Loạt câu hỏi chưa lời đáp về cách hành xử của nhà chức trách

(PLO) - Một nhà báo bị dọa giết ngay trước dịp 21/6 khi anh xác minh thông tin Bí thư xã bỏ nhiệm sở đi tham gia đấu thầu đất ở xã khác. Anh đã ghi âm cuộc nói chuyện, cung cấp bằng chứng sự đe dọa đó cho công an, các lãnh đạo tỉnh ở địa phương đó cũng tỏ ra bức xúc trước sự việc này, phát biểu tại hội nghị sẽ đề nghị công an sớm làm ra chuyện. 

Tuy nhiên, hơn một tháng đã trôi qua mà chẳng thể tìm ra  người đã đe dọa đó, mặc dù tên chủ thuê bao của điện thoại gọi đe dọa đã rõ danh tính, giọng nói còn ở đấy. Phóng viên đến hỏi thì bị chỉ đi chỗ nọ, chỗ kia, trả lời chung chung “anh em đang làm”. 

Thế đấy, một nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, bị dọa giết mà công an sở tại lần khân chẳng chịu tìm ra kẻ đe dọa thì họ đang bảo vệ ai?. Nhà báo bị đe dọa tính mạng mà cơ quan có trách nhiệm bảo vệ tính mạng con người làm ngơ thì tất yếu còn bị đe dọa dài dài.

Nhà báo từng bị đánh, bị đấm vào mặt, bị đá vào người, bị cấm xuất cảnh, bị đổ chất bẩn vào nhà, bị đốt ô tô ở sân,... mà dường như sau đó không thấy kẻ gây ra những chuyện đó bị trừng phạt. Cái chết đầy nghi vấn của một nhà báo nữ thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội mà đến nay vẫn chưa có kết quả xác minh để làm sáng tỏ.

Một vụ “giả danh công an” bắt giữ người xảy ra tại Quốc Oai (Hà Nội) giữa thanh thiên bạch nhật gây chấn động dư luận mà nay có vẻ như đã “chìm xuồng”, không ai nhắc gì tới. Phải chăng nhóm côn đồ kia tự xưng là công an có một thế lực nào đó “chống lưng” khiến những lời kêu cứu khẩn thiết từ phía nạn nhân trở nên vô vọng?.

Ở một diễn biến khác, một bệnh viện khai khống hồ sơ bệnh nhân và khẩu phần ăn làm “thất thoát” hơn 400 triệu đồng và “trục lợi” hơn 100 triệu đồng của tỉnh cho mà những người gây ra chuyện đó không hề hấn gì. Lý do được nhà chức trách cho hay là “đã hết thời hiệu xử lý”(?!) Phải chăng, người ta cố tình “câu giờ” để đến một lúc nào đó “thời hiệu” đã hết?. 

Người ta lại phải tìm cách tự bảo vệ mình, không can thiệp hoặc lên tiếng trước cái ác, cái xấu và vì thế, hiện tượng “tự xử” xảy ra làm lu mờ tính nghiêm minh pháp luật. Để pháp luật bị coi thường thì trách nhiệm trước hết thuộc về những người có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, trị an xã hội, lực lượng để đảm bảo mọi người dân lương thiện không “sống trong sợ hãi”! Pháp luật có được tôn trọng không phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của những người có trọng trách bảo vệ pháp luật.