“Lọt lưới” “bệnh nhân thứ 17”: Có hay không dịch vụ “nhập cảnh hộ” ở Nội Bài?

(PLVN) - Gần 10 ngày qua, từ khi cơ quan chức năng chính thức thông tin về “bệnh nhân thứ 17” sau khi đi từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3, vẫn “lọt lưới” kiểm dịch, sau đó lây lan virus Covid-19 cho một số người, dư luận vẫn băn khoăn một câu hỏi lớn. 
Nhân viên y tế kiểm tra phiếu khai báo y tế của hành khách trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Nội Bài chiều 7/3.  (Hình: Dương Giang/TTXVN)
Nhân viên y tế kiểm tra phiếu khai báo y tế của hành khách trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Nội Bài chiều 7/3. (Hình: Dương Giang/TTXVN)

Có “lỗ hổng” nào trong kiểm soát dịch bệnh ở Nội Bài?

Câu hỏi đó là: Vì sao lực lượng chức năng ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, vẫn được giới thiệu là “tầng tầng lớp lớp”, đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, lại không phát hiện ra trường hợp bệnh nhân này? Vì khi đó “thứ 17” chưa phát bệnh, máy móc chưa thể phát hiện, hay còn “lỗ hổng” nào khác?

Trong lúc cả nước phòng chống dịch như phòng chống giặc, liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm mới, sáng qua (11/3), tại cuộc họp BCĐQG phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, một lần nữa các thành viên BCĐ thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam, và đó là một trong những biện pháp quan trọng nhất. Vì vậy việc đặt vấn đề có “lỗ hổng” hay không trong khâu nhập cảnh tại Nội Bài lại càng quan trọng, để giúp lập tức bịt ngay sai sót này nếu có, tránh tai họa khôn lường.

Trước đó, khi trao đổi với báo chí về nghi vấn này, bà Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng Hàng không Nội Bài cho rằng: “Quy trình kiểm tra hành khách nhập cảnh vào Việt Nam không có vấn đề gì”. Vẫn lời bà Phương: “Quy trình đã được duyệt, do đó, sẽ được làm theo đúng quy định, nhất là đang trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, kiểm tra hết sức chặt chẽ, không để sót lọt gì cả”.

Khi PV đặt câu hỏi: “Quá trình kiểm tra hộ chiếu của khách nhập cảnh, lực lượng Công an cửa khẩu có lật từng trang để kiểm tra điểm đi/đến của hành khách?”, bà Phương nói: “Lúc khác gọi lại...”.

Tờ báo này đặt vấn đề: “Nếu làm đúng quy trình và kiểm tra chặt chẽ, tại sao hành khách nhiễm Covid-19 lại lọt qua cửa an ninh, không biết được “bệnh nhân thứ 17” qua Italy (vùng dịch của Châu Âu)? Nếu làm đúng quy trình, vì sao bà Phương lại không trả lời rõ ràng để thông tin đến người dân?”.

Từ những băn khoăn trên, PV PLVN đã vào cuộc tìm hiểu, và rất bất ngờ khi tìm ra địa chỉ của một công ty giới thiệu chuyên thực hiện dịch vụ “thế mạng” làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. 

Chi 5,5 triệu đồng là có người “thế mạng” làm thủ tục? 

Theo giới thiệu, công ty này có trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội, “có hợp tác với cơ quan Công an Xuất nhập cảnh, Hải quan, Cảng vụ, Hàng không tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng để cùng triển khai dịch vụ đón tiễn khách VIP, máy bay chuyên cơ”.

Trong quảng cáo, đáng chú ý là khách VIP dùng dịch vụ này khi nhập cảnh sẽ được doanh nghiệp (DN) này giúp “làm các thủ tục Hải quan, đóng dấu nhập cảnh, lấy hành lý, bàn giao khách ra xe ô tô (đang chờ khách ngoài sân đợi)”.

Đây chỉ là quảng cáo láo, hay thực sự có một dịch vụ ở Nội Bài, cho phép một DN cử nhân viên vào sân bay để làm các thủ tục hàng không “thế mạng” thay cho người nhập cảnh? Trong vai một nhân viên DN sắp đón một đoàn khách quốc tế quan trọng, ngày 11/3, PV đã liên hệ công ty này và được khẳng định những gì họ quảng cáo là sự thật. 

Trong bảng giá do DN này chuyển cho PV, gói dịch vụ cao cấp nhất có tên VIP, giá 5,5 triệu đồng/đoàn 1-2 khách (chưa bao gồm phí nhập cảnh-PV), nếu phát sinh khách thứ 3, tính thêm 2,5 triệu đồng/khách.

Đại diện công ty này khẳng định nhân viên của họ sẽ làm thay nhiều thủ tục cho khách nhập cảnh, khi đến Nội Bài khách sẽ được công ty đón ngay tại ống lồng cửa máy bay, đưa khách ra ô tô chờ, trong khi đó công ty làm các khâu thủ tục Hải quan, đóng dấu nhập cảnh, lấy hành lý cho khách mang ra ô tô. “Số lượng bao nhiêu người cũng được”, đại diện công ty nói. 

Vậy có lẽ nào “bệnh nhân thứ 17” đã sử dụng dịch vụ này hoặc được “quyền lực” nào khác trợ giúp nên mới “lọt lưới” kiểm dịch, âm thầm về nhà “tự cách ly”, sau đó lây lan bệnh cho nhiều người?

Đánh giá về dịch vụ này, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận xét: “Nếu đúng là có dịch vụ này như công ty trên quảng cáo, thì những đối tượng này đã biến mọi nỗ lực chống dịch của cả nước thành mây khói”.

Cũng theo LS Hiệp: “Để khẳng định có sự việc này hay không, là chuyện khá đơn giản. Nếu có, thì để làm được việc này, họ phải “ăn rơ” với rất nhiều cơ quan chức năng tại sân bay, từ hải quan, công an đến an ninh sân bay... Cơ quan điều tra cần phải vào cuộc làm rõ chuyện này. Nhất là trong giai đoạn cả nước “mất ăn mất ngủ” vì Covid-19, phải làm rõ để trấn an dư luận”.

Vẫn theo lời LS Hiệp, để biết “bệnh nhân thứ 17” có sử dụng dịch vụ này hoặc có được “quyền lực” nào giúp nhập cảnh kiểu “ngoại giao, đặc cách” hay không, có thể trích xuất hàng loạt camera trong sân bay, kiểm tra hồ sơ xuất nhập cảnh, là có thể tìm ra bằng chứng cho thấy chính xác chuyện gì đã xảy ra vào rạng sáng ngày 2/3/2020 tại sân bay Nội Bài?

Ls Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM): “Theo quy định, hiện nay tại các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… có các lực lượng là Cảng vụ Hàng không, kiểm dịch y tế, an ninh cửa khẩu và hải quan. Với việc kiểm soát khách nhập cảnh, lực lượng kiểm dịch y tế là đơn vị đầu tiên tiếp xúc với hành khách, rồi an ninh cửa khẩu sân bay, hải quan kiểm soát hành lý, cuối cùng là an ninh sân bay.

Nếu có dịch vụ như trên tồn tại ở sân bay Nội Bài, thì rõ ràng lực lượng chức năng đã làm sai quy trình. Hình sự hay không thì chưa bàn đến, nhưng rõ ràng trong thời điểm cả nước lo lắng về dịch bệnh như hiện nay, họ đã “đổ sông đổ biển” công sức chống dịch của cả một đất nước.

Nếu đặt trường hợp “bệnh nhân thứ 17” nghi ngờ bị nhiễm bệnh, sợ bị cách ly khi nhập cảnh nên sử dụng dịch vụ “thế mạng” này mà không thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra thì có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hành vi trên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là ít nhất có 2 người được xác định lây nhiễm trực tiếp từ bệnh nhân này.  

Tại sao lại có dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”? Vì các lực lượng ở sân bay được giao nhiệm vụ rõ ràng. Nhưng bỏ qua quy trình kiểm tra thì đã mắc lỗi cố ý”.

Đọc thêm