Loạn trang thông tin điện tử, Fanpage chuyên "ăn cắp" tin bài của các báo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, tại Đà Nẵng nở rộ hàng loạt Fanpage và các trang tin điện tử tổng hợp hoạt động "chui", chuyên sao chép trái phép và "ăn cắp" trắng trợn tin bài của báo chí chính thống, gây nhiễu loạn thông tin, khiến nhiều người dân và nhà báo bức xúc.
Các Fanpage và trang tin điện tử "3 không" đang xâm phạm quyền lợi hợp pháp của báo chí và làm nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng.
Các Fanpage và trang tin điện tử "3 không" đang xâm phạm quyền lợi hợp pháp của báo chí và làm nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng.

Theo ghi nhận của PLVN, hiện trên không gian mạng tại Đà Nẵng có đến hơn 100 trang tin điện tử tổng hợp "3 không" (không rõ nguồn gốc, không rõ chủ quản, không có giấy phép) và Fanpage thường xuyên ngang nhiên sao chép tin bài của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng, để thu hút lượt xem, kiếm tiền quảng cáo.

Theo tìm hiểu, thủ đoạn của các cá nhân, tổ chức này là lập ra các trang website có cách trình bày, tên miền gần giống các báo điện tử, đánh lừa người đọc. Sau đó mặc sức "ăn cắp" tin tức của báo chí về để thu hút độc giả. Để tăng tính tương tác, thu hút lượt view, chủ của các trang website này cũng lập ra các diễn đàn, Fanpage có cộng đồng lớn trên mạng xã hội và đăng tải thông tin lên, như vậy họ có thể kiếm thêm tiền quảng cáo cả trên các trang mạng xã hội.

Khi đã có số lượt xem ổn định hàng tháng, các trang website này sẽ đăng ký kiếm tiền từ dịch vụ quảng cáo tự động của Google AdSense hoặc liên hệ với các doanh nghiệp để mời chào quảng cáo.

Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, đối với các báo điện tử, trang tin điện tử hợp pháp thì dưới cùng của website luôn có thông tin về người chịu trách nhiệm, cơ quan chủ quản, giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành cấp. Tuy nhiên, ở các trang web trên, hoàn toàn không có thông tin gì.

Đáng báo động là hiện tượng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống phóng viên và nguồn thu của các tòa soạn. Trong đó, báo Pháp Luật Việt Nam cũng là "nạn nhân" liên tục bị các trang tin này "ăn cắp" thông tin trái phép, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của báo.

Nổi bật trong đó có thể kể đến trang Fanpage có đến hơn 1,2 triệu người theo dõi với tên "Đà Nẵng". Đáng lo ngại hơn, tình trạng đặt tên Fanpage theo kiểu "đánh lận con đen" này đã khiến hầu hết người dân vẫn đang lầm tưởng trang Fanpage này chính là trang mạng xã hội chính thống của chính quyền TP Đà Nẵng. Tuy nhiên sự thật đây chính là Fanpage của cá nhân sở hữu, mà xuất phát điểm là của 1 tiệm áo cưới?!

Trang Fanpage "mạo danh" Đà Nẵng với hơn 1,2 triệu người theo dõi thời gian qua đã liên tục sao chép trái phép tin bài của các báo, khiến nhiều phóng viên bức xúc.

Trang Fanpage "mạo danh" Đà Nẵng với hơn 1,2 triệu người theo dõi thời gian qua đã liên tục sao chép trái phép tin bài của các báo, khiến nhiều phóng viên bức xúc.

Không chỉ đã ngang nhiên sao chép tin bài từ báo chí mà trang Fanpage này còn mở rộng "chân rết" bằng nhiều trang tin điện tử "chui" và các Fanpage "vệ tinh" khác như: "Tin nhanh Đà Nẵng", 8 Đà Nẵng, Yêu Đà Nẵng,...

Đáng nói, các trang này còn thường xuyên tự ý đổi tít và nội dung của các bài báo để câu view nhằm thu lợi bất chính, làm nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận và gây hiểu lầm, tổn hại rất lớn đến uy tín của các phóng viên, cơ quan báo chí chính thống đang hoạt động nghiêm túc với mục đích duy nhất là phụng sự độc giả, khán thính giả.

Các trang Fanpage này đã lập nhiều trang tin điện tử "chui" rồi đánh cắp tin bài của các báo để thu hút lượt xem, kiếm tiền quảng cáo, đánh lừa người đọc.

Các trang Fanpage này đã lập nhiều trang tin điện tử "chui" rồi đánh cắp tin bài của các báo để thu hút lượt xem, kiếm tiền quảng cáo, đánh lừa người đọc.

Câu chuyện các trang tin điện tử "chui" và Fanpage mọc "nhiều như nấm sau mưa" này đã diễn ra trong suốt một thời gian rất dài, khiến đội ngũ làm báo ở Đà Nẵng cũng như nhiều người dân bức xúc. Bởi, để có được một loạt bài điều tra, một chùm ảnh độc quyền hay là 1 bản tin thì các phóng viên phải lao động hàng tháng, chịu nhiều áp lực, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhưng khi bài báo vừa đăng lên, lập tức bị các trang mạng sao chép, đăng tải trái phép, "ăn cắp" trắng trợn chất xám và công sức lao động của họ. Chưa kể, việc phải chia sẻ lượng độc giả với các trang mạng hoạt động tử phát và không được cơ quan chức năng quản lý này đã và đang khiến các báo điện tử khó khăn do mất dần nguồn thu quảng cáo.

Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thu Phương - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, đơn vị liên tục nhận được phản ánh về tình trạng nhiều trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội facebook có lượng thành viên lớn thường xuyên đăng tải lại các tác phẩm của một số cơ quan báo chí, vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ.

Thủ đoạn của trang điện tử trái phép này là lập ra website có cách trình bày, tên miền gần giống các báo điện tử, đánh lừa người đọc.

Thủ đoạn của trang điện tử trái phép này là lập ra website có cách trình bày, tên miền gần giống các báo điện tử, đánh lừa người đọc.

Cũng theo bà Phương, cơ quan này cũng thường xuyên rà quét các trang Thông tin điện tử tổng hợp và phát hiện nhiều trang chưa được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật. Trong đó, có một số trang có các thông tin liên quan đến Đà Nẵng với nhiều thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

Do đó, căn cứ Luật Báo chí; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông kính đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn Đà Nẵng khi phát hiện ra tình trạng các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội đăng tải các tác phẩm báo chí mà không có sự đồng ý của đơn vị theo quy định, vui lòng phản ánh, tố cáo hành vi nêu trên bằng cách gửi văn bản (kèm các chứng cứ, hình ảnh, đường dẫn…) về Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý.

Đọc thêm