Hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm
Ngày 26/8/2020, TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định trong lĩnh vực quản lý về đất đai”. Theo đó, bà Lê Thị Hường (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) khởi kiện UBND tỉnh Long An và UBND huyện Đức Hòa về một số quyết định hành chính được cho là trái pháp luật. Trong đó có Quyết định 2603/QĐ-UBND do UBND tỉnh Long An ban hành ngày 12/10/2007 (gọi tắt QĐ 2603).
Theo nội dung khởi kiện của bà Hường và ý kiến của các luật sư bảo vệ, QĐ 2603 có nhiều vấn đề vi phạm quy định pháp luật. Theo luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội, QĐ 2603 căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998. Tuy nhiên, Điều 1 Quyết định này lại có 4 nội dung gồm: thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại trước đó, thu hồi 27.514m2 đất đang bị khiếu nại và giao cho huyện Đức Hòa quản lý, bác đơn yêu cầu công nhận đất của bà Hường.
Như vậy, nếu coi đây là quyết định giải quyết khiếu nại thì hoàn toàn không đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung quyết định, không nêu rõ thông tin của người khiếu nại và người bị khiếu nại. Không có nội dung khiếu nại, không nêu rõ căn cứ giải quyết và không nêu quyền khởi kiện tại Tòa án cho người khiếu nại biết, ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của bà Hường tại Tòa án.
Về nội dung “thu hồi đất” và “giao đất” như trên là trái Luật Đất đai, vi phạm Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003. Thẩm quyền thu hồi đất hộ gia đình và cá nhân cũng không thuộc về UBND tỉnh Long An mà ở đây đúng ra phải là cấp huyện. QĐ 2603 bác yêu cầu được sử dụng đất của bà Hường chỉ với lý do không có cơ sở xem xét giải quyết mà hoàn toàn không nêu ra căn cứ vào điều khoản văn bản pháp luật cụ thể nào. Trong khi đó, theo Luật Đất đai các thời kỳ từ năm 1997 đến 2003 thì bà Hường hoàn toàn có cơ sở để được giao đất và đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận.
Trên thực tế, từ năm trước 1986 đến 1996 bà Hường vẫn khai phá, trồng cây trên đất có hiệu quả kinh tế, có nhu cầu sử dụng đất, tăng năng suất và hiệu quả sử dụng của đất, việc làm này được sự khuyến khích của Nhà nước. Chính các cơ quan chức năng tỉnh Long An, UBND tỉnh Long An và Bộ TN&MT cũng từng có nhiều văn bản, quyết định công nhận điều này. Trong khi từ năm 2007 đến nay, phần đất này bị chính quyền thu hồi rồi đưa lại tình trạng bỏ hoang vô cùng lãng phí.
Xét về mặt hình thức, QĐ 2603 cũng không phù hợp với quy định pháp luật. Trong khi về thẩm quyền ban hành, việc Chủ tịch thay mặt UBND tỉnh cũng là trái luật. Từ hàng loạt vấn đề đã nêu, luật sư cho rằng QĐ 2603 không tuân thủ quy định pháp luật về nội dung, hình thức, thẩm quyền, căn cứ ban hành, do đó yêu cầu khởi kiện hủy quyết định này của bà Hường là hoàn toàn có cơ sở.
TAND tỉnh Long An ra thông báo thụ lý vụ án để xét xử sơ thẩm lần 2 |
Còn theo Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP HCM, Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định rõ, khi nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) phải căn cứ các quy định của pháp luật để xem xét các vấn đề của quyết định hành chính. Cụ thể, quyết định đó có hợp pháp và có căn cứ về hình thức, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành hay không. Tuy nhiên, ở đây HĐXX chưa thực hiện đúng quy định trên nên tất yếu dẫn đến bản án tuyên sẽ sai.
Cụ thể, QĐ 2603 bao gồm nhiều nội dung từ giải quyết khiếu nại đến thu hồi quyết định hành chính, thu hồi đất và giao đất. Theo luật sư, QĐ 2603 hoàn toàn không phải là “Giải quyết khiếu nại lần 2”, ngoài ra nó cũng trái Luật Khiếu nại, Tố cáo sửa đổi, bổ sung 2005 về các căn cứ ban hành, nội dung quyết định, thẩm quyền ban hành và trình tự, thủ tục ban hành. Vì vậy quyết định này không có giá trị pháp lý.
“Ở đây không phải là việc UBND tỉnh Long An “giải quyết khiếu nại”, vì không xác định ông Thiện hay bà Hường sử dụng đất là đúng hay là sai theo pháp luật. Ở vụ việc này, UBND tỉnh Long An thu hồi luôn đất đang tranh chấp 27.514m2. Một cách giải quyết khiếu nại không giống ai và không theo quy định pháp luật”, Luật sư Phượng nhấn mạnh.
Tại phiên xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP HCM nhận định Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng một số thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự nên cần thiết phải huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho TAND tỉnh Long An giải quyết lại. Được biết, ngày 25/11 vừa qua, TAND tỉnh Long An đã thụ lý trở lại và ban hành thông báo về việc thụ lý vụ án.
Trước đó, ngày 14/8/2019, TAND tỉnh Long An tại bản án số 18/2019/HC-ST đã bác đơn kiện của bà Hường, mặc dù thừa nhận rằng QĐ 2603 của UBND tỉnh Long An có “sai sót” và “không đúng thủ tục”. Ngoài ra, Tòa sơ thẩm chỉ xem xét 02 quyết định hành chính trong khi bà Hường khởi kiện 04 quyết định. Không đồng ý bản án sơ thẩm, bà Hường đã kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ.
Nhiều lần được công nhận đất
Như PLVN đã nhiều lần phản ánh, vụ khởi kiện của bà Hường xuất phát từ việc giai đoạn 1982 - 1983 bà Hường khai hoang diện tích đất khoảng 27.514m2 (tại ấp 5, xã Đức Hoà Đông, huyện Đức Hòa), theo chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước nhưng sau hơn 10 năm sử dụng ổn định liên tục thì bị ông Nguyễn Khắc Thiện tranh chấp. Năm 2007, UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi luôn phần đất 27.514 m2 này giao địa phương quản lý.
Nhìn lại quá trình giải quyết vụ việc của chính quyền các cấp tỉnh Long An và Bộ Tài Nguyên & Môi Trường (TN&MT) cho thấy, bà Hường có ít nhất 3 lần được công nhận đất, với các diện tích đất khác nhau. Đầu tiên, ngày 15/7/1994, UBND huyện Đức Hoà ra Quyết định số 319/QĐ-UB với nội dung giữ nguyên quyền sử dụng phần đất nói trên cho bà Hường. Đến ngày 28/7/1995, UBND tỉnh Long An ra Quyết định 4345/QĐ-UB chuẩn y quyết định 319/QĐ-UB. Lý do: bà Hường trực tiếp khai hoang và sử dụng đất ổn định từ năm 1981 đến lúc bấy giờ.
Bất ngờ một năm sau đó, năm 1996, UBND tỉnh Long An thu hồi Quyết định 4345/QĐ-UB, tiếp sau đó là nhiều quyết định mâu thuẫn nhau, vụ việc tiếp tục bị kéo dài. Năm 2003, Bộ TN&MT xem xét giải quyết khiếu nại trường hợp bà Hường. Theo Công văn 2545/BTNMT-TTr ngày 3/10/2003 của Bộ TN&MT gửi Thủ tướng Chính phủ, thửa đất tranh chấp bị bỏ hoang từ trước năm 1975 đến năm 1983 và bà Hường đã sử dụng ổn định suốt 13 năm liên tục. Khiếu nại của bà Hường là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp Hiến pháp năm 1980, Luật Đất đai năm 1988, Luật Đất đai năm 1993, Nghị định 64/CP ngày 27/7/1993 của Chính phủ.
Công văn khẳng định, ngày 18/6/2003, lãnh đạo Bộ TN&MT và UBND tỉnh Long An đã làm việc và thống nhất để tỉnh Long An điều chỉnh Quyết định số 4227/QĐ-UB năm 1998 theo hướng: công nhận cho bà Hường được trực tiếp sử dụng 22.256m2 đất bà đã khai hoang (thửa 741, tờ bản đồ số 5), phần còn lại 3.451m2 giao địa phương quản lý. Cùng ngày, Bộ TN&MT cũng có Công văn 2546/BTNMT-TTr gửi UBND tỉnh Long An, đề nghị sớm giải quyết vụ việc như đã thống nhất và báo cáo Thủ tướng.
Bộ TN&MT và UBND tỉnh Long An từng thống nhất công nhận đất cho bà Hường |
Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5825/VPCP-V.II truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực thay mặt Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ TN&MT hướng dẫn tỉnh Long An giải quyết khiếu nại của bà Hường đúng quy định pháp luật, chấm dứt vụ việc này.
Như vậy, trong vòng 10 năm ròng rã khiếu nại, bà Hường ít nhất được 3 lần công nhận đối với phần đất bà khai hoang. Trong đó, 2 lần được UBND huyện Đức Hòa và UBND tỉnh Long An công nhận bằng quyết định. Một lần được Bộ TN&MT công nhận tại công văn báo cáo Thủ tướng chính phủ năm 2003. Đó là chưa kể đến các văn bản của các cơ quan chức năng tỉnh Long An, trong đó ghi nhận công khai phá và đề nghị công nhận đất cho bà Hường.
Thế nhưng sau đó vụ việc không được giải quyết dứt điểm theo hướng công nhận đất cho bà, cũng không công nhận đất cho người tranh chấp với bà, mà thu hồi đất tranh chấp của người dân một cách hết sức khó hiểu. Liên quan đến vấn đề nghịch lý này, trong phiên xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM, đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đã đặt ra một câu hỏi mà gia đình bà Hường đau đáu suốt 13 năm qua.
Rằng mảnh đất hai người dân tranh chấp cá nhân với nhau nhưng UBND tỉnh lại thu hồi? Người đại diện ủy quyền của bà Hường thẳng thắn đáp, trong trường hợp này UBND tỉnh Long An chỉ có thể công nhận đất cho bà Hường hoặc phía ông Thiện.