Cô gái truyền cảm hứng đó là Phạm Thị Thắm ở xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Nhìn Thắm với gương mặt sáng và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, không ai nghĩ rằng cô gái xinh đẹp lại gánh một bi kịch lớn khi phải gắn bó cuộc đời với chiếc xe lăn từ năm 9 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở một xã ven đô thuộc thành phố Thanh Hóa, Phạm Thị Thắm từng có những tháng ngày ấu thơ tung tăng chạy nhảy, nô đùa khắp nơi cùng chúng bạn.
Biến cố xảy ra vào năm em lên 9, sau một cơn sốt ác tính, Thắm cảm thấy cơ thể mình bỗng dưng nặng trịch, không thể nhấc nổi đôi chân. Dù gia đình đã đưa em đi chạy chữa khắp các bệnh viện trong tỉnh, ra cả Hà Nội nhưng căn bệnh viêm tủy ác tính đã tước đi của bé gái đôi chân khỏe mạnh. Hậu quả căn bệnh khiến Thắm bị liệt nửa thân dưới, các bộ phận đều không có cảm giác và từ đó cô bé phải làm bạn với chiếc xe lăn.
Nhìn gương mặt đẹp như thiên thần của con, không đành lòng để con phải chấp nhận số phận, cha mẹ Thắm đã dốc hết vốn liếng, của cải những mong đổi lại cho con đôi chân lành lặn. Nhưng rồi đáp lại niềm hy vọng chỉ là những cái lắc đầu cảm thông cùng lời khuyên chấp nhận số phận.
Phạm Thị Thắm đang dạy cắt may cho các học viên. |
Vậy là vào cái tuổi bắt đầu biết tự mình cảm nhận thế giới, Thắm biết mình trở thành tàn tật. Cô bé hồn nhiên, tốt bụng luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người và hết lòng giúp đỡ những gì có thể làm. Nhưng bằng trái tim nhạy cảm của mình, em vẫn cảm nhận được sự kỳ thị cũng như chút thương hại trong những ánh mắt nhìn mình. Và em quyết vượt qua sự mặc cảm tăm tối đó bằng sự hồn hậu, lạc quan vốn có.
Đến tuổi trưởng thành, nhìn bạn bè học hành thành đạt, có nghề nghiệp, tự tin khẳng định bản thân và giúp đỡ gia đình, Thắm bắt đầu nghĩ cách hoạch định tương lai cho mình, phải làm một nghề gì đó để không là gánh nặng cho cha mẹ. Vốn khéo tay và có sở thích may vá từ nhỏ, Thắm quyết định chọn nghề may thời trang.
Nghề may không chỉ cần sự khéo léo, óc sáng tạo mà còn đòi hỏi tỉ mỉ và có sức khỏe, với một người lành lặn làm nghề này đã khó, thiếu mất đôi chân như Thắm để thực hiện ước mơ làm may càng khó khăn gấp bội.
Cô thợ may với nụ cười truyền cảm hứng. |
Ai cũng biết, chiếc máy may vận hành bằng chân, trước kia may thủ công thì dùng chân đạp, nay máy may điện thì cũng vần cần chân để nhấn mô-tơ. Mà với đôi chân không thể cử động của mình, Thắm làm sao điều khiển chân ga cho máy chạy? Quyết không đầu hàng, Thắm may bằng cách dùng cùi tay bên phải để nhấn ga, trong khi đôi bàn tay vẫn điều khiển xê dịch đường may như bình thường.
Thắm mua thêm sách dạy may về tự học, sau khi đã làm được sản phẩm may mặc đầu tiên cho mình, Thắm mới dám tự tin xin học việc. Tuy nhiên, đến đâu cô cũng nhận được nụ cười thông cảm và lời từ chối khéo, không nơi nào muốn nhận một cô gái ngồi xe lăn vào làm.
May mắn đến với Thắm khi trong một trong một lần kết bạn trên facebook, Thắm quen được một người và đây chính là người thầy dạy may đến tận bây giờ của cô, người đã tận tâm, tận tình trang bị cho cô những kiến thức làm nghề để mưu sinh.
Nghề may không chỉ giúp cô gái trẻ thỏa sức sáng tạo, đam mê mà còn giúp Thắm kiếm được tiền trang trải cho cuộc sống của mình. Không những vậy, cô quyết định mở lớp dạy may cho mọi người và trong đó riêng người khuyết tật khó khăn, cô sẽ dạy may miễn phí.
Bên cạnh mở lớp dạy miễn phí, Thắm còn làm các clip trên youtube để dạy mọi người vì có rất nhiều người ở xa không thể đến trực tiếp được nên Thắm đã nghĩ ra cách này để chia sẻ trải nghiệm với mọi người về những cách may vá. Những clip của cô được mọi người yêu mến không chỉ bởi kiến thức hữu ích về lĩnh vực may vá mà còn là bởi câu chuyện cuộc đời truyền cảm hứng của cô.
Từ ngày trở thành khách mời của chương trình “Nối trọn yêu thương” trên VTV1, Thắm thấy vui vì mình “nổi tiếng” hơn, có nhiều người làm quen trên mạng xã hội. Cô bận rộn hơn vì phải trả lời tương tác với bạn bè; nhưng cũng vì thế mà nụ cười trên môi cô gái càng tự tin, rạng rỡ.
Thắm bật mí, chính cô là người tự tin, chủ động liên hệ với chương trình để chia sẻ về câu chuyện của mình và cô đã được chọn mời tham gia “Nối trọn yêu thương”. Và đúng như cô mong muốn, câu chuyện của Thắm lan tỏa tới mọi người một thông điệp tốt lành rằng: Dưới mặt trời, tất yếu bạn sẽ rực rỡ nếu bạn biết vươn lên.