Trót sai thì phải sửa
Bước vào hôn nhân, tất nhiên là ai cũng mong muốn được sống b.nh an, hạnh phúc bên nhau tới đầu bạc răng long, con cái trưởng thành. Nhưng đường đời nhiều trắc trở, con người khó tránh được những chọn lựa sai lầm, những cư xử sai lầm, những lỗi lầm làm đổ vỡ một hạnh phúc vẹn tròn.
Khi hôn nhân có dấu hiệu rạn vỡ, tâm lý chung của mọi người là nỗ lực hàn gắn, níu kéo. Nhiều người thậm chí phải dằn lòng “ngậm đắng nuốt cay” để nhẫn nhịn, bỏ qua tự ái cá nhân để chấp nhận tha thứ cho “một nửa” của mình. Dẫu biết để làm được điều đó thật không dễ dàng khi người ta phải chấp nhận tổn thương, phải hy sinh “cái Tôi” của mình nhiều lắm, nhưng đổi lại gia đình được bình yên sau cơn bão, các con vẫn có được mái ấm trọn vẹn thì sự hy sinh đó thật đáng giá biết bao!
Nhưng không phải sự nỗ lực nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Con thuyền hôn nhân chỉ vững vàng trước sóng gió khi cả hai bên cùng nỗ lực. Thực tế, có những khi người ta càng cố hàn gắn thế những rạn nứt càng lớn thêm và trở thành vực thẳm ngăn cách giữa hai người. Ấy là khi một người cố gắng níu kéo, một người thì đang tâm dứt bỏ.
Trong hoàn cảnh này, cách sửa sai không phải là làm cho mọi việc vỡ nát hơn mà làm sao để mỗi mảnh vỡ được vẹn trọn trong tình cảm, tâm lý và những mảnh vỡ nhỏ không bị thêm trầy xước, nát tan.
Nhiều người đã chọn giải pháp ly hôn để khép lại một hành trình hôn nhân cũ, mở ra cho mình cơ hội và lựa chọn mới. Đó cũng là cách để không làm con trẻ bị tổn thương khi phải sống trong ngôi nhà mà cha mẹ luôn hằn học, mang bi kịch cho nhau. Trong tình thế này, ly hôn sẽ là giải pháp tích cực, nó sẽ có những sắc thái đẹp riêng khi con người ta biết lựa chọn nào là để hướng về hạnh phúc bình an.
Không ai chịu trách nhiệm về cuộc đời mình thay cho mình
“Tôi cố gắng duy trì hôn nhân bi kịch đó là vì các con”; “Tôi không thể ly hôn vì sợ cha mẹ buồn, sợ làm tổn hại đến danh dự gia đình…”. Đâu đó chúng ta gặp rất nhiều lý do tương tự, nhiều nhất là tâm sự từ những người mẹ, người vợ nhẫn nhịn biện minh cho việc mình phải chịu đựng cuộc hôn nhân “tù ngục” như một sự hy sinh vì con cái, vì gia đình.
Đó là những quan niệm hết sức sai lầm, đẩy người ta vào bi kịch không lối thoát, tai hại hơn vòng xoáy đó còn kéo theo cả những đứa trẻ.
Nhà tâm lý giáo dục Nguyễn Thu Hà từng chia sẻ: “Trên tất cả, chính mình chứ không ai khác, bạn có quyền, có trách nhiệm tự thiết kế cuộc đời mình. Đừng lôi con cái hay cha mẹ hay dư luận ra để biện hộ cho việc phải sống chung để chịu đựng vợ/chồng trong cuộc hôn nhân bi kịch. Ly hôn để mưu cầu một cuộc sống lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn, đó cũng là hành động hướng thiện”.
Để nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, cần có cách nghĩ, quan niệm thoáng hơn, chẳng hạn thà chấp nhận làm mẹ đơn thân, nuôi con một mình còn tốt hơn để con có một người chồng, người cha tệ. Tất nhiên, để con có một gia đình đủ cha đủ mẹ sẽ rất tốt, nhưng đừng nên cam chịu đau đớn, tổn thương để đánh đổi chỉ vì điều đó.
Không thể phủ nhận sự rạn nứt sẵn có trong gia đình luôn gây ra đau buồn cho trẻ nhỏ theo năm tháng. Trẻ sẽ bị ám ảnh bởi những mâu thuẫn, hành động bạo lực, hay những lời lẽ khi mà cha mẹ không kiềm chế được để mạt sát, xúc phạm nhau. Đó sẽ gây ra những vết sẹo trong tâm hồn trẻ, khiến sau này trẻ dễ có cái nhìn bi quan về tình yêu, hôn nhân.
Một gia đình có cả cha lẫn mẹ để đủ làm nên cả bầu trời hạnh phúc trong mắt trẻ thơ. Nhưng chúng ta cũng không nên quan niệm chỉ cần cho con một gia đình có đủ cha mẹ về mặt hình thức. Người cha đối với con rất quan trọng, nhưng phải là một người cha mẫu mực, có trách nhiệm với gia đình. Con cần mẹ, nhưng phải là một người mẹ tốt, biết yêu thương vun vén, mẹ phải thực sự là trái tim của gia đình, yêu thương ấm áp vô bờ chứ không thể là người mẹ thiếu trách nhiệm.
Con cần có tổ ấm thực sự chứ không phải cuộc sống chung bất hạnh. Trái tim con trẻ rất dễ tổn thương nên hãy bao bọc trái tim đó trong một mái nhà dù chưa hoàn hảo và có thể thiếu vắng bàn tay cha/mẹ nhưng bù lại hạnh phúc ấy chân thật và bình yên chứ không phải hạnh phúc giả tạo.
Ly hôn đôi khi cũng có sắc thái đẹp riêng
“Cầm quyết định ly hôn, tôi thực sự cảm thấy thanh thản, bình yên. Có thể, trong cuộc sống đâu đó tôi vẫn gặp những cái nhìn thương hại, những lời đàm tiếu kiểu “bỏ chồng mà, single mom đấy, ly hôn rồi.v.v.”. Cuộc sống mà, tôi chẳng hơi đâu mà phải đi thanh minh hay chấp nhặt, bởi vì sướng khổ là mình mình chịu, chẳng ai có thể sống thay cuộc đời của mình nên tôi không thể bắt họ cảm thông, nhìn nhận và suy nghĩ giống mình.”- chị Thanh Hương (29 tuổi, ở Yên Bái) tâm sự.
Còn anh Tuấn Đạt (35 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) thì trải lòng: Sau khi cha mẹ chia tay, con gái 10 tuổi của anh sống với mẹ, cứ mỗi cuối tuần cháu lại về thăm gia đình ba và ông bà nội. Hiện tại cả anh và vợ cũ đều đã có gia đình mới. Vợ cũ của anh mới sinh em bé nên con gái anh có phần tất bật hơn vì phải phụ mẹ chăm em. Nhiều tuần con gái bận không về thăm ba và nhà nội như thường lệ.
“Ông bà nội thấy vậy cũng xót cháu, muốn đón con bé về cho tôi nuôi nhưng tôi nghĩ giờ chưa phải lúc. Con gái tôi đang có cuộc sống vui vẻ, yên ổn bên cha dượng và mẹ nên không muốn sự xáo trộn. Tình thương con thì cha mẹ nào cũng có, vậy nên tôi nghĩ để con ở với ai không quan trọng bằng cho cháu một cuộc sống hạnh phúc thoải mái. Tôi nghĩ rằng con gái đang hạnh phúc vì cháu có những 2 gia đình!”.
Ly hôn là trạng thái hôn nhân mà dù không mong muốn nhưng nó vẫn xảy đến trong cuộc sống. Vậy thì thay vì có cái nhìn nặng nề, tiêu cực, ta hãy bình thản chấp nhận. Thay vì nghĩ rằng ta đã thất bại trong hôn nhân, hãy nghĩ rằng ta chỉ thiếu may mắn chút xíu khi đã lựa chọn sai lầm. Mà đã sai thì phải sửa, ta chấp nhận khép cánh cửa hôn nhân này để dừng lại hoặc tìm kiếm và lựa chọn cơ hội khác đó là quyền của mỗi người. Chỉ biết là phía trước luôn có cả một bầu trời bát ngát.
Vậy nên cũng đừng quá nặng nề việc mình đã mắc lỗi với các con vì không mang đến cho các con một gia đình có mẹ có cha đầy đủ, mà điều quan trọng hơn là phải làm sao để giữ các con vẹn nguyên niềm tin về tình yêu và hạnh phúc gia đình.