Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã bộc bạch như vậy trong buổi gặp gỡ người dân Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn. Lời xin lỗi đó như muốn “nối lại nhịp cầu” giữa "quan" và dân sau biết bao năm xa cách khi người dân Thủ Thiêm lăn lội gõ cửa nhiều cơ quan trung ương để cầu cứu.
Hơn 10 năm khiếu kiện, kêu cứu, nhiều người viết đơn khi tóc còn xanh, sức khỏe còn cường tráng, nhưng rồi bước chân ròng rã, vạn dặm đó mệt mỏi, bất lực, nhà cữa tan nát, hao tổn sinh lực, vật chất, nhiều người đã qua đời khiến họ mất niềm tin vào chính quyền.
Họ biến thành “dân oan” và nhiều người không hiểu câu chuyện sẽ gán ghép họ vào thành phần chống đối chính sách nhà nước”.
Nhưng rồi vụ việc Thủ Thiêm được lật lại, lãnh đạo TP HCM đã đến gặp dân, đối thoại, lắng nghe. Tiếng kêu khóc, bày tỏ mong mỏi, như là hy vọng cuối cùng sau tháng ngày ròng rã vang cả hội trường đã được thấu hiểu.
Những người đứng đầu TP đã nhận ra cốt lỗi của vấn đề để giúp dân đòi lại công lý.
Tiếng lòng của dân đã được ghi nhận, điều đó có nghĩa là những gì họ tranh đấu bao năm là đúng, họ không phải là “thành phần xấu”. Họ là những công dân chất phác của Thành phố đấu tranh vì công bằng, vì những gì họ phải được quyền lợi từ mảnh đất cha ông gây dựng.
“Ý kiến của cô bác, chúng tôi đã lắng nghe nhiều năm. Thời gian qua đã giải quyết, bây giờ tiếp tục tập trung giải quyết. Chúng tôi cũng xin nhận thiếu sót vì có những việc thực hiện chậm trễ", bà Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM nói.
Người dân luôn bao dung, bao năm khiếu kiện, gõ cữa quan khó lắm, cực lắm, lời trình bày nhiều khi không được lắng nghe, giải quyết chỉ dừng lại ở chuyển đơn, khiến người dân hụt hẩng. Những khi nghe lãnh đạo TP xuống đối thoại,thái độ cầu thị như vậy thì mọi oán hờn xóa hết.
Sự ngăn cách bây lâu giữa quan và dân tưởng chừng khó hàn gắn, bây giờ lại “tay bắt mặt mừng”. Người dân đâu muốn đẩy TP vào thế khó mà họ muốn điều đơn giản “những gì của họ phải trả về cho họ”.
Tại sao vụ việc Thủ Thiêm bao nhiêu năm ngưng trệ? Vì các đời lãnh đạo trước quan cách, xa dân, không hợp tác, lắng nghe dân. Sự đối thoại không có và luôn đặt người dân vào thế “đối đầu”.
Chỉ khi truyền thông lên tiếng, lãnh đạo chịu bước xuống gặp dân, sự việc mở ra lối thoát cho cả người dân và cán bộ.
Đó chính là bài học xương máu cho công tác xây dựng cán bộ. Đó là xây dựng người phục vụ dân chứ không phải “hành dân”.
Không bao giờ có con đường nào ngăn cách giữa người dân và lãnh đạo, sự ngăn cách chỉ xuất hiện khi tầng lớp lãnh đạo quan liêu, xa dân, bắt nạt dân, cường hào. Điều đó chỉ làm suy yếu chế độ, rạn nứt mối đoàn kết và gây nên sự phản kháng không cần thiết.
Khi một sự việc sai, người lãnh đạo xuống gặp dân, bày tỏ quan điểm “sai phải sửa, phải xin lỗi dân”, thì mọi việc sẽ giải quyết thấu đáo. Cái được của chính quyền là lòng tin từ dân chúng, còn nhân dân thì mãn nguyện khi những việc mình khiếu nại, tố cáo được giải quyết dứt điểm, hợp tình, hợp lý.
Con đường đối thoại là con đường văn minh trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, là thứ để bảo đảm cho một tương lai vững bền, tìm ra giải pháp để gỡ nút thắt trong những vấn đề nóng của đời sống hôm nay.
Đối thoại luôn là việc dễ dàng nếu nó thực lòng tận tâm, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết.
Đó cũng là cách nhà nước tìm thấy điểm yếu của mình trong sự vận hành, để bổ sung, sửa đổi. Xa rời việc đối thoại, dùng bạo lực để ngăn chặn tiếng nói tự do, tranh đấu cho công bằng của người dân thì sẽ dẫn chính quyền đó tới diệt vọng.