Lan tỏa yêu thương, theo một cách khác
Tại buổi ra mắt Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng (Nice) sáng 15/12, nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO, một sáng lập viên của mạng lưới chia sẻ chia sẻ câu chuyện: Trong Hội đồng giám tuyển NICE có Vũ Ngọc Anh, một người mắc bệnh xương thủy tinh và di chuyển bằng xe lăn. Anh ấy đang trả góp căn hộ thứ hai tại Hà Nội. Nhưng hầu như lần nào gặp nhau ở các địa điểm công cộng, Ngọc Anh cũng khoe vừa có người cho tiền.
“Như một thái độ trào phúng, lần nào có người cho tiền, Ngọc Anh cũng cầm. Cậu ấy đã quá chán với việc từ chối xong rồi bị người ta nài ngược lại là cầm đi cầm đi. Thậm chí là khi chúng tôi đến một trong những địa phương nghèo nhất nước, thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, có hai đồng bào đã phóng xe máy đuổi theo chúng tôi giữa đêm về tận cổng nhà khách, giúi vào tay chúng tôi hai mươi nghìn, khẩn nài tôi nhận bằng được.
Ngọc Anh có lẽ là một nhân chứng, như rất nhiều người khuyết tật có mặt trong khán phòng hôm nay, về những định kiến của xã hội. Và đó là lý do tôi mời Ngọc Anh vào Hội đồng giám tuyển của NICE”, ông Đinh Đức Hoàng nói.
Những sáng kiến hỗ trợ nhóm yếu thế ra đời liên tiếp và ngày càng sáng tạo. Tuy nhiên, người yếu thế rất cần sự hỗ trợ khác, tinh tế hơn, chuyên biệt hơn, ngoài tiền, bởi định kiến về người khuyết tật còn khá nặng nề. Tại nhiều cơ quan, tổ chức, các định nghĩa về trách nhiệm xã hội rất cơ bản và phổ thông, gọi nôm na là “cho tiền”.
Cốt lõi của các hoạt động vì cộng đồng vẫn là các dự án từ thiện hay là cho tiền theo nghĩa đen, như cung cấp bữa ăn cho trẻ em, xây trường, xây nhà tình nghĩa… Song, theo ông Đinh Đức Hoàng, như thế khó có thể giải quyết được triệt để các vấn đề cộng đồng.
Và đó là câu chuyện với mô hình tiệm giặt là của người khiếm thính. “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, nhưng những người khiếm thính dự định kiếm tiền bằng mô hình kinh doanh của mình. Họ đã tiếp cận được một chuỗi giặt là rất lớn tại Hà Nội. Họ đã vay được vốn để mở tiệm giặt. Song những gì họ cần còn nhiều hơn thế. Đó là mặt bằng, là khách hàng...”.
Mô hình tiệm giặt là của người khiếm thính là một trong nhiều hồ sơ về sáng kiến phát triển vì cộng đồng. Hàng nghìn sáng kiến như thế đang tồn tại ở Việt Nam. Đó có thể là cửa hiệu cắt tóc của người khiếm thính, xưởng sản xuất thú bông của người khuyết tật, một nhóm thanh niên vận động giảm rác nhựa, hay những lớp học cho trẻ em không có giấy khai sinh…
Ông Đinh Đức Hoàng chia sẻ: “Ở nhiều cơ quan, tổ chức, chúng tôi vẫn bắt gặp cách định nghĩa về trách nhiệm xã hội rất cơ bản và phổ thông, gọi nôm na là “cho tiền”. Đã có thời, chúng ta gắn chữ “tình thương” vào sau các sản phẩm của người khuyết tật. Nhưng thực ra họ cần gì? Cần tiền? Ai chẳng cần tiền. Nhưng họ sẽ không xin tiền quý vị tại đây.
Họ dự định sẽ kiếm tiền bằng mô hình kinh doanh của mình. Họ cần người mách cho họ mặt bằng tốt, để thuê. Họ cần khách hàng biết tới. Họ cần nhân rộng mô hình của mình để giúp đỡ được nhiều hơn cho những người đồng cảnh ngộ. Và NICE ra đời. Ở đây, chúng tôi tập hợp các sáng kiến xã hội lại thành một nền tảng.
Hàng chục, hàng trăm sáng kiến khác nhau, sau xét duyệt của Hội đồng giám tuyển, sẽ xuất hiện trên nền tảng đó. Theo ông Đinh Đức Hoàng, lý do Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng (NICE) ra đời, nhằm lan tỏa yêu thương, kết nối và hỗ trợ cộng đồng những người yếu thế, theo một cách khác.
Thời gian không chờ đợi…
Trong lễ ra mắt mạng lưới, rất nhiều câu chuyện đã được kể, được tâm sự bởi chính những người trong cuộc.
Hiện tại, đã có 12 dự án tham gia vào mạng lưới NICE như: Vì giấc mơ em: Những đứa trẻ không quốc tịch (tìm giải pháp để mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho những trẻ em lưu lạc theo gia đình về từ Biển Hồ Tonle Sap, Campuchia, xuôi theo dòng Mekong để đi vào lãnh thổ Việt Nam), Tiệm giặt là người Điếc (những cô gái trẻ mong ước toàn bộ lợi nhuận thu được sẽ tổ chức các lớp học kỹ năng sống cho người Điếc), Hợp ca hy vọng (dàn hợp ca của người khiếm thị - với mong muốn tạo thành một nhóm biểu diễn chuyên nghiệp trên các sân khấu lớn),...
Những mảnh đời yếu thế trong cộng đồng, hoặc là họ vẫn nhận được những bữa ăn từ thiện, thậm chí là học bổng, nhưng vẫn lớn lên cùng tổn thương.
Còn nhớ câu chuyện của hơn 10 năm trước, khi bé Thiện Nhân bị bỏ rơi trong rừng tại Núi Thành (Quảng Nam) và bị động vật hoang dã ăn mất bộ phận sinh dục. Thiện Nhân may mắn được mẹ nuôi là nhà báo Trần Mai Anh và cha đỡ đầu là ông Greig Craft (Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á- AIP) nỗ lực tìm kiếm bác sĩ phẫu thuật trả lại cho em một cơ thể lành lặn như bao đứa trẻ khác.
Cùng với đó, mong muốn mang lại cuộc sống bình thường cho những trẻ em không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, ông Greig Craft và nhà báo Trần Mai Anh cùng đội ngũ bác sĩ đến từ Italy và Mỹ, xây dựng nên chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn”- Phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em.
Là thành viên Hội đồng giám tuyển NICE, bà Trần Mai Anh nhận thấy vẫn còn nhiều đứa trẻ khác, những người mẹ khác, đang rất cần sự giúp đỡ từ những dự án trong cộng đồng. “Là một người mẹ, tôi nghĩ mình cần phải đi tiếp hành trình lan tỏa thông tin, lan tỏa yêu thương. Ngoài cần tiền để giải quyết vấn đề này, cộng đồng không may mắn rất cần được biết tới để nhận sự sẻ chia của những người xung quanh, đặc biệt giải quyết vấn đề bị xã hội kỳ thị”.
Hành trình hơn 10 năm, Thiện Nhân and Friends đã tiến hành thăm khám cho 1500 em nhỏ bị khiếm khuyết, dị tật bộ phận sinh dục và phẫu thuật 487 ca. Thế nhưng mỗi năm vẫn có từ 80 - 100 em đang chờ được phẫu thuật. Nếu để giúp đỡ được, sẽ mất 10 năm nữa để thực hiện điều này.
Chị Mai Anh tâm sự: “10 năm nữa, có lẽ là khoảng thời gian quá dài với các em đang phải chịu những khiếm khuyết của số phận và tạo hóa. Làm gì để giúp các em được vơi bớt những sự chịu đựng này, có lẽ không gì khác ngoài sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Và để có được điều ấy thì bản thân tôi cũng như các cộng sự của mình mong muốn dự án được biết đến rộng rãi hơn nữa, kết nối được nhiều tấm lòng hảo tâm, biết được nhiều hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ các em”…
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu Phương (Giám đốc Thương Thương Hanmade - một cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, thiếu máu bẩm sinh, chạy thận) là một ví dụ.
Bản thân chị sau những năm tháng vất vả, tìm kiếm việc làm cho mình mới trụ lại được với công việc làm đồ hanmade vừa phù hợp với sức khỏe, vừa có thể giúp đỡ được những người khuyết tật khác giống như chị. Ý tưởng làm đồ hanmade từ giấy không mới, nhưng cách chị và các cộng sự tạo ra các sản phẩm lại khiến người ta kinh ngạc vì độ tinh xảo, khéo léo và bắt mắt.
Thế nhưng 10 năm làm nghề và phát triển cơ sở của mình, lượng người biết đến cơ sở của chị, biết đến những sản phẩm hanmade đẹp mắt của chị không nhiều. 10 năm chị vẫn miệt mài đi tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm cách để lo chi phí thuê nhà, chi phí mua nguyên liệu, đặc biệt là lo thu nhập cho hàng chục cộng sự của mình. Khó khăn lớn nhất của mình vẫn là tìm đầu ra và làm sao lan rộng sản phẩm của mình.
Thế nên khi biết được NICE mình đã gửi hồ sơ tham gia ngay. Có được một ngôi nhà để mình được nói lên nỗi lòng của mình, được kết nối với mọi người, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người khuyết tật như mình hơn.
Và nếu không có những chia sẻ và tình yêu thương ấy, Ban nhạc Hy vọng cũng không có cơ hội tồn tại suốt 17 năm qua. GS Tôn Thất Triêm, nhà sáng lập Ban nhạc mong muốn, ban đầu là gìn giữ, phát huy nét đẹp của âm nhạc truyền thống, sau đó là lan tỏa niềm đam mê tới các thành viên, rộng hơn nữa là được giúp đỡ nhiều số phận không may mắn…
Có thể nói, nếu không được biết đến, không được kết nối, nhiều sáng kiến quan trọng có thể đã bị bỏ dở vì thiếu nguồn lực, thứ mà cộng đồng có thể trao tặng, nhưng lại ở một nơi khác không được biết tới. Một chương trình đã tác động tích cực đến 1.000 gia đình, có thể đã tác động đến 1.000.000 gia đình nếu nhận được thêm sự hỗ trợ.
Với sức mạnh của truyền thông, ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm con người, NICE mong muốn trở thành nơi những ý tưởng tốt đẹp được tôn vinh, những dự án hay tìm thấy nhà tài trợ, những trí tuệ sâu sắc tìm thấy cơ hội phụng sự, những cảm hứng đồng điệu gặp nhau và kết hợp thành năng lực phát triển cộng đồng.
Trên nền tảng này, các sáng kiến xã hội có thể gặp nhau, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực. Họ cũng sẽ gặp được những tình nguyện viên, nhà tài trợ, hay một lực tác động thay đổi số phận…