Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, đây là sự việc hết sức đau xót, rất đáng tiếc. Giá người dân tố giác, tố cáo đến cơ quan chức năng sớm thì có thể sự việc đau lòng đã không xảy ra.
“Nếu như người dân, hàng xóm biết được thông tin và tố cáo, tố giác sớm thì chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em vào cuộc,sự việc đau lòng sẽ không xảy ra, bé gái không phải đau đớn trả giá bằng mạng sống. Rất tiếc vụ việc để kéo dài và không có ai tố cáo, tố giác cho nên đã gây ra hậu quả đau xót ”, ông Nam nói.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, cần truyền thông cho người dân nhiều hơn nữa về các quy định pháp luật, về trách nhiệm tố cáo, tố giác tội phạm xâm hại, tổn hại trẻ em đến cơ quan chức năng.
Trong Luật Trẻ em 2016 quy định rất rõ bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, đánh đập, bỏ rơi, bắt cóc, đánh tráo, mua bán, bóc lột sức lao động, … ) đều phải tố giác đến các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em.
|
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. |
Nghị định 56/2017 của Chính phủ cũng quy định rất rõ các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trước những thông tin phạm tội của người dân đến cơ quan công an các cấp, UBND cấp xã, phường, thị trấn… nơi xảy ra vụ việc.
Bên cạnh đó, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 thường trực tiếp nhận thông tin thông báo, tố cáo, tố giác tội phạm về trẻ em từ phía người dân. Tổng đài này hoạt động 24/7.
“Người dân chưa nắm được các quy định của pháp luật, thứ 2 là còn tâm lý e ngại khi mình lên tiếng tố cáo, tố giác chuyện trong nhà người ta, rồi sợ bị trả thù... Chính sự thiếu hiểu biết pháp luật, thông tin cùng tâm lý này đã khiến cho nhiều vụ việc xâm hại trẻ em không được tố giác, dẫn đến hậu quả đau lòng như chúng ta đã thấy”, ông Nam nhận định.
Ông Nam cho biết thêm, việc tố cáo, tố giác hành vi phạm tội là hoàn toàn không tiết lộ thông tin, danh tính của người tố cáo, tố giác cho nên người dân đừng lo sợ bị trả thù. Phía công an, cơ quan chức năng và Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cũng có trách nhiệm bảo mật thông tin của người tố giác.
Trong khi đó, chiều tối 28/12, UBND TP HCM ra văn bản khẩn, yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm các cá nhân liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn tới tử vong.
Ngoài việc giao Công an TP HCM phối hợp các đơn vị có liên quan nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc, UBND Thành phố cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục theo dõi, phối hợp, hướng dẫn UBND quận Bình Thạnh thực hiện hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp theo quy định; đồng thời theo dõi tiến độ xử lý vụ việc, tổng hợp báo cáo Thành phố.
|
Di ảnh bé V.A được người thân đặt dưới sảnh chung cư để tưởng nhớ. |
Từ vụ việc này, UBND Thành phố đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, không để xảy ra vụ việc tương tự trên địa bàn.
Còn ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho biết, Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM đang thụ lý vụ việc. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư đang hướng dẫn các thủ tục liên quan cho người thân của nạn nhân.
Ông Nghinh chia sẻ: “Vụ việc đau lòng quá! Công an quận Bình Thạnh xử lý rất nhanh, vụ việc sẽ sớm được làm rõ, ai vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị thích đáng”.
Cũng theo ông Nghinh, sau cái chết của bé gái, chắc chắn cha mẹ, người thân, hàng xóm… sẽ rất ám ảnh và chúng ta cũng cần bình tâm và suy xét lại vai trò và trách nhiệm của chính mình để không còn chuyện tương tự.
Ông Nghinh đề xuất xử lý thật nghiêm và thích đáng sau khi công an điều tra và khẳng định là đúng người đúng tội, để răn đe và giáo dục chung và quan trọng hơn là nhận thức tốt hơn về bảo vệ trẻ em cho người dân, để mọi người biết đâu là hành vi vi phạm quyền trẻ em, nếu vi phạm thì hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào.
|
Bé gái 8 tuổi tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện, trên người có nhiều vết bầm tím nghi do bị bạo hành. |
Theo ông Nghinh, việc truyền thông cho người dân biết khi gặp các vụ việc hoặc dấu hiệu vụ việc bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em thì chúng ta cần làm gì, liên hệ ai để nhờ hỗ trợ là quan trọng. Chúng ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhất là tại cơ sở.
Trước đó, tối ngày 22/12, bé V.A (SN 2013, ngụ tại phường 22, quận Bình Thạnh) đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Trên người bé có nhiều vết bầm tím, nghi do bị bạo hành.
Sáng 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội Hành hạ người khác. Người phụ nữ được cho là bạn gái của cha ruột bé V.A và 3 người này sống trong cùng căn hộ trước khi vụ việc xảy ra.