"Lời ru buồn" từ những cuộc tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở huyện A Lưới

(PLO) - Tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại. Nhiều cặp đang trong độ tuổi thiếu niên đã phải gánh trên mình trọng trách của các bậc làm cha mẹ, cá biệt có cặp vẫn lấy nhau dù có quan hệ họ hàng trong vòng ba đời.
Chị Lễ cùng đứa con gái của mình
Chị Lễ cùng đứa con gái của mình

Chồng 19, vợ 16

Mặt trời đứng bóng quá cây sào sau nhà báo hiệu đã xế trưa nhưng Nguyễn Văn Tựa (20 tuổi, người Tà Ôi, trú tại xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi rẫy vẫn chưa về. Trong căn nhà được che chắn bằng ván gỗ khá tạm bợ, vợ của Tựa là Trần Thị Lễ (20 tuổi) đang ngồi cho con ăn.

Bữa trưa của 2 mẹ con cũng chỉ có một bát cơm nguội được bớt lại từ bữa sáng chan với xì dầu. Sự có mặt của chúng tôi có lẽ tạo ra nhiều bất ngờ với người mẹ trẻ này, bởi lẽ trong căn nhà này rất ít khi “đón những người dưới xuôi lên”.

Đợi đứa con đi ngủ sau khi ăn xong, Lễ mới rảnh để tiếp chuyện khách. Giọng Lễ buồn buồn: “Tụi mình cưới nhau lâu lắm rồi, được mấy mùa sắn rồi, đứa con lớn đã được 4 tuổi.” Lễ tâm sự, vợ chồng cô quen biết nhau khi cả hai đang học lớp 11 tại một trường ở huyện A Lưới. Lễ kể lại rằng ngày mới quen nhau cả hai chưa nảy sinh tình cảm gì nhưng chỉ nửa năm sau cả hai phải lòng nhau lúc nào không biết.

“Đi theo tiếng gọi của con tim” nên năm lớp 11 hai người quyết định nghỉ học làm đám cưới năm 2014, khi mới 17 tuổi. Khi hỏi “Sao không cố học cái chữ cho bớt khổ mà lại cưới sớm thế?” Lễ cười bẽn lẽn, nói như một tiếng thở dài: “Thương rồi thì biết làm răng”.

Ngôi nhà của hai vợ chồng Lễ nằm giữa núi rừng A Lưới, đây là ngôi nhà do hai bên nội ngoại hỗ trợ sau khi hai vợ chồng trẻ cưới nhau. Ánh nắng loang lổ chiếu hiu hắt xuống ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa núi rừng, gọi là nhà nhưng nó cũng chỉ được dựng tạm bằng các ván gỗ đơn sơ, trong ngôi nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi.

Thành vợ chồng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên vợ chồng Lễ vất vả lắm, phải “giật gấu, vá vai” mới có đủ cái ăn. Tựa – chồng của Lễ hằng ngày phải vào rẫy trồng sắn, những hôm không làm rẫy Tựa lại đi chăn bò cho người khác trong thôn. Làm quần quật nhưng trong nhà lúc nào cũng thiếu thốn. Đã thế, cưới về chưa lâu Lễ đã mang bầu rồi sinh con. Ở vùng rừng heo hút này, vợ chồng không nghề nghiệp mà nhà những mấy miệng ăn, không đói mới là lạ.

“Vợ chồng mình lo lắm, cái nhà làm bằng gỗ tạp, sơ sài nên sợ bão lắm, sợ sập lắm. Lại còn akay nữa, vợ chồng mình chỉ lo akay không có gì ăn vì không làm được nhiều lúa”, Lễ nói.

Cũng giống như vợ chồng Lễ, vợ chồng Trần Văn Hỉnh (SN 1997) và Phu Nhắc (SN 2000) ở cùng thôn cũng làm đám cưới khi chưa thành niên, đến nay họ đã có với nhau đứa con gần 1 tuổi. Cuộc sống của họ cũng nghèo đói, nheo nhóc, luôn nơm nớp nỗi ám ảnh bị cái đói, cái rách bủa vây.

Cách đó không xa là nhà vợ chồng Hồ Thị Dễ (SN 1990, xã Hồng Quảng, A Lưới) và Lê Văn Tám (SN 1994). Dễ và Tám là hai anh em con cậu con cô nhưng cuối cùng lại trở thành vợ chồng. Hai người cưới nhau năm 2015 và đến nay đứa con đã gần 1 tuổi. Vừa ru cho akay ngủ, Dễ cho biết, lúc mới yêu nhau hai người không biết mình là anh em họ hàng gần, đến khi biết sự thật thì “đã lỡ”. Sau đám cưới cấp tập theo phong tục, hai người thành vợ chồng.

Tình trạng hôn nhân cận huyết đang dần được xóa bỏ ở vùng cao Thừa Thiên Huế, trong ảnh là chị Dễ và đứa con cận huyết với anh Tám chồng mình
Tình trạng hôn nhân cận huyết đang dần được xóa bỏ ở vùng cao Thừa Thiên  Huế, trong ảnh là chị Dễ và đứa con cận huyết với anh Tám chồng mình

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn dai dẳng

Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới, năm 2011 huyện này ghi nhận 43 trường hợp tảo hôn, đến năm 2015 con số này giảm xuống còn 30 trường hợp. Số trường hợp hôn nhân cận huyết năm 2011 có 5 trường hợp, năm 2015 chỉ còn 1 trường hợp. Số các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết giảm đáng kể do huyện A Lưới đã thực hiện tốt đề án “đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng tảo hôn”.

Về nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, ông Nguyễn Văn Mẫn – Phó Giám đốc Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới cho rằng, hiện nay trình độ dân trí của đồng bào ở một số xã vùng sâu của huyện còn thấp, kinh tế còn nghèo, lạc hậu, lại thiếu các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền Pháp lệnh Dân số, các cặp vợ chồng chưa biết hậu quả của hôn nhân cận huyết và tảo hôn nên vẫn cưới nhau...

Viện dẫn quy định tại Nghị định 110 của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm chính sách dân số, ông Mẫn cho biết, hiện chế tài xử phạt người vi phạm vẫn chưa cao nên việc vi phạm vẫn còn nhiều. “Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng đề án ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thống kê các trường hợp trên địa bàn để có cách xử lý”, ông Mẫn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Sửu – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế thì cho rằng, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn có dấu hiệu tăng nhưng không đáng kể. Bà Sửu dẫn chứng, trong quý 1 năm 2016 chỉ mới ghi nhận được 2 trường hợp tảo hôn, 1 vụ ở A Lưới và 1 vụ ở huyện Nam Đông.

Theo bà Sửu, hiện ở các huyện vùng cao vẫn còn tình trạng kết hôn theo phong tục, bởi lẽ đồng bào vùng cao có tập tục cưới nhau vào năm 12 tuổi. Ngoài ra còn do các yếu tố khác như phim ảnh, mạng xã hội, kiến thức về sức khỏe sinh sản chưa có.

Về hậu quả của hôn nhân cận huyết và tảo hôn đem lại, bà Sửu thừa nhận chất lượng dân số và nòi giống có thể giảm, cuộc sống gia đình bị đảo lộn...

“Để hạn chế tình trạng trên nên tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, tăng cường truyền thông, quản lý các văn hóa phẩm để tránh tình trạng bị ảnh hưởng bởi những thứ tiêu cực”, bà Sửu nói về biện pháp hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết. 

Đọc thêm