Hai tháng, 21 hộ bị voi phá vườn cây
Có mặt tại khu vực xã Thanh Sơn vào những ngày giữa tháng 3/2019, chúng tôi còn cảm nhận không khí lo lắng của người dân nơi đây bởi tình trạng voi rừng kéo về tìm kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Đã hơn 20 năm trồng cây ăn trái tại xã Thanh Sơn, cứ đến mùa thu hoạch là gia đình ông Hoàng Văn Thành (ngụ ấp 5) đều phải thức thâu đêm canh voi. Chỉ vào những cây xoài bị quật gãy cành, ông Thành cho hay: “Năm nào cũng vậy, cứ vào lúc chuẩn bị hái xoài xuống bán cho thương lái thì đêm đến voi lại đến ăn quả, quật gãy cả cành cây. Đã mất mùa mà voi lại vào phá, người trồng cây trái chúng tôi rất nản”.
Theo các nông dân, đàn voi thường xuất hiện vào mùa khô hạn (từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm). Khi trong rừng thiếu thức ăn cũng là thời điểm đàn voi từ 5 - 6 con lại kéo ra khu dân cư để ăn trái cây. Đây cũng là mùa người dân thu hoạch xoài. Theo thống kê của UBND xã Thanh Sơn, trong hai tháng đầu năm 2019 đã có 21 hộ gia đình bị voi phá hoại vườn cây. Riêng gia đình ông Thành đã bị voi ăn khoảng 3 - 4 tấn xoài, phá hoại, làm bật gốc hàng chục cây xoài.
Có khi xoài vừa ra trái voi đã đến quật đổ cây |
Ông Nguyễn Văn Hiền (ngụ ấp 7), cho biết, thường voi rừng xuất hiện vào lúc hơn 5h chiều, lúc đó người dân thường không có mặt ở nương rẫy. Nhưng nếu voi xuất hiện vào lúc chủ vườn đang ở đó thì họ chẳng dám dùng “biện pháp mạnh” vì voi rất hung dữ, có thể chúng sẽ tấn công lại.
“Nếu thấy voi thì người dân chỉ biết xua đuổi bằng đèn pin, gõ thùng phuy, phát loa nhằm gây ra tiếng ồn voi nghe thấy sẽ tự bỏ đi. Nhưng lâu dần quen những tiếng động quen tai, voi không còn sợ nữa, vào phá hoại mùa màng bất kể ban ngày lẫn đêm”, ông Hiền nói.
Ngoài phá hoại mùa màng, voi rừng còn phá hoại nhiều căn chòi của người dân dựng trong rẫy, giẫm nát các ống nước tưới khiến “khổ chủ” phải tốn hàng chục triệu đồng để làm lại. Thậm chí voi còn tấn công con người khi bị xua đuổi.
Làm sao để sống chung?
Để giải quyết vấn nạn xung đột giữa voi và người, tỉnh Đồng Nai đã triển khai dự án khẩn cấp bảo tồn voi. Trong đó làm hàng rào điện là một trong các hạng mục chính. Công trình được đưa vào vận hành tháng 9/2017. Hàng rào điện dài gần 50km, cao 2,2m, dòng điện công suất thấp, được phát ra trong khoảng 1/3 giây, nên khi người đụng vào sẽ giật bắn ra, không nguy hiểm tới tính mạng, và khiến voi hoảng sợ không dám lại gần. Tuy nhiên, dự án mới triển khai thực hiện 23km, còn 20km nối điểm cuối xã Thanh Sơn đến giáp bờ sông Đồng Nai ở khu vực ấp 4,5,7 chưa hoàn thiện nên đàn voi vẫn vào khu vực này tìm kiếm thức ăn.
Một căn chòi dựng trong rẫy bị voi rừng phá hoại |
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đàn voi xuất hiện tại khu dân cư khoảng gần 200 lượt, phá hoại mùa màng của hơn 100 hộ dân, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Voi rừng thường xuyên xuất hiện tại một số khu vực ấp 4, ấp 5, ấp 7. Những tài sản bị phá hoại chủ yếu là vườn xoài, chuối, dừa, điều và những căn chòi, hàng rào của người dân.
Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, huyện đang thống kê những thiệt hại để làm báo cáo đề xuất gửi UBND tỉnh Đồng Nai nhằm đưa ra các phương án ngăn chặn, đồng thời đề nghị mức hỗ trợ để người dân khắc phục hậu quả.
Về giải pháp lâu dài, ông Tài cho biết huyện đang kiến nghị UBND tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng thêm 20km hàng rào điện để đàn voi không vào phá rẫy. Đồng thời, triển khai xây dựng dự án hệ thống rừng kiểu mẫu tạo ra cuộc sống hài hòa giữa người và voi. Mục đích dự án là vừa bảo vệ đàn voi rừng, vừa tận dụng được nguồn lao động tại địa phương, thu hút du lịch khám phá động vật hoang dã. Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cũng đang xây dựng đề án cung cấp nguồn nước khoáng và thức ăn đầy đủ trong mùa khô cho động vật rừng, để không xảy ra tình trạng voi đi ra khỏi rừng tìm thức ăn, nước uống.
Để bảo vệ người dân khỏi bị voi rừng tấn công, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cũng đã cử lực lượng phản ứng nhanh của chi cục phối hợp lực lượng công an, dân quân tự vệ huyện Định Quán, chính quyền xã Thanh Sơn, người dân ở ấp 4, 5, 7, triển khai các biện pháp xua đuổi voi quay vào rừng, tuyên truyền vận động người dân tránh xung đột với voi để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.