Trong những ngày tháng 11 này, có một lớp học đặc biệt với những thầy cô và học trò đều “có một không hai”. Bởi học trò có đủ các lứa tuổi, đến từ nhiều vùng quê khác nhau và đều mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, các em đến lớp với ống truyền, bông băng trên tay. Còn thầy cô là các văn nghệ sỹ, các giáo sư, các hoa hậu tới với các em bởi một tấm lòng...
|
Niềm vui ngày khai giảng Lớp học Hy vọng. |
Nghẹn ngào những ước mơ đi học
Nằm trong khuôn viên xinh xắn của Bệnh viện Nhi trung ương, có một lớp học mà các em đều mang trong mình những căn bệnh quái ác và phần lớn các em đều tới từ các làng quê nghèo khó. Dù cánh tay chằng chịt những vết truyền máu, tóc không còn sợi nào, các bệnh nhi vẫn cất lên tiếng cười vui và lấp lánh ước mơ. Đã lâu lắm, các em mới được trở lại lớp học, được choàng chiếc khăn đỏ thắm trên vai.
Khuôn mặt tròn, da xanh, đầu không còn sợi tóc vì trị xạ, nhưng cậu bé Nguyễn Thanh Nam, 7 tuổi vẫn ánh lên niềm vui sướng: “Em thích đi học lắm, không được đi học ở trường nhưng học ở đây với các bạn cùng phòng em cũng rất thích. Em mong mau khỏi bệnh để được tới trường”. Hơn một năm trước Nam là cậu học trò ngoan và khỏe mạnh của trường Tiểu học Liên Hòa - Vĩnh Phúc. Nhưng rồi căn bệnh bạch cầu khiến Nam nhập viện và từ đó không tới trường được nữa.
Cô bé Trần Kinh Anh, 9 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) đang điều trị u cổ thận ở Bệnh viện Nhi trung ương hơn một năm nay. Tay nhiều vết sưng tấy vì tiêm, Kim Anh chia sẻ: “Em đăng ký học môn tiếng Anh vì em thích. Trước đây, em đạt điểm cao môn này lắm”.Còn cô học trò đến từ xứ Nghệ Hoàng Thị Xuân đã vào viện điều trị bệnh thận được 2 năm.
Cứ mỗi tháng một lần, Xuân cùng mẹ bắt xe khách ra Hà Nội để tiêm thuốc mất khoảng 10 ngày. Em đang học lớp 8 và con thứ hai trong gia đình 5 anh em. Tuy bệnh tật và bố mẹ làm nông vất vả, khó nhọc nhưng vì thế khát khao học tập càng lớn hơn bao giờ hết. Em là học sinh giỏi cấp huyện, và em tin rằng, một ngày nào đó, em sẽ là bác sỹ để chữa bệnh cho người nghèo...
Phía ngoài lớp học là những phụ huynh nghẹn ngào xúc động. Anh Vũ Văn Ninh (Kim Sơn- Ninh Bình) bế con trai Vũ Đức Thịnh, bị bệnh bạch cầu cấp, vào lớp: “Con tôi vào viện sáu tháng với sáu đợt điều trị hóa chất rồi. Nếu có thể đăng ký cho cháu đi học với bạn bè ở viện thì cháu sẽ vui hơn”. Chị Thân Thị Thương, mẹ bệnh nhi Phan Thị Duyên, 9 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh, nước mắt giàn giụa xót thương con. Duyên học hết lớp 3 ở trường làng và chưa đi học được buổi nào khi vào lớp 4 thì đã phải nhập viện vì bị suy tủy. Gần một năm liên tục điều trị ở bệnh viện, trên đầu giường của Duyên vẫn luôn có sách.
Nhiều lắm những trái tim yêu thương
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết trong 82 phiếu điều tra được phát ở 18 khoa, có đến 92,68% bệnh nhi mong muốn được học tập ngay tại bệnh viện. Tất cả các em đều muốn được học toán, văn, tiếng Anh, vẽ, hát cũng như kỹ năng sống...
Với sự phối hợp của Báo Giáo dục Việt Nam, Bệnh viện Nhi đã dành một căn phòng 50 m2 làm “Lớp học Hy Vọng” cho các bé. GS-TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã khao khát tổ chức được lớp học ngay tại bệnh viện cho các bệnh nhi đang điều trị. Nhìn các cháu trở đi trở lại bệnh viện, gián đoạn việc học hành, lại có những cháu chưa được đi học ngày nào vì bệnh nặng, chúng tôi thật xót xa. Thêm nữa, do phải điều trị dài ngày, các cháu dễ bị những sang chấn tâm lý và căng thẳng. Lớp học này sẽ giúp các cháu được gần hơn với cuộc sống bên ngoài”.
Nhiều giáo sư, nhạc sĩ, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu tỏ ý sẵn sàng trở thành giáo viên của lớp học đặc biệt này. Đó là GS Hồ Ngọc Đại, nhạc sĩ Phạm Tuyên… GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết ông sẵn sàng tư vấn cho các giáo viên về chương trình giảng dạy cho các bé. Ở lớp học đặc biệt này, chương trình phải thật nhẹ nhàng theo khả năng nhưng phải bảo đảm kiến thức chính để các em có thể theo kịp các bạn.
Hoa hậu Dương Thùy Linh cho biết dù khá bận rộn với gia đình, công việc nhưng cô vẫn muốn mỗi tuần có thể dạy tiếng Anh cho các em một buổi. Ngoài ra, cô có thể dạy các môn khác hoặc có thể đọc các cuốn sách hạt giống tâm hồn cho các em, dạy các em những kỹ năng giao tiếp... Cô nói: “Vì mình mới có em bé nên mình tâm niệm, khi làm được điều nhỏ bé cho các em, nếu sau này con mình sẽ được những người khác giúp đỡ ”.
Còn nhạc sỹ Phạm Tuyên dù tuổi cao và sức khỏe đã yếu nhưng vẫn cố gắng thu xếp để tham gia lớp học. Ông chia sẻ: “ Sẽ thật nguy hiểm nếu một ngày nào đó, những tâm hồn thơ dại không được tiếp xúc với âm nhạc, lời ca tiếng hát. Đưa âm nhạc đến với các em không tốn bao nhiêu cả nhưng sẽ tạo ra một sức mạnh vô cùng lớn, một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa. Cuộc sống của các bệnh nhi vốn dĩ đã kém màu sắc, đã quẩn quanh, u buồn thì lại càng cần có văn nghệ. Tôi sẽ cố gắng cùng các cháu hát vang những tiếng hát ngợi ca tình yêu, cuộc sống và hy vọng...”.
Hoa hậu Ngọc Hân cũng đứng lớp với vai trò là một giáo viên dạy vẽ: “Đây là một mô hình hoàn toàn mới, lần đầu tiên có ở Việt Nam. Mình thấy nó có thật nhiều ý nghĩa và cũng rất mong muốn được đóng góp phần nào cho lớp học Hy Vọng.
Lớp học này không chỉ là nơi để các em học chữ, học kiến thức mà còn là nơi để các em “giao lưu” tìm thấy niềm vui, tình yêu và nghị lực sống cho chính mình. Mình biết rằng, cuộc sống của nhiều em nhỏ đang điều trị tại viện Nhi Trung ương chỉ có quẩn quanh với uống thuốc, tiêm, mổ… và truyền hóa chất. Những món quà tinh thần rất có ý nghĩa và quan trọng với các em.
Chắc chắn, mình sẽ tham gia vào lớp học Hy vọng với tư cách một cô giáo đứng lớp. Khi lớp học chính thức có thời khóa biểu, mình sẽ sắp xếp thời gian để tham gia dạy vẽ cho các em, ít nhất tuần 1 buổi” - cô cho biết.
Còn ca sỹ Thái Thùy Linh cũng đến với lớp học với mong muốn sẽ làm điều gì đó dù nhỏ thôi để cuộc sống của các em có thêm màu sắc và ý nghĩa…
Và còn nhiều, nhiều nữa những trái tim, những tấm lòng tới với các cô bé, cậu bé học trò bé bỏng đang ngày đêm đấu tranh giành giật sự sống để trở lại với cuộc sống đầy sắc màu của tuổi thơ. Nhưng tôi tin các em sẽ không nản lòng, không gục ngã bởi còn đó “Lớp học Hy vọng”, còn đó những thầy cô mang đến cho các em không chỉ kiến thức mà còn là những món quà vô giá về sự ấm áp, sẻ chia...
Ngày nào các em còn cầm được thìa để ăn cơm ngày đó còn khát khao đi học GS-TSKH Hồ Ngọc Đại (Viện Công nghệ Giáo dục) gửi gắm một thông điệp về khát khao và nghị lực: “Tôi đã từng hướng dẫn một nghiên cứu sinh vừa bị câm, vừa bị điếc làm luận văn. Vượt qua bao khó khăn, vất vả, cậu học trò bị câm, điếc bẩm sinh của tôi giờ cũng đã trở thành một GS. Những đứa trẻ ở “Lớp học Hy vọng” này vốn đã bị thiệt đơn, thiệt kép. Nhưng khi nào chúng vẫn còn cầm được chiếc thìa để ăn cơm khi ấy chúng vẫn còn khát khao và có thể đi học được, thậm chí còn học tốt. Sẽ thật đáng tiếc, nếu những cháu nhỏ này không được tiếp nối việc học tập chỉ vì phải vào BV điều trị bệnh.” |
Uyên Na