Lời “kêu cứu” từ Thảo Cầm Viên được hồi đáp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, giãn cách kéo dài, nhiều nơi kinh doanh phải đóng cửa khiến cho biết bao người dân lao đao, khốn khó. Không chỉ ảnh hưởng đến con người mà ngay cả bầy thú hoang dã giữa lòng TP Hồ Chí Minh cũng bị virus Corona gián tiếp “tấn công”. Sau nhiều tháng gồng mình chống chọi, Thảo Cầm Viên đã gửi đi lời “kêu cứu” của mình…
Sở thú 157 tuổi - Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Sở thú 157 tuổi - Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Sở thú 157 tuổi và lời “kêu cứu”

Nhắc đến Sài Gòn hoa lệ, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những con phố sầm uất, những tòa nhà cao tầng chọc trời, những khu vui chơi giải trí hiện đại, đó đều là đặc trưng nơi đây. Thế nhưng, Sài Gòn không chỉ có vẻ xa hoa, tráng lệ đó mà còn có một lá phổi xanh nho nhỏ nằm ngay giữa trung tâm – Sở thú Sài Gòn Thảo Cầm Viên. Giữa những tòa nhà cao tầng xám xịt, thành phố nhộn nhịp này lại luôn có một chốn xanh tươi và yên bình đến thế.

Thảo Cầm Viên là một trong những khu vui chơi lâu đời nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là công viên bảo tồn động, thực vật lớn nhất Sài thành. Đến nay Thảo Cầm Viên đã 157 tuổi, là biểu tượng văn hóa đặc trưng, khu vui chơi mang tính lịch sử lâu đời của TP HCM. Tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố, vị trí Thảo Cầm Viên đối diện Dinh Độc Lập, cách phố đi bộ Nguyễn Huệ khoảng 2,4km. Đây là khu bảo tồn “siêu khủng” với hơn 1.500 cá thể động, thực vật.

Là địa điểm ưa thích luôn được mọi người ghé tới, nhưng từ khi COVID-19 phủ khắp Sài Gòn, những nơi vui chơi công cộng như Thảo Cầm Viên bị ảnh hưởng đầu tiên. Từ những ngày đầu diễn biến dịch phức tạp, lượng khách sụt giảm khiến doanh thu tụt dốc không phanh, cho đến những tháng đóng cửa hoàn toàn để đảm bảo giãn cách xã hội, phòng chống dịch khiến Thảo Cầm Viên không có nguồn thu. Trong khi đó, theo đơn vị quản lý, mỗi tháng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phải chi khoảng 3-4 tỉ để chăm sóc động, thực vật.

Trong 5 tháng khó khăn đó, cả người và những thú nuôi tại đây đều gồng mình từng ngày để vượt qua. Nếu như trước dịch, để chăm sóc cho 1.500 cá thể động, thực vật nơi đây, Thảo Cầm Viên luôn có hơn 250 nhân viên làm việc thì trong thời điểm khó khăn, nhân sự đành phải cắt giảm chỉ còn 34 nhân viên được chọn ở lại, đảm nhận công việc chăm sóc và phải thực hiện “3 tại chỗ” để chống dịch.

Những nhân viên nơi đây đã không quản ngại khó khăn, vất vả để quyết tâm bảo vệ những “món quà” mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Càng đặc biệt hơn, khi nhiều nhân viên còn chia sẻ phần lương của mình với Thảo Cầm Viên để “cứu lấy” những con thú. Dù trong thời điểm ai cũng khó khăn về tài chính nhưng họ vẫn đồng lòng cắt giảm lương, giúp duy trì chế độ tốt nhất cho các loài vật.

Việc cắt giảm nhân sự khiến mỗi nhân viên phải đảm đương lượng công việc nhiều hơn trước. Anh Phạm Phúc Thịnh (nhân viên Thảo Cầm Viên) chia sẻ rằng, lúc trước một khâu có 3 người làm thì bây giờ chỉ có 1 người làm. Vậy nên lượng công việc có thể nói nhiều hơn, chăm sóc cũng vất vả hơn. Tuy nhiên, những con chim, thú, thực vật ở đây vẫn được chăm sóc rất tốt.

Sau thời gian dài đóng cửa, Thảo Cầm Viên thống kê chi phí thiệt hại lên tới trên mười mấy tỷ đồng. Khó khăn càng thêm khó khăn khi trước đó, trong 6 tháng cuối năm 2020, Thảo Cầm Viên cũng đã lỗ gần 20 tỷ đồng. Nếu doanh thu trước đó hơn 330 triệu đồng/ngày thì trong thời gian dịch bệnh, mỗi ngày Thảo Cầm Viên chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng. Đối với những ngày đóng cửa doanh số thu về bằng 0. Thảo Cầm Viên là đơn vị tự chủ tài chính, mọi kinh phí trang trải đều lấy từ tiền bán vé tham quan nên mọi mặt đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Đại diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết thêm, dù đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm và giảm các khoản chi phí để duy trì hoạt động thường xuyên, tối thiểu trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay nhưng theo dự toán, từ tháng 7 đến tháng 12/2021, chi phí chăm sóc động, thực vật của đơn vị này cần hơn 45,7 tỉ đồng.

Do đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đề xuất được hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng để thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng động vật và duy tu, bảo quản công viên cây xanh đến hết năm 2021. Cụ thể số tiền trên sẽ chi vào mua thức ăn cho động vật; thuốc thú y; thuốc bảo vệ thực vật; công cụ dụng cụ, vật tư sửa chữa; chi phí điện, nước; chi phí dịch vụ mua ngoài; tiền lương công nhân viên 256 người và các khoản bảo hiểm.

Trước đó, vào đợt dịch khoảng tháng 8/2020, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng “kêu cứu” tới cộng đồng vì dịch bệnh khiến bầy thú bị thiếu ăn. Sau đó, cộng đồng đã chung tay gửi vật chất và các loại thức ăn rau, củ, quả đến để giúp bầy thú được chăm sóc và ăn uống đầy đủ. Nhưng lần này do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, không chỉ mình Thảo Cầm Viên gặp khó khăn mà người dân khắp nơi cũng đang khó khăn. Do vậy, Thảo Cầm Viên không chủ động quyên góp kêu gọi trên mạng xã hội như lần trước, mà đã đề xuất xin hỗ trợ ngân sách nhà nước.

Cả người và thú cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cả người và thú cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Lời “kêu cứu” được hồi đáp

Ngay trong ngày 23/9, sau lời “kêu cứu” của Thảo Cầm Viên, cư dân mạng và nghệ sĩ Việt đồng loạt hưởng ứng kêu gọi mọi người chung tay, góp sức “cứu” Thảo Cầm Viên vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này. Trong suốt thời gian trên, từ khóa “cứu Thảo Cầm Viên Sài Gòn” đã được các bạn trẻ chia sẻ mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội.

Với sức ảnh hưởng của mình, nhiều nghệ sĩ đã đăng tải và lan tỏa các thông điệp tích cực, đính kèm thông tin nhận hỗ trợ của Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn để mọi người có thể giúp đỡ tùy theo khả năng. Như bài đăng của nhạc sĩ Hamlet Trương đã được nhiều bạn trẻ chia sẻ với nội dung “Thảo Cầm Viên, nơi giữ tuổi thơ của chúng mình đang cần được giúp tiền để nuôi các bạn thú và thực vật”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng hưởng ứng nhiệt tình khi chia sẻ lời “kêu cứu” của Thảo Cầm Viên lên trang cá nhân với hàng loạt lời yêu thương nhằm truyền đi thông điệp tích cực để mọi người cùng chung tay giúp đỡ. Với những dòng trạng thái như “Mong không bé thú nào thiếu ăn trong mùa dịch này” hay “Một chút đóng góp, mong các bé thú có thêm thời gian, được hỗ trợ về y tế lẫn ăn uống”. Không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn cả về mặt vật chất, khi các bạn trẻ liên tục góp sức bằng những hình ảnh chụp màn hình chuyển khoản ủng hộ.

Đồng hành với Thảo Cầm Viên còn có không ít các Fanpage lớn nhỏ cùng chia sẻ, kêu gọi mọi người ủng hộ dưới dạng những chiến dịch như: “Giải cứu Thảo Cầm Viên”, “Xin đừng để Thảo Cầm Viên thành nơi ĐÃ TỪNG tồn tại”,… Mỗi chiến dịch đều được đầu tư quy mô, xuất phát từ tình yêu động vật, tình yêu thương, từ tấm lòng mà chuyển thành “chất xám”, thành động lực cho mỗi chiến dịch.

Những hành động cao đẹp này lại khiến chúng ta nhớ lại lời “kêu cứu” vào tháng 8/2020, hình ảnh người Sài Gòn chung tay góp cả chục tấn rau, củ cùng hàng tỷ đồng cứu đói bầy thú ở Thảo Cầm Viên đã từng khiến ai cũng ấm lòng. Và giờ đây khi khó khăn “gõ cửa” một lần nữa, Thảo Cầm Viên lại được cộng đồng dang tay giúp đỡ.

Trước tình cảm của công chúng dành cho Thảo Cầm Viên, ông Phạm Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn chia sẻ: “Trong thời gian tới, tôi sẽ trao đổi với anh em trong cơ quan tổng hợp lại những nhà hảo tâm đã có hỗ trợ tới Thảo Cầm Viên để gửi lời cảm ơn. Chúng tôi rất cảm kích cộng đồng đã chung tay hỗ trợ Thảo Cầm Viên trong giai đoạn này. Đợt dịch này cả xã hội khó khăn, nhân dân rất khó khăn chứ không phải riêng Thảo Cầm Viên. Mặc dù vậy, lòng thương yêu động vật của bà con rất đáng trân trọng”.

Trải qua thời gian khó khăn, sau gần 5 tháng đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thảo Cầm Viên Sài Gòn chính thức mở cửa đón khách trở lại vào sáng 5/11. Nhiều người dân đã đưa con em đến mua vé từ sớm vừa để các cháu tham quan vừa để ủng hộ doanh thu Thảo Cầm Viên.

Mới đây, Thảo Cầm Viên đã nhận được tin vui sau bao ngày mong ngóng. TP HCM quyết định hỗ trợ Thảo Cầm Viên 13,4 tỉ đồng để duy tu, bảo tồn, phát triển cây xanh và chăm sóc nuôi dưỡng động vật do ảnh hưởng dịch COVID-19, không bao gồm hỗ trợ nhân công. Nghị quyết được các đại biểu HĐND TP HCM nhất trí thông qua tại Kỳ họp thứ tư, chiều 9/12. Đây là số tiền hỗ trợ phát triển cây xanh, chăm sóc động vật tại Thảo Cầm Viên trong 6 tháng cuối năm nay.

Vậy là sau những khó khăn, vất vả, sau chuỗi ngày cả người và thú cùng nhau gồng mình, chống chọi thì lời “kêu cứu” của Thảo Cầm Viên đã được hồi đáp. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước còn có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng dành cho sở thú 157 tuổi. Đó chính là tình yêu to lớn mà mọi người dành cho Thảo Cầm Viên – nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ của người Sài Gòn.

Cần có sự dài hơi cho Thảo Cầm Viên

Về lâu về dài, những sự hỗ trợ của người dân hoặc tiền theo chế độ đặc thù của thành phố sẽ không giải quyết được “bài toán” khó nhất của Thảo Cầm Viên hiện nay. Nhiều du khách lẫn người dân có chung nhận định, mặc dù có cảnh quan, kiến trúc đẹp, vị trí thuận lợi nhưng Thảo Cầm Viên thành phố vẫn chưa thực sự hấp dẫn bởi nhiều yếu tố. Thảo Cầm Viên hiện nay vẫn đang phát triển theo hướng duy trì là chủ yếu. Du khách vào đây chỉ có thể tham quan chuồng trại, ngoài ra, hầu như không có chương trình khác để giữ chân họ lại lâu hay khiến họ mong muốn quay lại.

Nhìn ra thế giới, nhiều vườn thú nổi tiếng toàn cầu không chỉ bởi hệ thực vật, động vật đa dạng mà còn bởi họ khiến du khách thích thú bằng những chương trình độc đáo: bảo tàng thú, safari night, chương trình biểu diễn của động vật, các hiệu ứng 3D, 4D tăng trải nghiệm... Trong một thế giới đang phát triển, dường như Thảo Cầm Viên thành phố vẫn giữ lại nhịp điệu “đi chậm” đúng như vẻ ngoài của nó.

Tất nhiên, câu chuyện thay đổi tư duy phát triển của Thảo Cầm Viên không chỉ là chuyện của những người lãnh đạo nơi này. Để Thảo Cầm Viên thực sự trở thành một điểm đến kì thú, cần có quy hoạch lâu dài của chính quyền thành phố với sự đầu tư bài bản. Sao cho những mảng xanh và nét đặc trưng lịch sử được bảo tồn nhưng vẫn phải đi cùng nhịp phát triển của ngành Thảo Cầm Viên thế giới.

Đọc thêm