Lớp học tình thương của “ông giáo” Sài Gòn

(PLVN) - Gần chục năm qua, dẫu kinh tế gia đình còn bộn bề khó khăn nhưng vợ chồng ông Đoàn Minh Hùng đã cố gắng thu vén để duy trì lớp học tình thương dạy chữ cho đám trẻ lang thang, cơ nhỡ. Ngoài ra ông còn hỗ trợ nuôi cơm đám trẻ nghèo, đến nay có hàng trăm cháu. 
Lớp học tình thương của “ông giáo” Sài Gòn

Gọi là “ông giáo” nhưng thực ra ông Hùng không phải là giáo viên. Ông vốn xuất thân là nông dân, từ quê ở Bà Rịa Vũng Tàu lên Sài Gòn mưu sinh. Hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, ông lại có tính hào hiệp, lo chuyện bao đồng nên cuộc sống cũng không mấy khá giả. 

Cơ duyên khiến ông mở lớp học tình thương và gắn với cái nghiệp “ông giáo” cũng bắt nguồn từ tấm lòng trắc ẩn, hay thương người của ông. Khoảng chục năm trước, xóm trọ nghèo nơi vợ chồng ông làm thuê có mấy đứa trẻ bán vé số tá túc vạ vật rất tội nghiệp. Vợ chồng ông hay san sẻ phần ăn cho chúng. Hỏi ra mới biết hoàn cảnh của chúng cực kỳ đáng thương, hai đứa trẻ đều thông minh lanh lợi, ham học lắm nhưng gia đình nghèo không có tiền nên vẫn chưa biết chữ.

Đám trẻ nô đùa rộn rã trước giờ vào lớp (ảnh: Zing.vn)
Đám trẻ nô đùa rộn rã trước giờ vào lớp (ảnh: Zing.vn) 

Động lòng trắc ẩn, ông tình nguyện dạy cho các cháu. Ngoài dạy chữ, ông còn bao cơm vì đi bán vé số bữa đói bữa no, mà bụng đói thì học không vào. Lớp học tình thương được mở ra tình cờ như vậy. Tiếng lành đồn xa, sau đó có nhiều trẻ khác đến xin ông dạy chữ, lớp học cứ lớn dần đến nay đã được 10 năm và có hơn 100 cháu. 

Hồi đó, để có tiền mở lớp và duy trì lớp học, ông đã quyết định bán mảnh đất hương hỏa của cha mẹ ở quê, lấy tiền thuê căn nhà 166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (TP HCM) để mở lớp học tình thương dạy chữ cho đám trẻ. Cũng kể từ ngày đó, đều đặn cuối chiều, trong gian phòng trọ chật hẹp của gia đình lại rộn rã tấp nập trẻ em từ các nẻo túa về, tiếng cười nói, ôn bài rộn ràng vui tươi, náo nhiệt cả khu phố nghèo.  

Đến với lớp học tình thương, các cháu bé còn được ông Hùng đãi cơm (ảnh: Zing.vn)
 Đến với lớp học tình thương, các cháu bé còn được ông Hùng đãi cơm (ảnh: Zing.vn)

Ông Hùng tâm sự: “Tôi vốn xuất thân là nông dân lại có một tuổi thơ rất gian khó, thấy mấy đứa nhỏ trong xóm hàng ngày phải phụ giúp gia đình bán vé số, nhặt ve chai, tôi thấu hiểu hoàn cảnh và giấc mơ hiếu học của các cháu. Dù không được học qua trường lớp chính quy nhưng tôi vẫn quyết định mở lớp học này với ước mong sao chúng nó có cái chữ để sau này vào đời không bị thiệt thòi”. 

Để duy trì lớp học, vợ chồng ông mở tiệm cơm chay để bán, nhưng lại bán với giá rẻ gần như hỗ trợ người nghèo. Chỉ 8.000 đồng/suất nhưng với người già neo đơn và những người quá nghèo, ông mời họ ăn cơm miễn phí. Lũ trẻ nghèo đói bụng, thiếu ăn đến đây cũng được ăn uống thoải mái. 

Cảm kích trước tấm lòng hào hiệp của ông, nhiều người đã chung tay cùng ông làm việc thiện. Mấy em sinh viên thì tình nguyện đến dạy văn hóa, rồi gom sách bút tặng lũ trẻ. Các nhà hảo tâm thì tặng quà và tiền mặt để lớp học được duy trì. 

Ngoài dạy văn hóa, ông Hùng còn dạy các cháu bài học về tình người, những bài học làm người (ảnh: Zing.vn)
Ngoài dạy văn hóa, ông Hùng còn dạy các cháu bài học về tình người, những bài học làm người (ảnh: Zing.vn)

Ông Hùng cho biết, với “quân số” lên đến hơn trăm cháu, vừa tiền cơm ăn, tiền sách bút, tiền điện nước mỗi tháng, gia đình ông Hùng phải bỏ ra khoảng 25 triệu đồng mà vẫn phải thu trước vén sau. Cũng may, một số nhà hảo tâm cũng ủng hộ gạo, sữa bánh kẹo cho các em nên cũng đỡ đần phần nào. Càng ngày vợ chồng ông càng thấy vững tâm hơn với con đường thiện nguyện mình lựa chọn, bởi trên hành trình ông đi có sự chia sẻ, chung tay, góp sức của nhiều người.  

Đến với lớp học tình thương của ông Hùng, các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người. Nhiều trẻ đã trở thành con ngoan, trò giỏi và biết giúp đỡ cha mẹ. “Thấy các em từ không biết chữ đến biết chữ trở thành những con ngoan trò giỏi là niềm vui vô bờ bến đối với tôi”, ông Hùng tâm sự. 

Nếu như ban đầu lớp chỉ dạy cho các em biết đọc biết viết, biết làm tính, thì nay lớp học tình thương còn dạy cả các môn khác như Anh văn, kỹ năng sống… 

Hiện cơ sở của ông Hùng có 9 lớp, từ vỡ lòng cho các em chưa biết đọc, viết đến các em học từ lớp 1 đến lớp 8. Ngoài ra còn có một số công nhân chưa biết chữ cũng theo học. Lớp học ngày càng đông, có nhiều đứa trẻ lang thang ham chữ, đi bộ hàng mấy cây số tới xin học. Ông Hùng thấy tội nghiệp nhận nuôi, đến nay đã có 8 đứa trẻ cơ nhỡ ở nhà ông. 

Ông tâm sự, hiện vợ chồng ông cũng không còn trẻ khỏe, mà nhiều lúc cuộc sống quá khó khăn thú thật chỉ muốn buông xuôi. Nhưng vì thương lũ trẻ, không muốn chúng thất học thêm lần nữa, vợ chồng ông lại phải cố gắng. Ông chỉ mong sao có nhiều người chung tay, góp sức cùng với mình để thắp sáng ước mơ con chữ cho lũ trẻ nghèo...

Đọc thêm