Loạt lễ hội lớn chuẩn bị mở cửa 'hút' khách

(PLVN) - Nhiều lễ hội đã và đang chuẩn bị khai hội, đón du khách thập phương về tham quan, chiêm bái...

Giỗ Tổ Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ)

Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được tổ chức kéo dài 6 ngày từ ngày mùng 5 đến ngày 10/3 âm lịch. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Nghi lễ bao gồm hai phần chính là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như hát xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co …

 

Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, để bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp thời gian qua, dịp giỗ tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ chỉ tổ chức phần lễ, dừng toàn bộ các hoạt động ở phần hội. 

Theo đó, phần lễ sẽ được tổ chức với các nghi thức: Ngày 17/4 (tức mồng 6/3 âm lịch) diễn ra Lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; từ 8h ngày 21/4 (tức mồng 10/3 âm lịch), tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và Lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong”.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ (Hải Phòng)

Dự kiến từ ngày 11/5 – 13/5, thành phố tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2021 với chủ đề “Hải Phòng - Điểm đến thành công” chào mừng kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.

Điểm nhấn của Lễ hội là chương trình nghệ thuật đêm hội “Hải Phòng - Điểm đến thành công” được tổ chức vào tối 11/5, tại Quảng trường Nhà hát thành phố, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tiếp sóng và chuyển sóng tới một số Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố bạn. Trước, trong và sau Chương trình Đêm hội sẽ có màn bắn pháo hoa phù hợp với nội dung chương trình.

 

Lễ hội vía bà Chúa Xứ (An Giang)

Đây là một lễ hội lớn ở An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hoạt động tôn giáo này mỗi năm thu hút hàng nghìn người đến tham dự. Lễ hội sẽ được tổ chức từ 23 – 27 tháng 4 âm lịch hàng năm.

Theo dân gian, đền bà Chúa Xứ được người dân xây dựng từ những năm 1820 sau khi tìm thấy một bức tượng nữ trong rừng. Người dân địa phương đã lập đền thờ cầu nguyện với hy vọng bà sẽ mang đến cho họ mùa màng bội thu và cuộc sống thịnh vượng. Từ đó trở đi Bà Chúa Xứ trở thành biểu tượng tôn giáo, tâm linh không thể thiếu của người dân nơi đây.

Đối với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, UBND tỉnh An Giang thống nhất phương án tổ chức nghi thức lễ hội và các hoạt động phục vụ lễ hội với quy mô nhỏ theo đề xuất UBND TP. Châu Đốc; đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tập trung đông người.

 

Festival Huế

Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế cho biết thời gian tổ chức Festival nghề truyền thống Huế năm 2021 sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng từ 29/5 đến 26/6.

Đây là kỳ Festival có thời gian kéo dài được xem là lâu nhất trong vòng gần 1 tháng (từ 29/5 đến 26/6) với nhiều đổi mới so với các kỳ Festival trước nhằm thu hút du khách đến với Huế.
 
Kỳ Festival này sẽ có hàng loạt hoạt động, sự kiện song hành như: Lễ hội ẩm thực Huế, trại sáng tác điêu khắc, liên hoan kèn đồng, marathon, đêm nhạc Trịnh, hội chợ triển lãm sách, liên hoan sắc màu tuổi thơ, đua thuyền SUP trên sông Hương, đại nhạc hội RAP, bài chòi, cờ người, tuần lễ thời trang áo dài, liên hoan Ca Huế, Lễ Tế tổ Bách nghệ và Lễ rước, đường bia, TEDTalk về nghệ thuật và văn hóa, hòa nhạc Thế kỷ, phong nhạc, hội chợ triển lãm nghề truyền thống, cuộc thi thiết kế sáng tạo cho nghề truyền thống… Lễ khai mạc Festival sẽ chính thức diễn ra vào vào ngày 12/6.
Việc bố trí thời gian của Festival nghề truyền thống Huế 2021 trải dài, có điểm nhấn chính vào mỗi cuối tuần để tạo sự hấp dẫn nhằm góp phần kích cầu du lịch; du khách có thể đến Huế nhiều lần trong suốt kỳ Festival

Lễ hội Dinh thầy Thím (Bình Thuận)

Lễ hội Dinh thầy Thím được tổ chức hàng năm tại Bình Thuận, vào 14 – 16 tháng 9 âm lịch. Theo dân gian, đây là lễ hội thu tế, là một trong 2 nghi lễ lớn diễn ra hàng năm ở Dinh thầy Thím.

Lễ hội phản ánh được nét đặc trưng riêng về văn hóa, truyền thống của người dân nơi đây. Ý nghĩa của lễ hội là tưởng nhớ công đức của tổ tiên trong suốt 150 năm qua. Lễ hội sẽ gồm nhiều nghi thức truyền thống như Nghinh Thần; các hoạt động thể thao, văn hóa như choi cờ người, múa lân, múa rồng, kéo co, thi làm bánh,…

Năm nay, lễ hội Dinh thầy Thím vẫn được diễn ra nhưng BTC lễ hội đã ra thông báo đến khách tham quan, chiêm bái tuân thủ đúng 5K yêu cầu phòng dịch.

 

Đọc thêm