Lồng ghép bình đẳng giới trong hỗ trợ và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội lồng ghép vấn đề bình đẳng giới với các giải pháp thiết thực đã trực tiếp, gián tiếp góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trước tác động của đại dịch COVID-19.
Đã có 24.060 người lao động mang thai được hỗ trợ bổ sung. Ảnh minh họa.
Đã có 24.060 người lao động mang thai được hỗ trợ bổ sung. Ảnh minh họa.

COVID-19 tác động mạnh đến lao động nữ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng dịch bệnh COVID-19 khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ.

Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) dẫn các số liệu thống kê cho hay, trong số những phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động trong quý II, III/2020, nhóm phụ nữ trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) và nhóm phụ nữ từ 55 tuổi trở lên chiếm phần lớn.

Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh thực tế đáng quan tâm là sau mỗi lần dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại, học sinh được tới trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để cố gắng bù đắp thu nhập bị mất trước đó.

Tuy nhiên, trung bình phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới, khiến gánh nặng kép của họ lại càng trở nên nặng nề thêm.

Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phong toả trong thời kỳ dịch bệnh đã làm gián đoạn việc tìm đến các dịch vụ y tế hỗ trợ, nhất là phụ nữ và trẻ em, trong đó phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Số liệu so sánh từ quý đầu năm 2019 và 2020 cho thấy tỷ lệ sinh con tại các cơ sở y tế đã giảm 5-15%. Tổng số ca tử vong ở người mẹ liên quan đến thai sản tăng thêm 44% so với trường hợp không có dịch bệnh.

Ngoài nhu cầu chăm sóc y tế, dinh dưỡng không được đáp ứng đầy đủ, phụ nữ mang thai, mới sinh con, nuôi con nhỏ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tìm kiếm những công việc để mưu sinh cũng như trong quá trình di cư nhằm đối phó với dịch bệnh.

Trong hộ gia đình, các bà mẹ phải giảm/ngừng việc để trông nom, chăm sóc trẻ em nghỉ học ở nhà nhiều hơn so với các ông bố.

Việc đóng cửa trường học cũng đã tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các giáo viên hợp đồng tại các nhà trường trong hệ thống giáo dục, nhất là trong bối cảnh phần lớn giáo viên mầm non là phụ nữ.

Một lực lượng lớn giáo viên dạy hợp đồng đang phải tìm các công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch…

Lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách hỗ trợ

Trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trong đó, phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn như nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội, nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, nhóm chính sách cho vay vốn...

Đặc biệt, theo Bộ LĐ-TB&XH, người lao động mang thai, đang nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19; trẻ em là F0, F1; trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 và trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 nhận được hỗ trợ bổ sung ở mức cao hơn với các thủ tục nhanh chóng, đơn giản.

Ngoài ra, chính sách ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 cũng đã được mở rộng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng được tăng cường.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh, TP trên cả nước, tính đến cuối năm 2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn quốc là trên 32.644 tỷ đồng; hỗ trợ trên 27,9 triệu lượt đối tượng.

Thống kê cho thấy đã có 24.060 người lao động mang thai và 366.335 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người; 696.025 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 464 tỷ đồng…

Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh, xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể với các giải pháp thiết thực, nhằm đảm bảo các quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đọc thêm