Loại bỏ thai nhi trong trường hợp nào là phạm pháp?

(PLVN) - Đến khi phát hiện ra sự thật "động trời" về bạn trai, tất cả những mộng ước của cô bạn tôi dường như vỡ tan tành. Nhưng điều khiến cô ấy khó xử, day dứt nhất là việc giải quyết cái thai đã nhiều tuần tuổi...  
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Hỏi: Vì quá choáng ngợp trước vẻ hào nhoáng, sang trọng của bạn trai nên cô bạn tôi đã quyết định có thai với anh ta và ý định ban đầu của cô ấy là sẽ giữ lại cái thai để trói buộc tình cảm và trách nhiệm của anh ta - dù cô ấy biết anh ta là người đã có gia đình, bản tính lại trăng hoa.

Tuy nhiên, sau đó cô ấy đã phát hiện ra một sự thật có thể nói là động trời về con người thật của bạn trai (anh ta là dân xã hội, đang bị điều tra vì liên quan đến ma túy). Quá thất vọng và vỡ mộng, cô bạn quyết định dứt tình. Nhưng điều khiến cô ấy day dứt, khó xử nhất là việc giải quyết cái thai trong bụng đã hơn 5 tháng tuổi... (Chị Phùng Thị T.D, 30 tuổi) 

Luật sư tư vấn: Xin chia sẻ với tình cảnh đáng thương của cô bạn chị, trong tình huống này, Luật sư hiểu rằng cô ấy không muốn giữ lại cái thai nhưng việc loại bỏ thai ở tuần tuổi lớn không những rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng thai phụ mà còn có thể vi phạm pháp luật. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP: “Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác” là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Ngoài ra, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.

Theo các quy định trên, mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị … theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Những hành vi vi phạm quy định về phá thai sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

5. Phạt tiền từ 12.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;

b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính”.

Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện phá thai gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá thai trái phép theo Điều 243 Bộ luật hình sự 1999 với mức phạt tù đến 15 năm.

Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh này, hơn bất cứ lúc nào, giờ đây cô ấy rất cần có gia đình, những người thân ở bên cạnh làm chỗ dựa và cho những lời khuyên để có hướng giải quyết phù hợp. Mong cô ấy sớm bình an! 

Đọc thêm