Dừng chiếu phim nước ngoài bị tố "ăn cắp" Nhã nhạc
Phim cổ trang “Thịnh Đường huyễn dạ” được sản xuất năm 2018 tiếp tục bị khán giả Việt tố “ăn cắp” Nhã nhạc cung đình Huế vào một phân cảnh trong phim. Nhiều nhà đài, trang phim Việt lại mua bản quyền phim “Thịnh Đường huyễn dạ” phát sóng rộng rãi và đang được chiếu trên sóng VTV8. Điều đáng nói, ngày 29/4/2020, trang Fanpage chuyên phim Hoa ngữ chia sẻ đoạn video clip về một cảnh trong phim “Thịnh Đường huyễn dạ” có sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế.
Đính kèm là dòng trạng thái bày tỏ bất bình: “Họ lấy Nhã nhạc cung đình Huế làm nhạc truyền thống trong phim cổ trang dưới thời Đường. Đây là cảnh hiến vũ của các vũ công với dàn nhạc dâng lên cho hoàng đế và các quan trong buổi dạ yến. Đoạn nhạc là bản “Lưu thủy” được dùng ở tập 4, phút thứ 39. Tập 9 của bộ phim này cũng có một đoạn phát bản hòa tấu bài “Lưu thủy - Kim tiền”.
“Lưu thủy - Kim Tiền” là bản hòa tấu quen thuộc của người Việt trong các sinh hoạt, nghi lễ mang tính cộng đồng hay lễ hội truyền thống ở khắp đất nước chúng ta từ hàng trăm năm qua. Bản “Lưu thủy - Kim tiền” được định hình rõ nét và mang tính chất chuyên nghiệp, quy củ trong Nhã nhạc cung đình Huế, được dùng trong sinh hoạt chính thống của triều Nguyễn.
Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc tỏ ra lo ngại bởi âm nhạc Trung Quốc đâu có thiếu gì những bản hòa tấu phù hợp, lý do gì khiến êkip làm phim Trung Quốc lấy một bài bản có tính chất quan trọng trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đưa vào phim?
Nhã nhạc - âm nhạc cung đình là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ, Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình.
Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, khiến cho Huế càng được khẳng định hơn về một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Với tất cả giá trị lịch sử ấy, lúc 15h30 ngày 7/11/2003, Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”.
Trước một bộ phim cổ trang Trung Quốc “ăn cắp” Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam - Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, nhiều khán giả Việt thể hiện sự tức giận, muốn gửi thư cho nhà sản xuất phim “Thịnh Đường huyễn dạ” yêu cầu gỡ bỏ đoạn nhạc và lên tiếng xin lỗi. Hiện, VTV8 dừng phát sóng phim này và sẽ tiếp tục không phát sóng khi chưa làm rõ được thông tin có hay không việc sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế trong phim.
Đàn bầu, áo dài cũng bị “nhận vơ”
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc “nhận vơ” văn hóa của Việt Nam. Năm 2016, công luận và giới âm nhạc dân tộc Việt nóng lên với việc Trung Quốc tuyên bố đàn bầu là nhạc cụ dân tộc của nước này.
Trong bài viết “Đàn bầu của Việt Nam hay Trung Quốc?” được đăng tải mới đây trên website cá nhân của mình, GS.TS âm nhạc Trần Quang Hải bày tỏ lo lắng khi thời gian gần đây, Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch nhằm khẳng định đàn bầu là nhạc cụ truyền thống của nước này. Nguyên nhân là bởi Trung Quốc hiện đang có một tộc người Kinh (Jing) cũng chơi loại nhạc cụ trên.
Trước sự việc trên, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về cây đàn bầu nhân Festival Âm nhạc Á - Âu đang được tổ chức tại Hà Nội. Ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho hay: “Đàn bầu đã gắn với đời sống lịch sử của dân tộc Việt qua nhiều thế kỷ, đó là chân lý không thể phủ nhận”.
Tìm hiểu trong thư tịch và hiện vật khảo cổ học cũng như lịch sử chữ viết có một số sách sử quan trọng có đề cập đến đàn bầu. Theo An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa, Đại Nam thực lục tiền biên, Tân Đường thư, Cựu Đường Thư… cây đàn bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây, Trung Quốc”.
Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu của Việt Nam được đánh giá đặc sắc, độc đáo… bởi lẽ đàn bầu là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi; chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ...
Theo GS.TS Trần Quang Hải, cây đàn bầu là nhạc cụ “đặc hữu” của Việt Nam từ rất xa xưa và gắn liền với đời sống của người dân. Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có các bài bản cho đàn bầu dựa trên các bài dân ca quan họ, lý, hát ru, dân ca cải biên, chèo, tuồng, múa rối nước, ca Huế, đờn ca tài tử Nam bộ... Ngoài ra, đàn bầu còn dùng để đệm cho ngâm thơ hoặc độc tấu, song tấu, tứ tấu, ngũ tuyệt, dàn nhạc giao hưởng dân tộc.
Chưa hết, cuối năm 2019, người dân Việt Nam nói chung và các nhà thiết kế thời trang nói riêng bức xúc, cực lực phản đối trước việc nhà thiết kế Trung Quốc giới thiệu những mẫu thiết kế có phom dáng và cấu trúc không khác gì áo dài Việt Nam, do thương hiệu Ne-Tiger ra mắt ở Tuần lễ Thời trang Trung Quốc mùa Xuân Hè 2019 diễn ra tại Bắc Kinh. Những thiết kế ấy được chú thích là “Chinese style”(phong cách Trung Quốc).
Không chỉ có Ne-Tiger, NTK Sỹ Hoàng kể lại, năm 2008 tại triển lãm chuyên đề Lịch sử trang phục 5000 năm Trung Quốc diễn ra ở Bảo tàng Kimono (Nhật Bản) anh đã chứng kiến hiện vật trưng bày là nguyên bản một bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc.
Phía dưới là bảng ghi chú thích hàng chữ trang phục hiện đại Trung Quốc. NTK áo dài Võ Việt Chung cũng cho biết, 10 năm trước dự Tuần lễ thời trang ở Thượng Hải, anh đã chứng kiến điều tương tự.