Nhưng khổ nỗi, vì không biết bao nhiêu là đủ, đến nỗi sau đó, thân bị lụy, danh bị ô, âu cũng là bài học cho những ai còn mong “tham quyền, cố vị”.
Nơi “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi có cho hay cuộc khởi nghĩa chống Minh của Lê Lợi “Núi Lam sơn dấy nghĩa/Chốn hoang dã nương mình”… “Vừa khi cờ nghĩa dấy lên/Chính lúc quân thù đang mạnh”. Và những tuấn kiệt ban đầu tham gia đoàn quân chống phương Bắc đô hộ ấy, có Lê Sát. Bởi Lê Sát, như ghi chép trong “Đại Việt thông sử”, là người làng Bỉ Ngũ ở Lam Sơn.
Góp công dựng nhà Lê
Có mặt trong đoàn quân vị nghĩa vì nước ấy, Lê Sát góp phần lập nên bao chiến công hiển hách, trở thành một trong những công thần khai quốc bậc nhất của nhà Lê sơ, mà trong “Nam quốc vĩ nhân truyện” có gói gọn là “Ông chém được Liễu Thăng, và bắt sống được Hoàng Phúc.
Chiến công của ông rất nhiều”. Vậy, cụ thể công lao của công thần họ Lê ra sao? Cứ xem những chính tích ông lập được, sách “Đại Việt thông sử” chép lại tường tận, hẳn rõ.
Chiến công đầu tiên của Lê Sát được ghi lại, ấy là vào năm Canh Tý (1420), khi ông cùng Lê Triện được sai đi đánh Tạ Phượng, Hoàng Thành ở trại Quan Du (thuộc Quan Hóa, Thanh Hóa ngày nay), ông đã lập công phá thành “chém hơn nghìn tên, làm cho thế giặc ngày một suy”.
Tiếp đó là chiến công năm Giáp Thìn (1424) khi đánh tan quân Trần Trí, Sơn Thọ, vây thành Nghệ An. Với sự kiện ấy “từ đó thế quân lừng lẫy”.
Khi cuộc khởi nghĩa đang trên đà thắng lợi, viện binh nhà Minh kéo sang. Năm Đinh Mùi (1427), khi An Viên hầu Liễu Thăng cầm đầu 20 vạn quân kéo sang, ông được lệnh cùng Lưu Nhân Chú, Lê Linh phòng giữ các ngã, mai phục địch nơi ải Chi Lăng.
|
Lê Sát, Đinh Liệt đem quân và voi trận phục sẵn ở Chi Lăng đánh Liễu Thăng |
Kết quả, Liễu Thăng rơi đầu nơi sườn Mã Yên, viện binh Minh đại bại. Đến trận hạ thành Xương Giang tháng 10 năm ấy, 5 vạn địch rơi đầu. Cái cảnh mà “Bình Ngô đại cáo” miêu tả dưới đây, chính là trận ấy:
“Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ”.
Trận ấy, được Lê Quý Đôn nhận xét là “Có lẽ từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc, chưa có trận nào lớn như vậy”. Và với riêng Lê Sát thì “Trong chiến dịch này, công của ông đứng đầu các tướng”. Ghi chính tích của ông, trong “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” mới ca rằng:
“Chi Lăng mai phục chính mưu cao,
Giết Liễu bắt, Thôi chiến thắng nhiều”.
Nhiếp chính phò ấu chúa
Ra công, gắng sức cho nền độc lập, tự chủ của nước nhà, góp công lớn cho sự thành lập nhà Lê năm Mậu Thân (1428), cũng như nhiều khai quốc công thần khác, Lê Sát được tưởng thưởng công lao dựng nghiệp cho dòng dõi vua đất Lam Sơn.
Ghép chép nơi “Đại Việt sử ký toàn thư”, thì sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ phong thưởng các công thần, riêng Lê Sát được ban hiệu Suy trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần Nhập nội Kiểm hiệu Tư khấu Bình chương quân quốc trọng sự. Đến năm sau, khi khắc biển tên 93 công thần, tên ông đứng hàng thứ hai, được phong làm Huyện thượng hầu. Lê Sát trở thành một trọng thần của triều đại.
Cuối đời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433), ông được gia phong làm Dương vũ Tĩnh nạn công thần, thăng Đại Tư đồ, được tin tưởng giao việc giúp rập cho vua tương lai là Lê Thái Tông. “Lê triều ngọc phả” cho hay, vua Lê Thái Tông, vốn là Hoàng Thái tử Nguyên Long, lên ngôi thay vua cha băng hà năm Giáp Dần (1433) khi tuổi mới 11. Sang năm Đinh Mão (1434), “do là bậc có công đầu, ông được làm thủ tướng”.
|
Lê Sát lấn quyền vua Lê Thái Tông |
Vua còn nhỏ tuổi, Lê Sát đứng đầu đội ngũ công thần, hăng hái giúp vua việc nước. Hiềm nỗi, do là quan võ, xuất thân từ chiến trận, không có gốc nền văn học, lễ nghĩa, tính tình lại nóng nảy, quyết việc theo ý riêng của bản thân nên dần dần, Lê Sát trở nên chuyên quyền, lấn áp cả vua nhỏ tuổi, gây nên bao nhiêu việc nhiễu nhương nơi triều chính, tội Lê Sát bởi vậy ngày một đầy lên.
Cứ theo ghi chép trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, tội lỗi của vị trọng thần họ Lê, quả là nhiều lắm lắm. Nào là vì ghét Lưu Nhân Chú mà vu cáo tội lỗi rồi giết đi. Những vị quan không vừa lòng, thì hoặc biếm chức, hoặc cho lưu đày đi nơi xa, tỉ như Đồng tri Bắc đạo Bùi Ư Đài vì tâu xin chọn các kỳ lão vào hầu để khuyên răn vua nhỏ,
Lê Sát giận, giao cho ngục quan xét hỏi, khép vào tội ly gián vua tôi, buộc vua lưu đầy Ư Đài, dù vua không muốn... Bởi việc lấn quyền diễn ra mãi thế, trong khi vua dần khôn lớn, để rồi sinh ra cái án lụy thân.
Cái án lấn vua
Bài học của tiền nhân, Lê Sát không theo, đến nỗi thân bị lụy. “Ngự chế việt sử tổng vịnh” ghi rằng:
“Chỉ có Hoắc Quang sao chẳng học,
Huống hồ vô học lại càng sâu”.
Sự thể cho cái án lấn vua của Lê Sát, nơi “Việt sử yếu” ghi: “Sát cậy công kiêu căng, làm nhiều điều coi thường pháp luật. Khi nhà vua đích thân nắm giữ triều chính, Ngài liền giết Sát đi”. Để khép Lê Sát vào tội chết, cũng phải có nguyên cớ của nó, bởi dù sao, như trong “Đại Nam quốc lược sử”, Alfred Schreiner đã bình rằng Lê Sát là “chư tướng trung thần hơn hết của vua cha”, lại công lao hiển hách, là trọng thần nữa.
Vua đã khôn lớn, có thể quyết được chính sự, nhưng Sát vẫn giữ quyền xử đoán. Sự bất mãn của vua Thái Tông vì sự lấn quyền của Lê Sát càng lúc càng đầy. Năm Đinh Tỵ (1437), theo “Việt sử cương mục tiết yếu” cho biết, vua vì biết Lê Ê, Lê Hiêu là thân thích của Lê Sát, trong khi Trịnh Khả hiềm khích với Sát,
những mong giảm bớt vây cánh của viên trọng thần này, ngài bèn cho bọn Lê Ê làm quan cõi ngoài, lấy Trịnh Khả coi cấm quân. Lê Sát thấy vua làm thế, thì không vừa lòng, phản đối. Vua lấy làm giận lắm, và cơ sự bắt đầu.
|
Vua Lê Thái Tông bắt Lê Sát dùng tam ân triều điển |
Vua đem việc ấy, nói với các ngôn quan (những người có chức năng đàn hặc, can gián) Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích. An và Tích liền làm sớ dâng lên vua, hặc tội Lê Sát chuyên quyền. Vua nhận sớ ấy “giao xuống cho pháp ty xét hỏi”. Dẫu Lê Văn Linh và Nguyễn Ngân đều là những công thần ra sức bênh vực hòng gỡ tội cho Sát, nhưng vua không nghe, xuống chiếu kết tội rằng:
“Sát ghen ghét người hiền tài, chuyên quyền làm oai làm phúc, giết Nhân Chú, truất Trịnh Khả, đầy Ư Đài, đuổi Cầm Hổ. Xét hành vi của Sát, đều không phải phép tắc của người bề tôi. Nhưng nghĩ là viên cố mệnh đại thần, nên đặc cách khoan tha, cách hết chức tước”.
Những tưởng việc định tội đến đây là dừng, viên cố mệnh đại thần sẽ trở về phận dân thường. Nhưng số mệnh của Lê Sát không được chu toàn như thế, bởi sau đó không lâu, vào tháng 7 năm ấy, Sát bị tố cáo là nuôi bọn võ sĩ Lê Thảo làm thích khách để hại Nguyễn Ngân.
Vua nhận được tin tố cáo ấy, giận lắm, liền xuống chiếu “Sát nay lại nuôi sĩ tử, mưu hại bậc trung lương, đáng chém để rao quân”. Sau đó, Lê Sát được cho tự quyết định số phận của mình, chết tại nhà thay vì bị chém bêu thân. Còn vợ con, tài sản đều bị tịch thu hết. Thế là từ bậc trọng thần quyền cao chức trọng bậc nhất nhà Lê, Lê Sát trở thành một tội đồ của nhà nước. Ranh giới giữa công, tội, mong manh lắm thay. ../.