Lối đi ngay dưới chân mình

(PLVN) - Nhiều người lấy thước đo cho sự thành công là phải tốt nghiệp đại học, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Vì một thực tế, không ít người học nghề hay tìm tòi nghề mới đã trở thành những doanh nhân giàu có, thành đạt. Chắc chắn, con đường lập nghiệp cho những niềm đam mê luôn rộng mở, xán lạn mà không nhất thiết phải vào đại học.

Có những con đường khác

Từng bỏ học giữa chừng vì nhà nghèo, không có bằng đại học nhưng Nguyễn Bách Trường (sinh năm 1987, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) đã trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất tăm giang Trường Thịnh. Hiện nay, cơ sở của anh lớn nhất huyện với mức tiêu thụ gần 40 tấn/năm.

Tốt nghiệp cấp 3 là Bách Trường nhập ngũ rồi xuất ngũ từ năm 2008. Anh trở về quê và quyết chọn theo nghề làm tăm truyền thống của gia đình. Hiện tại, không chỉ là ông chủ kiếm hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Trường còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Tản Lĩnh (Hoài Đức) nhiệm kì 2014 - 2019.

Cơ sở của anh Nguyễn Bách Trường
 Cơ sở của anh Nguyễn Bách Trường

Trần Huyền Hương (24 tuổi, sống tại Hà Nội) đang là chủ quán cà phê độc đáo. Huyền Hương là người đầu tiên mở cà phê mèo ở Hà Nội, sau đó cô Nam tiến. Để đi vào con đường kinh doanh, Hương nhanh chóng quyết định… bỏ học. Cô học trung cấp y sau khi tốt nghiệp cấp 3 nhưng đã bỏ dở ngay trong năm đầu tiên.

Với số tiền làm vốn là 80 triệu đồng, Hương mở quán cà phê mèo đầu tiên, thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ, thường xuyên trong tình trạng hết chỗ. Khi công việc kinh doanh đang đi vào ổn định thì Hương quyết định vào Sài Gòn. Cô bỏ ra hơn 400 triệu đồng tìm mặt bằng, sang sửa quán, nhập giống mèo… Ngoài cà phê thú cưng, Hương còn mở dịch vụ chăm sóc, chải lông, tắm, phối giống… cho chó, mèo cũng như buôn bán thú cưng.

Từ bỏ giảng đường đại học ở năm thứ 2, chàng trai trẻ Vũ Đại Lộc, xóm Đông Lộc (Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An) về quê lập nghiệp. Lộc sinh năm 1994, là con đầu trong một gia đình có 5 anh em. Nhà Lộc có truyền thống đi biển, hiện đang có 1 đôi tàu giã cào công suất nhỏ.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lộc thi đậu vào Khoa Luật, Trường Đại học Vinh. Theo học tại đây được 2 năm, dẫu còn rất quyến luyến, nhưng do hoàn cảnh gia đình không khá giả, nhìn một “đàn” em nheo nhóc đang ăn học và thêm vào đó là đam mê với nghề, Lộc quyết định bỏ trường, quay trở về làng.

Thấy con bỏ học, bố Lộc ban đầu cũng “sốc” bởi mọi hy vọng cả gia đình dồn hết vào cậu con trai cả, mong sau này học xong ra trường thoát ly khỏi cảnh đi biển đầy gian truân. Nhưng ông Hợi cũng không cản con, ngược lại còn ủng hộ khi con trình bày lý do bỏ học về quê khởi nghiệp.

Từ vá lưới thuê, Lộc mạnh dạn đầu tư xưởng đan lưới, tiếng lành đồn xa, ngư dân tìm đến đặt hàng ngày một nhiều. Để tăng giá trị sản xuất, ngoài sửa lưới, Lộc mạnh dạn bỏ tiền mua cước, dây, phao… về tự đan thành tấm lưới mới.

Trung bình mỗi tấm lưới dài hơn 100m được đan trong vòng 4 ngày, mỗi tháng đan được khoảng 7-8 tấm, sau khi hoàn thành có giá khoảng 48-50 triệu đồng. Như vậy, trừ các chi phí, mỗi tháng, ông chủ trẻ thu về hàng trăm triệu đồng, gấp vài chục lần thu nhập bình quân của cán bộ, công chức.

Ngoài các doanh nhân, ông chủ trẻ thành đạt, có nhà văn không qua đại học mà vẫn thành công trong sự nghiệp của mình. Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Với cách viết đậm chất Nam bộ, Nguyễn Ngọc Tư đã gợi lên cho độc giả cuộc sống của những con người vùng sông nước.

Những tác phẩm như: Cánh đồng bất tận, Ngọn đèn không tắt, Gió lẻ, Sông, Đảo, Không ai qua sông... của Nguyễn Ngọc Tư được rất nhiều độc giả yêu quý. Tác phẩm Ngọn đèn không tắt: Giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II năm 2000, giải B ở Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001.

Tác phẩm Cánh đồng bất tận: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006, giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh tại Đức (Litprom) bình chọn dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư 

Cất bằng đại học, về quê lập cơ đồ

Nhiều thanh niên trẻ hiện nay dù có bằng đại học với công việc trên thành phố nhưng quyết định cất bằng đại học trở về quê lập cơ đồ, làm giàu cho quê hương. Năm 2010, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, anh Đỗ Nguyên Đức, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã rời chốn thành đô, mang ước vọng trở thành thầy giáo, gieo con chữ cho các em nhỏ nơi vùng quê nghèo nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau 3 năm giảng dạy, anh Đức nhận thấy cơ hội để phát triển nghề nghiệp không nhiều. Cùng thời điểm đó, anh trăn trở về hướng phát triển kinh tế gia đình - nuôi ong. Sau khi tìm hiểu thị trường, để ý thấy nghề này có nhiều tiềm năng và mang lại lợi nhuận ổn định, anh đã mạnh dạn từ bỏ công việc hiện tại và quyết tâm nối nghiệp cha. Anh Đức không ngừng học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi với hy vọng sẽ sớm nhân đôi, nhân ba số ong hiện có của gia đình.

Kết quả, sau 5 năm kiên trì, số đàn ong của gia đình anh từ 10 đàn đã tăng lên gấp nhiều lần, mô hình nuôi ong của anh Đức đã nhanh chóng trở thành hướng đi tiêu biểu của thanh niên xã Cự Thắng. Khi quy mô phát triển, anh di chuyển toàn bộ đàn ong lên khu rừng phòng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng lấy mật hoa rừng và thu hút nhiều đàn ong rừng về làm tổ.

Anh Đức chia sẻ: “Kể từ khi nắm được kỹ thuật, tôi quản lý đàn ong dễ dàng, chu kỳ quay mật là 15 ngày một lần. Một tháng tôi thu hoạch hơn 100 lít và luôn đảm bảo đầu ra đền đặn, thu nhập dao động từ 20-25 triệu đồng”.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Trần Văn Phóng (sinh năm 1983, thôn Trần Phú, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình) làm việc tại một số công ty ở Hà Nội. Làm được một thời gian, anh bỏ việc về quê đầu tư vào chăn nuôi. Khi biết việc làm này của anh, nhiều người ở làng trên, xóm dưới bảo anh bị “khùng” khi bao năm đèn sách mà giờ bỏ về quê chăn nuôi, phí công học hành.

Gạt bỏ những lời bàn tán của mọi người, năm 2007, anh Phóng vay mượn được 5 triệu đồng cùng với số tiền ít ỏi của mình để đầu tư mua 5 lợn nái và 30 lợn thương phẩm. Quá trình chăn nuôi, lượng thức ăn, loại thức ăn cho mỗi con vật được anh Phóng ghi chép cẩn thận. Năm đầu tiên, anh thu lãi khoảng 45 triệu đồng.

Năm 2008, 2010 có dịch lở mồm long móng, bệnh tai xanh ở lợn, vừa làm anh vừa phải học hỏi kinh nghiệm, xây dựng phác đồ điều trị, phục hồi dần dần nên thiệt hại không đáng kể, vẫn duy trì được đàn. Căn cứ nhu cầu của thị trường để sản xuất, chăn nuôi, năm 2010 anh Phóng nuôi thí điểm một đôi lợn rừng, sau đó học hỏi kinh nghiệm các trang trại rồi từng bước mở rộng quy mô. Năm 2011 anh chuyển toàn bộ đàn lợn từ khu dân cư sang vùng đất chuyển đổi. Với diện tích 11.000m2, anh đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn, bò sinh sản, thả cá.

Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngoại ngữ Tin học TP HCM, Đỗ Mạnh Hùng (sinh năm 1991) đã liều lĩnh bỏ công việc ổn định về quê mở trang trại chăn nuôi lợn rừng Thái Lan. Quyết định này của chàng trai trẻ bị gia đình kịch liệt phản đối, bởi bố mẹ nào cũng mong muốn con thoát khỏi cảnh “đầu tắt, mặt tối”. Thế nhưng, Hùng lại suy nghĩ hoàn toàn khác khi cho rằng làm nông nghiệp có nhiều mặt chứ không nhất thiết gắn với con trâu, thửa ruộng.

Khởi nghiệp với không ít khó khăn và thất bại, thế nhưng chàng trai quê lúa quyết không từ bỏ mục tiêu. Theo Đại lộ đưa tin, năm 2014, trang trại của chàng trai này đã có 54 con lợn giống và nhân giống thành công khoảng 300 – 400 lợn con mỗi lứa. Nhờ mô hình này, vào thời điểm năm 2014, Mạnh Hùng đã có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm và trở thành ông chủ trang trại mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh.

Cần nhất niềm đam mê và nghị lực

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên” (Acsimet). Bất cứ trường đại học nào cũng chỉ đóng vai trò như một bước đệm. Điểm tựa quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi chúng ta. Có bước đệm vững chắc là điều may mắn, nhưng thành công vẫn có thể đến nếu trong tay bạn đã có thứ quan trọng nhất: đam mê, ý chí và nghị lực. Không có trường đại học đào tạo vĩ nhân, đồng thời cũng không ở đâu dạy bạn trở nên chăm chỉ. Lười biếng là chướng ngại vật lớn nhất trên hành trình ước mơ của mỗi người. 

Nếu rớt đại học thì các bạn trẻ vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi những con đường khác. Tất nhiên, không phải ai không học đại học cũng có thể thành đạt, bởi lẽ, để có được thành công như họ cần rất nhiều ý chí, nghị lực và năng lực tự học, tự trưởng thành. Nhưng các điển hình trên đã minh chứng được rằng: Để thành công trong cuộc sống không nhất thiết phải kinh qua đại học! 

Đọc thêm