Lội ngược dòng mùa dịch: Mua sắm trực tuyến tăng phi mã

(PLVN) - 82% người tiêu dùng được khảo sát cho biết rất hay mua online thời gian cách ly xã hội; 98% trong số này khẳng định, sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai. Đó là những con số cho thấy, dường như dịch Covi-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Vắng khách mua bán trực tiếp, nhiều siêu thị chuyển hướng bán hàng đa kênh.
Vắng khách mua bán trực tiếp, nhiều siêu thị chuyển hướng bán hàng đa kênh.

Giao dịch online tăng mạnh

Anh Nguyễn Văn Hùng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) làm shipper (người giao hàng) cho một cửa hàng bán đồ gia dụng online được khoảng hơn 2 năm. Trước đây, mỗi ngày anh chỉ nhận được khoảng dưới 20 đơn hàng nhưng thời gian gần đây, khi dịch Covid 19 đang diễn ra, số lượng đơn hàng anh nhận mỗi ngày tăng đáng kể, có ngày tăng gấp đôi so với trước đây, trung bình tăng khoảng 50-60% đơn hàng mỗi ngày.

Cung đường vì thế cũng xa hơn. Trước đây anh chỉ loanh quanh trong địa bàn quận Hai Bà Trưng nhưng hiện giờ, cứ có đơn là anh phải đi dù khá xa như đến tận quận Thanh Xuân, Hà Đông. 

Cũng vì dịch mà người dân ngại đến siêu thị mua sắm, chỉ ở nhà lướt mạng, đặt hàng và hàng sẽ được giao đến trong thời gian sớm nhất. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Coop Hà Nội cho biết, chính mùa dịch này là đòn bẩy “thúc” dịch vụ giao hàng tận nhà của Coopmart Hà Nội tăng mạnh hơn.

Trước đây, Coopmart đã triển khai dịch vụ này nhưng chỉ chiếm rất ít so với doanh số bán tại các địa điểm siêu thị. Nhưng từ khi có dịch, siêu thị đã chủ động tăng số lượng nhân viên giao hàng để giao hàng nhanh hơn cho khách. Số lượng đơn hàng cũng tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có khoảng 30-40 chục đơn hàng mỗi ngày thì hiện nay, các đơn hàng đã tăng 10%, cao điểm có những ngày trên 100 đơn hàng. 

Lượng hàng giao dịch qua shipper tăng đều trong dịch Covid-19 .
Lượng hàng giao dịch qua shipper tăng đều trong dịch Covid-19 . 

Tương tự là dịch vụ mua bán trên mạng của Hệ thống Lotte. Mặc dù đã đóng cửa trang trương mại điện tử Lotte.vn nhưng hệ thống này vẫn bán hàng online qua ứng dụng Speed L. Các mặt hàng bán tại ứng dụng này cũng đa dạng như trên sàn thương mại điện tử cũ.

Mặc dù đã được người tiêu dùng đón nhận nhưng ứng dụng này vẫn tiếp tục có các chiêu thức hút khách hàng mua hàng online vào mùa dịch Covid 19 này khi liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi hút khách như tặng túi giữ nhiệt cho khách hàng chọn mua mặt hàng tươi sống, tung ra các hot deal (các gói combo hấp dẫn) với giá giảm đến 50%...

Đại diện của Speed L cho biết,  ứng dụng này sẽ tận dụng mùa dịch để quyết “đổi ngôi” thói quen mua sắm của khách hàng, để họ xuất hiện thói quen “lên mạng mua hàng” trước khi bước chân ra chợ hoặc siêu thị. 

Anh Nguyễn Mạnh Tiến, chủ cửa hàng đại lý hải sản Quảng Ninh (phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, trước đây, anh đã thử chạy chương trình quảng cáo trên faceboook về dịch vụ ship đến tận nhà một nồi lẩu hải sản giá chỉ 400.000 đồng (nếu đến cửa hàng ăn thì giá đắt hơn ít nhất 30%) nhưng lượng mua không đáng kể. 

Tuy nhiên, kể từ khi có dịch, lượng đặt hàng dịch vụ ship lẩu về tận nhà đã tăng đáng kể, anh đã phải chủ động thuê thêm một bác xe ôm ở gần cửa hàng mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Do đó, anh Tiến cũng không ngần ngại bày tỏ mong muốn dịch bệnh Covid 19 này sẽ là tác nhân thay đổi hẳn thói quen mua sắm của khách hàng, để dịch vụ giao hàng tận nhà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. 

Siêu thị chuyển hướng bán hàng đa kênh…

Theo khảo sát nhanh của một chuyên trang về hàng tiêu dùng, số lượng đơn hàng trực tuyến qua các dịch vụ như Grab, Now, Aha tăng mạnh, lên đến trên 40%, thậm chí có nơi lượng đơn hàng tăng trên 70%. Số lượng đơn hàng thực phẩm đặt về cũng tăng đáng kể nhưng lại song song với việc giảm nguồn thu từ cửa hàng. Đại diện cửa hàng thực phẩm Bác Tôm cho biết, hiện nay, đơn hàng online của cửa hàng tăng đáng kể nhưng doanh thu tại các điểm bán lại giảm đi. Có lẽ là do mùa dịch nên khách hàng cũng cẩn trọng hơn khi lựa chọn mua hàng. 

Doanh thu tại chỗ giảm cũng là tình trạng của hầu hết các hệ thống siêu thị. Giám đốc Coopmart Hà Nội cho biết, dù lượng đơn hàng gọi điện đặt hàng tăng khá nhưng không thể bù được cho nguồn doanh thu sụt giảm của các điểm bán do khách hàng cũng có nhiều sự lựa chọn khi mua sắm online. Cộng thêm việc do mùa dịch nên khách hàng lúc nào cũng sẵn tâm lý “mua nhanh để về” nên các cửa hàng tiện lợi, các tiệm tạp hóa nhỏ luôn là sự lựa chọn đầu tiên của khách hàng. 

Với mua sắm trực tuyến, khách hàng chỉ việc kích chuột là được phục vụ tận cửa.
 Với mua sắm trực tuyến, khách hàng chỉ việc kích chuột là được phục vụ tận cửa. 

Nắm bắt nhu cầu mua online của người tiêu dùng, các siêu thị đã ngay lập tức chuyển mình, mở nhiều kênh bán hàng để có thể tiếp cận được khách hàng. BRG Retail (đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Hapro và Intimex) đã sử dụng các phương thức bán hàng khác nhau (đa kênh) để phục vụ khách hàng. 

Ông Nguyễn Thái Dũng – Tổng giám đốc BRG Retail cho biết, khi nhận thấy khách hàng đang hạn chế ra ngoài và đi mua sắm, BRG đã lập tức có giải pháp đa kênh để tương tác với khách hàng như nhận đặt hàng qua điện thoại, email.

Ông Dũng khẳng định, có sự tăng trưởng về bán hàng đa kênh, thậm chí có thời điểm doanh thu bán hàng đa kênh tăng trưởng gấp đôi nhưng không đủ để bù đắp cho doanh số hụt ở siêu thị vì trước đây doanh số bán hàng đa kênh chỉ chiếm 2-5% doanh số bán tại chỗ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng và cũng là tín hiệu tốt cho sự chuyển dịch thị trường ở Việt Nam.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao dẫn lời một công ty chuyên nghiên cứu về thói quen, tâm lý người tiêu dùng cho biết, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Tiêu dùng online trong thời gian cách ly bùng nổ ấn tượng. 82% người tiêu dùng được khảo sát có mua online thời gian cách ly xã hội; trong đó 98% cho biết, sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai. 

Đọc thêm