“Lộc rừng” trên đồi sim

(PLO) - Không cần bỏ vốn, cũng chẳng cần chăm sóc, người dân chỉ việc cầm rổ lên núi là mỗi ngày có thể kiếm được tiền triệu. Mấy năm trở lại đây, đi hái sim không chỉ là thú vui mà đã trở thành nghề hái ra tiền. Nhờ “món quà” của rừng này mà nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, nuôi con ăn học.
Năm nay sim được mùa được giá nên rất nhiều người dân đổ xô lên rừng hái
Năm nay sim được mùa được giá nên rất nhiều người dân đổ xô lên rừng hái

Đi “hái chơi” kiếm tiền triệu

Gần 1 tháng nay, cứ khoảng 5h sáng mỗi ngày, bà Trần Thị Nga (62 tuổi), trú xóm 8, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) lại cùng với hai đứa cháu nội ra khu vực núi Lam Thành hái sim. Dụng cụ họ mang theo chỉ là chiếc giỏ hay rá nhựa để đựng quả sim. Bà bảo, nghề này đơn giản lắm, chỉ cần khỏe mạnh, nhanh tay nhanh chân nhanh mắt là có sim bán. Điều thích hơn là ngày nào đi làm cũng có “tiền tươi thóc thật”.

“Nếu như trồng lúa phải mất hơn 3 tháng mới được thu hoạch, trừ hết chi phí phân giống, máy móc thì chẳng còn bao nhiêu. Đi buôn thì phải bỏ vốn thì riêng nghề này giống như “tay không bắt giặc”. Sáng sớm tranh thủ đi hái thì trưa có sim nhập, chiều tận dụng thời gian nông nhàn đi hái thì tối đến có tiền trong túi”, bà Nga so sánh. 

Người phụ nữ này khoe, năm nay sim được mùa, lại được giá nên ai cũng hào hứng đi hái. Với giá bán dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, ngày cao điểm bà Nga và các cháu có thể kiếm được gần 1.000.000 đồng. Còn trung bình mỗi ngày gia đình bà kiếm được chừng 700 đến 800 nghìn đồng. Đây là khoản tiền rất lớn với người dân làm nông. Do vậy, với bà con nơi đây, hái sim giống như nghề “lộc trời”.

Chỉ vào hai đứa cháu nội đang ngồi xếp lại sách vở, bà cho hay, cũng nhờ những quả sim rừng mà năm nay gia đình không phải lo tiền mua sách vở, quần áo cho các cháu. Bởi từ đầu mùa hè, các em đã tranh thủ thời gian nông nhàn đi hái sim. Tuổi trẻ, sức khỏe nên mỗi ngày các em hái được khá nhiều. Công việc vừa làm vừa chơi ấy không những giúp các em biết quý trọng đồng tiền mà còn tránh sa đà vào những trò chơi vô bổ.

Gia đình bà Nga là một trong nhiều hộ dân ở xã Hưng Lam và các vùng lân cận như Hưng Thắng, Hưng Phú, Hưng Phúc kiếm bội tiền nhờ quả sim. Cứ vào chính vụ, rất đông người từ khắp nơi lại đổ xô lên khu vực núi Lam Thành, núi Nhón để hái sim. Tiếng í ới gọi nhau vang cả một vùng. 

Vì rừng sim là của chung, không ai quản lý nên ai cũng muốn nhanh chân để hái cho được nhiều. Giữa một khu rừng rộng lớn, mỗi người tìm cho mình một vị trí đẹp rồi cần mẫn hái những quả sim chín vào giỏ. Làm việc chừng vài ba tiếng đồng hồ khi mặt trời bắt đầu đứng bóng cũng là lúc họ xuống núi, đưa sim đến các điểm thu mua để bán cho thương lái.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh (36 tuổi) một thương lái thu mua sim tại xã Hưng Lam cho biết, trung bình mỗi ngày chị mua chừng 100kg sim. Riêng đối với ngày cao điểm, lượng sim thu mua tăng gấp đôi. Sim sau khi mua về sẽ được để khô ráo, đóng trong thùng xốp rồi giao cho khách trong và ngoài tỉnh. Được biết, điểm thu mua của vợ chồng chị Anh chỉ là một trong nhiều địa điểm mua trên toàn xã. Tính ra, mỗi ngày lượng sim người dân hái được rất nhiều.

Sim sau khi thu về sẽ được đóng thùng đưa đi khắp các tỉnh trong cả nước
Sim sau khi thu về sẽ được đóng thùng đưa đi khắp các tỉnh trong cả nước

Người dân nơi đây cho hay, trước đây cây sim thường được người dân chặt về, phơi khô làm vật liệu đốt, nấu nướng. Mấy năm trở lại đây, do ý thức và đời sống người dân nâng lên nên loại cây hoang dại này có điều kiện phát triển. Cứ đến dịp hè, người dân lại mang giỏ đi hái về ăn chơi. Vài năm trở lại đây, nhiều người bắt đầu tìm mua trái sim nên loại quả này bắt đầu có giá. Tận dụng cơ hội ấy, những người dân sống ven núi lại đổ xô đi hái “lộc rừng” về bán kiếm thêm thu nhập.

Những quy tắc ngầm trong nghề

Những người đi hái sim cho hay, dù rừng sim là của chung nhưng trong quá trình hái không hề xảy ra hiện tượng tranh chấp. Một quy tắc luật bất thành văn là ai đi trước hái trước, ai đến sau hái sau. Không ai được phép tranh giành, hay đánh ranh giới lãnh thổ, mà tất cả là của chung. Cũng vì thế mà cứ đến mấy tháng hè, hầu như gia đình nào cũng huy động toàn bộ nhân lực đi hái sim. Đây được xem là nguồn thu nhập chủ đạo đối với nhiều gia đình trong những tháng ngày hè nông nhàn, khi ruộng đồng cấy dắm xong. 

Điều thú vị là cây sim trái chín rất nhanh. Cùng một cây sim, buổi sáng có người hái thì đến chiều, kẻ khác đến vẫn có thể tìm được quả chín. “Trái sim chín nhanh lắm, nên đi lúc nào cũng hai được. Chỉ cần mình có sức khỏe, chịu khó, cẩn thận một chút là có tiền”, chị Võ Thị Giang bộc bạch. 

Cũng chính bởi sức hút của trái sim mà dù đang bận con mọn nhưng mỗi ngày người phụ nữ ấy đều tranh thủ đi kiếm tiền. Chị nói, đến mùa sim mà không được đi hái thì thấy tiếc. Thôi thì tranh thủ lúc con ngủ, nhờ đứa lớn trông chừng em, chị lại chạy lên núi hái sim. Mỗi ngày, bà mẹ hai con ấy cũng kiếm được vài trăm nghìn. 

Quả sim nhỏ, cây cao chừng 1 đến 2 m nên người lớn, trẻ em đều có thể đi hái được. Công việc tuy đơn giản nhưng vẫn có nguy hiểm rình rập họ. Qua mấy mùa hái sim, một số người đã bị ong đốt sưng, phải nhập viện. 

Những quả sim hoang dại đã cải thiện đời sống cho nhiều nông dân
Những quả sim hoang dại đã cải thiện đời sống cho nhiều nông dân  

Nhớ lại kỷ niệm đó, bà Nga tâm sự, hôm ấy vì chăm chú nhìn quả sim nên tôi không để ý dưới đất. Trong tích tắc đàn ong dưới gốc cây bay ra, đốt vào người, ngực. Lần đó tôi đau phát sốt nên phải vào bệnh viện truyền nước giải độc. Sau tai nạn đó, người phụ nữ ấy chỉ nghỉ vài ngày rồi lại tiếp tục công việc. Bà thừa nhận, do tham công tiếc việc nên dậy đi làm sớm. Ngày nào cũng đi hái nên ở nhà một ngày là ngứa ngáy chân tay.

Không những bị côn trùng đốt, những người làm nghề này còn phải đối mặt với việc trượt chân ngã. Chỉ mới cách đây vài ngày, một người trong làng bị ngã, hai đầu gối bị bầm dập. Sau những tai nạn đó, những người đi rừng càng cẩn trọng hơn để không xảy ra tình huống đáng tiếc.

Chia sẻ về nghề hái “lộc rừng” này, ông Trần Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Hưng Lam (huyện Hưng Nguyên) cho hay, cây sim vốn mọc hoang dại, trước kia ít người quan tâm. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi nhu cầu thị trường cần nhiều, người dân sống quanh khu vực núi Lam Thành và núi Nhón đã kéo nhau đi hái sim về bán. Dù đây là công việc tự phát nhưng đã đem lại cho nhiều hộ gia đình khoản tiền lớn. Mỗi mùa sim đi qua, có nhiều hộ thu được hàng chục triệu đồng để đóng tiền học đầu năm cho con cái.

Quả sim rừng có vị ngọt, chát, có nhiều tác dụng trong bổ dưỡng sức khỏe, nhất là dùng chữa các chứng huyết hư, thổ huyết, chảy máu mũi, thoát giang, tai ù, di tinh... Quả sim chín có thể dùng tươi, phơi khô để dùng dần hoặc kết hợp làm được nhiều sản phẩm. Nhiều gia đình còn mua sim về ngâm với rượu để uống rất tốt cho sức khỏe. 

Khác với những nông dân ở Nghệ An, những ngày này, ông Huỳnh Đăng Khôi (60 tuổi, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) hàng ngày đi hái sim từ đồi cây tự trồng. Đây là thành quả đầu tiên sau hai năm ông đưa các gốc sim về trồng thử nghiệm trên ngọn đồi rộng 4 ha trong trang trại của mình.

Ông Khôi chia sẻ, trước đây sim mọc hoang dại khắp núi đồi, đến mùa trái chín thì người dân địa phương lên rừng hái về ăn. Tuy nhiên, những năm gần đây cây keo tràm được trồng nhiều khiến sim dần khan hiếm. 

“Cây keo trồng đến đâu thì tất cả những loại cây sống phía dưới bị lụi tàn. Hơn nữa sau mỗi đợt thu hoạch người dân đốt cành lá để tái sản xuất, cách làm này đã ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có cây sim”, ông Khôi nói.

Do khan hiếm dần, từ loại quả hoang dại, sim trở thành mặt hàng được ưa chuộng ở Quảng Nam; giá bán dao động từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng mỗi kg.

Nhận thấy tiềm năng của cây sim, hai năm về trước, ông Khôi lên rừng tìm kiếm, đào được 300 gốc đưa về trồng thử nghiệm.

Giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm, khi bứng sim về trồng ông Khôi chỉ đào lấy phần gốc và thân cây nên tỷ lệ sống rất thấp; về sau ông đào nguyên bụi sim để mang cả bầu đất về trồng, cách làm này giúp tỷ lệ cây sống gần 100%.

Khác với ngoài tự nhiên, sim trồng được ông Khôi tưới nước, bón thêm phân nên phát triển rất nhanh. Khoảng 100 cây sim sống sót đã cao gần một mét, tỏa tán rộng hơn 2 m2, trên cành quả mọc chi chít. Ông ước tính mỗi cây cho thu hoạch từ một đến ba kg quả chín.

“Cây sim ưa sáng nên trồng ở nơi có nhiều ánh sáng sẽ giúp cây quang hợp tốt hơn. Loại cây này sống ở đất cằn cỗi, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ngoài tưới nước và bón phân thì tôi hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu”, ông Khôi chia sẻ.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công, ông Khôi thuê máy múc đào hố, cải tạo đất đồi để dự kiến tháng 8 tới đây khi mùa mưa bắt đầu, ông sẽ trồng đại trà cây sim với khoảng 10.000 bụi.

“Hiện cây sim chưa có ai ươm giống, muốn trồng thì tôi phải thuê đào ngoài tự nhiên với giá khoảng 15.000 đồng mỗi gốc, tổng kinh phí đầu tư lần này khoảng 200 triệu đồng. Dự tính sau hai năm chăm sóc, mỗi cây thu khoảng 20.000 đồng thì hòa vốn”, ông Khôi nói.

Theo người dân địa phương, đặc điểm của sim là trồng càng lâu thì cành càng phát triển, cho quả nhiều hơn; đến lúc cây già cỗi, trái ít thì cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi và sau đó cho quả nhiều trở lại.

“Cây sim ra hoa vào mùa xuân, đến hè cho thu hoạch. Loại cây này thời gian quả chín kéo dài gần một tháng, chín đến đâu thu hái đến đó nên không sợ hư hỏng”, ông Khôi nói.

Để gia tăng giá trị trái sim, mới đây ông đã vào Phú Quốc học hỏi cách chế biến rượu sim và làm mật sim, tạo ra những sản phẩm đầu tiên phục vụ khách đến trang trại tham quan. 

Đọc thêm