Lựa chọn nào cũng hướng về hạnh phúc bình an

(PLO) - Chị Thảo Nguyên (34 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự, xuân này là mùa xuân đầu tiên sau hơn chục năm lập nghiệp ở Thủ đô, chị không về quê ăn Tết. “Cảm giác đón giao thừa ngay trong ngôi nhà của mình thấy quen mà lạ, nhưng thật nhẹ nhõm, bình an”- chị Nguyên chia sẻ bằng một nụ cười buồn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vừa mới đây thôi, những ngày cuối năm 2016 chị và chồng tiến hành chia tay sau mười năm hôn nhân, sau rất nhiều chao đảo sóng gió, sau rất nhiều chịu đựng và hàn gắn của chị nhưng nỗ lực vẫn bất thành. Cuối cùng chị chọn giải pháp bất đắc dĩ là ly hôn. Sau bản án của Tòa, anh chuyển đến căn hộ mới thuê còn chị ở lại căn nhà cũ của hai vợ chồng sau khi thanh toán đủ cho anh một nửa giá trị. Ly hôn xong anh giành hết quyền nuôi cả hai con mà không cho chị được quyền cấp dưỡng. Cũng không sao, chị lặng lẽ mở cho các con một sổ tiết kiệm để hàng tháng chuyển tiền vào đó. Tết đến, chị không dám  về quê vì sợ gia đình phải buồn, phải thương hại cho mình. Cũng như khi quyết định ly hôn, chị đã từng hoang mang lo sợ sự cô đơn khi phải ở lại một mình giữa tưng bừng đất trời xuân… Nhưng trái lại, giờ đây chị thấy lòng thật nhẹ nhõm và thanh thản.

Hoàn cảnh của anh Ngọc Tú (45 tuổi, ở TP HCM) cũng tương tự, chỉ khác là 3 năm sau ngày ly hôn thì anh Tú đã có người mới, vợ cũ của anh cũng đã xây dựng gia đình. Sau khi cha mẹ chia tay, con gái 9 tuổi của anh sống với mẹ, cứ mỗi cuối tuần cháu lại về thăm gia đình ba và ông bà nội. Mùa xuân này mẹ cháu mới sinh em bé cho cha dượng nên con gái anh có phần tất bật hơn vì phải giúp mẹ chăm em. Nhiều tuần con gái bận không về thăm ba và nhà nội như thường lệ. “Ông bà nội thấy vậy cũng xót cháu, muốn đòi con bé về cho tôi nuôi nhưng tôi nghĩ chưa phải lúc. Con gái tôi đang có cuộc sống yên ổn bên cha dượng và mẹ, cháu hài lòng và vui vẻ với cuộc sống đó. Tình thương con thì cha mẹ nào cũng có, vậy nên tôi nghĩ để con ở với ai không quan trọng bằng cho cháu một cuộc sống hạnh phúc thoải mái, nhất là về tinh thần. Tôi nghĩ rằng con gái đang hạnh phúc vì cháu có những 2 gia đình!”- anh Tú tâm sự.  

Lâu nay người ta thường nghĩ về ly hôn với những hình dung hết sức khủng khiếp, giống như một ác mộng. Dường như ly hôn là một tai họa lớn cho đời mình, cho đời các con mình. Tất nhiên là ai cũng mong muốn được sống bình an, hạnh phúc bên nhau tới đầu bạc răng long, con cái trưởng thành. Nhưng đường đời nhiều trắc trở, con người khó tránh được những chọn lựa sai lầm, những cư xử sai lầm, những lỗi lầm khiến đổ vỡ một hạnh phúc vẹn tròn. Khi hôn nhân có dấu hiệu rạn vỡ, tâm lý chung của mọi người là nỗ lực hàn gắn, níu kéo. Nhưng không phải sự nỗ lực nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Thật éo le, có những khi người ta càng cố hàn gắn thì vết nứt càng rạn vỡ thêm.

Trong hoàn cảnh này, cách sửa sai không phải là làm cho mọi việc vỡ nát hơn mà làm sao để mỗi mảnh vỡ được vẹn tròn trong tình cảm, tâm lý và những mảnh vỡ “con” không bị thêm trầy xước, nát tan. Nhiều người đã chọn giải pháp ly hôn để khép lại một hành trình hôn nhân cũ, mở ra cho mình cơ hội và lựa chọn mới. Đó cũng là cách để không làm con trẻ bị tổn thương khi phải sống trong ngôi nhà mà cha mẹ luôn hằn học, mang bi kịch cho nhau. Trong tình thế này, ly hôn sẽ là giải pháp tích cực, nó sẽ có những sắc thái đẹp riêng khi con người biết lựa chọn nào cũng là để hướng về hạnh phúc bình an.

Đọc thêm