Lớp học không có cảnh nô đùa, chỉ có những tiếng phát âm ngọng nghịu và thi thoảng là tiếng trẻ la hét vô thức. Giáo viên đứng lớp cũng không phải là những người tốt nghiệp trường sư phạm. Các cô đến đây bằng tấm lòng của những người mẹ để chăm sóc các trẻ sinh ra đã kém may mắn. Đó là lớp học dạy trẻ khuyết tật mang tên câu lạc bộ Vững tin ở phường 9, quận 8 TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Hoàng Huy Vũ là cậu học trò 11 tuổi bị bại não. Căn bệnh khiến em bị dị tật ở chân và cũng chẳng biết phát âm. Năm 2008, em được gia đình mang đến câu lạc bộ Vững tin sinh hoạt cùng với những trẻ em khuyết tật khác. Trước đó, mọi di chuyển của em đều phải dựa vào đôi tay của người thân, sau đó là các cô trong lớp. Tuy nhiên, hiện tại, em đã có thể tự mình bước đi dù chưa thật sự vững vàng. Em cũng đã phát âm được những con số, biết làm toán, biết mặt chữ. Có được kết quả này chính là sự tận tình của các cô và cố gắng của Vũ trong 5 năm qua.
Cô Nguyễn Thị Công, giáo viên dạy lớp phát âm mà Vũ đang học cho biết, cô dạy các em cách nói chuyện như là học phát âm, học đọc thơ, dạy làm toán. Với các trẻ bị khuyết tật thì dạy trước quên sau nên mỗi ngày cô phải dạy đi dạy lại. Khó nhất là những ngày đầu tiên, các em không biết nói, cô để tay trong nắp họng các em tập luyện đến khi phát âm được mới thôi.
Để các em phát âm được có khi mất cả tháng tập luyện, có em mất cả năm trời. Vậy mà, khi đã bắt đầu biết được vài từ cũng là động lực giúp các em vui vẻ, thích nói nhiều, lại hay đòi phát biểu. Bây giờ, các em còn biết tên nhau mà gọi nhau í ới, có em còn biết hát bài “Cháu lên ba” bằng giọng ngọng nghịu, đáng yêu. Lớp học phát âm ngày nào cũng ồn ào, cũng náo nhiệt nhất và vui nhất trong các lớp.
Khó nhất, như trường hợp của em Ông Thị Như Ý 15 tuổi, bị hội chứng down từ lúc sinh ra. Gia đình nghèo, cha mẹ phải chạy vạy tiền để lo cho em đến lúc khánh kiệt, tinh thần chán nản, lại không có việc làm ổn định vì bận chăm con, chị Lê Thị Hồng Vân - mẹ bé Ý chia sẻ, nhiều lần chị đã có ý định nhảy cầu tự vẫn cho rồi. Những lúc bế tắc như vậy thì gia đình là chốn để chị Vân quay về quê nương tựa, khi con khỏe thì quay lại Sài Gòn để chạy chữa tiếp.
Ý là một trong những học sinh đầu tiên của câu lạc bộ Vững tin. Trong năm năm đầu tới đây học, em không có biến chuyển gì, chỉ ở trong lớp và ngồi một chỗ. Qua tập luyện hơn mười năm, Ý đã chịu chơi đùa, chạy nhảy cùng với bạn bè. Về nhà em ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ, biết tự ăn uống, tự mặc quần áo, ăn uống giữ vệ sinh sạch sẽ. Đây chính là niềm vui rất lớn cho gia đình chị Hồng Vân, cũng như đem lại hy vọng cho tất cả các phụ huynh khác không may có con bị khuyết tật.
Câu lạc bộ Vững tin là một trong ba câu lạc bộ dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn quận 8 (hai CLB khác là Rạng Đông và Tuổi thơ). Câu lạc bộ đầu tiên ra đời là Rạng Đông (phường 14) từ sự hợp tác từ Tổ chức tầm nhìn thế giới (World vision). Thành lập năm 2003, câu lạc bộ chỉ có 7 em. Nhiều phụ huynh cho con tới đây tập luyện có kết quả tốt, biết được nhiều thứ hơn khi ở nhà. Bà Lại Thị Đắc – nguyên phó phòng lao động, thương binh và xã hội quận 8 cho biết như vậy.
Vào mỗi sáng trong tuần, trừ ngày thứ 7, chủ nhật, các phụ huynh chở con tới lớp học tới 10h30 thì về. Học phí cũng chỉ đóng 100.000 đồng/tháng để mua đồ ăn giữa buổi cho trẻ. Ngoài lớp học phát âm, CLB còn có lớp dạy học chữ và lớp dạy trẻ “lăng xăng” – những trẻ tự kỷ, bệnh down mà không lúc nào chúng chịu ngồi yên.
CLB có 9 cô giáo, trong đó chỉ có vài cô có kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ ở các trung tâm hỗ trợ trẻ em khác nhưng tất cả các cô khi vào đây làm việc đều được Tổ chức Tầm nhìn thế giới huấn luyện khóa tiếp xúc với trẻ khuyết tật trong 3 tháng. Gắn bó với các em lâu vậy nên các cô thương chúng như con. Đa phần họ cũng là những người phụ nữ đứng tuổi, có người đã về hưu, có người rảnh rỗi vào đây không chỉ là công việc làm thêm, vì nếu không có cái tâm với trẻ khuyết tật thì rất mau chóng chán nản.
Từ việc dạy trẻ đi vệ sinh, dạy trẻ nấu ăn, rồi có trẻ bị tự kỷ khi lên cơn là cấu xé người khác, cấu xé chính mình, rồi phải theo dõi sát sao để chúng không đánh nhau,…ngần ấy việc không đơn giản chút nào, nhất là những trẻ này không kiểm soát được hành vi của mình.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan bộc bạch: Để trẻ nghe lời mình thì trước tiên phải tập làm quen với các em, yêu thương các em, không ép buộc các em phải vào nề nếp ngay, khi nào các em quen rồi thì lúc đó cứng rắn hơn để uốn nắn các em bỏ những hành vi xấu. Nhờ vậy mà nhiều trẻ, ở nhà cha mẹ dạy không được nhưng vào lớp nghe lời các cô răm rắp.
Không chỉ chăm trẻ, lúc mới thành lập, các cô còn đến tận các gia đình vận động đưa con đến lớp. Có nhiều gia đình mặc cảm không muốn cho con đi, cũng không quan tâm con, càng làm cho trẻ mỗi ngày bệnh nặng thêm. Nhưng nhìn con đau bệnh ngơ ngác lòng cha mẹ nào chẳng xót. Cho nên thà nhóm lên một tia hy vọng còn hơn là phó mặc cho mọi thứ rơi vào bế tắc. Rồi khi đã thấy con mình có tiến triển chút ít thì họ an tâm hơn, cùng truyền tai nhau đưa con đến câu lạc bộ.
Mỗi một trẻ em ở CLB biết thêm một từ, biết kiểm soát hành vi của mình giúp các cô, các bậc phụ huynh càng vững tin vào những gì mình đang thực hiện. Có thể các em sẽ không được khôn ngoan như trẻ thường, song chỉ cần phát triển trí não tương đương một học sinh tiểu học cũng đã góp phần giảm gánh lo cho gia đình và xã hội rất nhiều.
Ngọc Lê