu thực hiện tốt 100% kế hoạch huấn luyện; 100% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Kỹ sư tài ba về Điện toán đám mây

Lê Quang Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu (TCT VTNet), Tổng Công ty Mạng lưới Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội là kỹ sư giỏi, cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn. Anh là một trong 3 người sáng lập Cộng đồng điện toán đám mây (ĐTĐM) mã nguồn mở (OpenStack) Việt Nam, được Tổ chức ĐTĐM mã nguồn mở thế giới (OpenStack Foundation) lựa chọn là đại diện ở Việt Nam. 

Lê Quang Hiếu từng đoạt giải nhất Olympic tin học quốc gia và tốt nghiệp xuất sắc ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, Hiếu đầu quân cho Viện Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Viettel. Sau 3 năm gắn bó với Viettel, năm 2016, Hiếu nhận lời làm việc cho Fujitsu Việt Nam, công ty của Nhật Bản chuyên ngành lĩnh vực bán dẫn, máy tính, truyền thông và dịch vụ.

Dù mức đãi ngộ của Fujitsu rất cao và nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đã mời gọi khi biết chàng kỹ sư tài năng từ bỏ Fujitsu nhưng Hiếu đã chọn quay trở lại Viettel, làm Phó Giám đốc của TCT VTNet, đảm nhiệm nghiên cứu lĩnh vực ĐTĐM cho hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông Viettel, lộ trình 2019-2021.

Hiện quy mô hạ tầng VTNet đang đứng trong nhóm 19% các hạ tầng ĐTĐM nguồn mở trên thế giới. Được biết, nếu không thể tự chủ hệ thống, với quy mô 300 máy chủ cho ĐTĐM của Viettel, công ty phải tiêu tốn hàng chục triệu USD. Công bố từ trang www.stackalytics.com cho thấy, Viettel hiện đang đứng trong tốp 50 doanh nghiệp trên thế giới và số 1 Đông Nam Á đóng góp mã nguồn, thiết kế vào giải pháp ĐTĐM nguồn mở.

“Cây sáng kiến” trong cải tiến kỹ thuật 

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hưng, kỹ sư bậc 3/8, nhân viên kỹ thuật, Xí nghiệp II Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) là “cây sáng kiến” trong phong trào nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật (SKCTKT). Với nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong môi trường đặc thù sản xuất các sản phẩm quốc phòng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn, cùng những khó khăn về trang thiết bị, công nghệ sản xuất..., anh đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật. 

Từ năm 2015 đến nay, anh là tác giả chủ trì thực hiện 4 công trình cơ khí hóa - tự động hóa, 32 giải pháp SKCTKT; đồng tác giả và tham gia thực hiện hai công trình cơ khí hóa - tự động hóa, 12 giải pháp SKCTKT với tổng trị giá làm lợi gần 15 tỷ đồng/năm, góp phần bảo đảm an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng kế hoạch sản xuất các sản phẩm quốc phòng. Hiện anh có một sáng kiến đăng ký tham gia Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019, một sáng kiến đăng ký tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2019. 

Đọc thêm