Cho đến thời điểm hiện tại, người phụ nữ này vẫn thất bại khi cả chính quyền lẫn tòa án và tất cả những người hay thể chế liên quan biết rõ người phụ nữ này vẫn còn sống nhưng không thể làm được gì để xác nhận khác.
Lý do là một tòa án ở Pháp đưa ra xác nhận rằng bà Jeanne Pouchain đã chết và đưa ra xác nhận này trên cơ sở quả quyết của một luật sư rằng bà ta đã qua đời hồi tháng 2/2016 mà không hề yêu cầu cung cấp giấy chứng tử. Tòa án tin lời của vị luật sư và vị luật sư bịa chuyện để tòa án xét xử nhanh chóng.
Luật sư này đại diện cho một thân chủ vốn là nhân viên làm việc trong công ty của bà Jeanne Pouchain. Thân chủ ấy kiện bà Jeanne về việc đã không chịu thanh toán tiền công làm thêm giờ. Vụ kiện tụng kéo dài từ năm 2004 đến năm 2016 với phán quyết của tòa là vụ kiện tụng chấm dứt do bên bị đơn đã qua đời. Tuy thân chủ không đòi được tiền nhưng vị luật sư kia vẫn nhận được tiền công biện hộ trước toà.
Bà Jeanne Pouchain đã bị phán quyết của Tòa án "khai tử" xuất phát từ lời nói dối của luật sư. |
Bà Jeanne Pouchain mãi sau mới biết chân tướng của vụ việc và không thể tin được khi biết mình đã bị tòa án coi là người đã chết cho dù vẫn sống mạnh khỏe. Theo luật pháp, người đã chết không còn có thể là pháp nhân nữa nên không thể tiến hành các công chuyện giao dịch về hộ tịch, tài chính, bảo hiểm y tế...
Cuối năm 2016, bà Jeanne Pouchain đi làm hộ chiếu và bị từ chối. Bà ta không để ý gì đến sự từ chối này vì cho rằng đã “có lỗi trong hệ thống”. Nhưng rồi đến khi thấy tài khoản bị phong toả, thẻ tín dụng không còn có thể sử dụng được, thẻ bảo hiểm y tế và xã hội không có hiệu lực thì rất ngạc nhiên và đi tìm hiểu ở cơ quan công quyền và ngân hàng. Ở đây, bà ta cũng đều nhận được câu trả lời: Rất tiếc là bà không tồn tại.
Con người tồn tại bằng xương bằng thịt, nhưng trên giấy tờ hành chính và về pháp lý thì không còn tồn tại nữa. Đầu năm 2017, bà Jeanne Pouchain mới nhận được tờ giấy của tòa án xác nhận chính mình đã chết. Khi đấy, bà ta mới biết tòa nghe theo lời của viên luật sư kia và đưa ra xác nhận này mà không hề kiểm chứng.
Lẽ thường, thấy sai thì phải sửa, động chạm đến sự sống và cái chết của con người thì lại càng phải sửa sai nhanh chóng và chu toàn như có thể được. Vậy mà toàn bộ hệ thống hành chính và nền tư pháp ở nước Pháp suốt từ 5 năm nay không trả lại nổi sự tồn tại hợp pháp và chính đáng cho người phụ nữ này. Cái bi hài ở đây là người sống hiện hữu ngay trước mặt mà không ai và không cơ quan nào xác nhận là người ấy vẫn còn sống.
Sai một ly, đi một dặm - ngạn ngữ có câu như thế. Ở đây, sai sót của tòa án đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và hệ lụy vô cùng tai hại. Tòa án xét xử và phán quyết những chuyện luôn động chạm trực tiếp tới lợi ích và số phận cuộc đời của người dân nên một phán xử đơn thuần có thể trở nên rất nghiêm trọng đối với người dân và xã hội nếu không đúng sự thật và công minh.