Nghe những lời này, cha mẹ có giật mình?
“Cũng cơm ấy, gạo ấy, con người ta thi đâu đỗ đấy. Đằng này chỉ giỏi đua đòi, ăn diện. Không biết chúng tao còn dám ngẩng mặt lên với ai được nữa”. Em không hiểu sao mẹ em lại có thể nói với em những lời cay độc đến thế. Giá mẹ cứ đánh, em còn đỡ thấy đau lòng hơn. Đằng này những lời sỉ vả của mẹ khiến em cảm thấy mình là đứa ngu đần, vô tích sự. Có lúc em nghĩ có khi mình chết đi, chắc bố mẹ mừng lắm... Sau này có con, em sẽ không đối xử với nó như bố mẹ em đối xử với em!” - chỉ vì không đỗ đại học, cô bé T. ở Hưng Yên bị cha mẹ mắng nhiếc. Xấu hổ, buồn chán, quẫn trí, cô bé đã dại dột uống thuốc ngủ tự tử, may mà gia đình kịp phát hiện.
“Nếu hết thời hạn học tập, em xin ở lại đây hoặc đi đâu tiếp thì đi chứ dứt khoát không về nhà. Em không thích bị rủa là đồ ăn hại” - Nguyễn Văn T., 16 tuổi học sinh Trường giáo dưỡng Thanh Trì, Hà Nội. Không chịu nổi những lời chửi rủa hàng ngày của cha mẹ, T. bỏ nhà đi và vi phạm pháp luật nên được đưa vào trường giáo dưỡng để học tập.
Năm 2018, Tổ chức World Vision Việt Nam đã khảo sát tại 37 huyện, thuộc 14 tỉnh, thành phố - địa bàn hoạt động của tổ chức, với 11.738 bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy, 37.8% vẫn thường xuyên áp dụng các hình thức trừng phạt thân thể với con cái. Trong số 4.523 trẻ từ 12 đến 18 tuổi tham gia khảo sát, 33,2% đã chịu những hình thức bạo lực thân thể khác nhau trong 12 tháng trước đó.
Khảo sát Tiếng nói trẻ em của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) năm 2019 với hơn 1.700 trẻ em tại 7 tỉnh, thành phố cũng cho kết quả hơn 80% trẻ em từng chứng kiến các bạn hoặc anh, chị, em của mình bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi. 73,6% trong số hơn 1.700 trẻ em tham gia khảo sát từng bị đánh mắng trong gia đình…
Vô thức biến con mình thành người ưa bạo lực
Nhận định về các con số nói trên, các chuyên gia tham gia tọa đàm trực tuyến “Cha mẹ bình dị phi thường” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức World Vision Việt Nam và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững phối hợp tổ chức cuối tháng 6/2020, đều cho rằng, đại đa số người dân Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, cụ thể là nhiều bậc cha mẹ đã rất nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức này vẫn chưa đủ và chưa đồng đều.
“Đối với nhiều bậc cha mẹ, đòn roi vẫn được coi là cách nhanh và hiệu quả nhất để thay đổi và định hướng hành vi của con trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đòn roi không những không giúp trẻ cư xử tốt hơn mà còn có những tác động tiêu cực lên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tạo rào cản tâm lý mà con trẻ thường rất khó vượt qua, khiến con trẻ ít tin tưởng và khó bày tỏ suy nghĩ hay thông tin của mình với cha mẹ. Điều này làm cho cha mẹ và con cái xa cách nhau hơn.
Đáng lo ngại hơn nữa, bằng cách sử dụng lời lẽ nặng nề hay thường xuyên áp dụng các hình thức đánh đòn, cha mẹ đang vô thức khiến con trẻ tin rằng đòn roi là giải pháp hiệu quả trong nhiều tình huống và từ đó coi nhẹ lý lẽ, sự chia sẻ và cảm thông.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ hay bị đánh đập thường khó kiềm chế nóng giận hơn, có kỹ năng giao tiếp xã hội kém hơn, từ đó có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực” - bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện của Tổ chức World Vision Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD phân tích thêm: “Trẻ em thường học rất nhanh từ cha mẹ và những người lớn xung quanh. Do đó, cách hiệu quả nhất để dạy dỗ con là làm gương cho con thông qua những thái độ và hành động rất đơn giản được lặp đi lặp lại mỗi ngày để con hiểu và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, ví dụ dành thời gian lắng nghe, chia sẻ cùng con.
Những điều tưởng chừng bình dị như chúc con ngày mới, hỏi han con khi tan trường, khuyến khích, động viên con cố gắng, khen ngợi khi con làm đúng, dành thời gian cùng con đọc sách, xem phim, đôi khi là chỉ lắng nghe con và xin lỗi con khi bố mẹ sai sẽ khiến con luôn thấy có bố mẹ ở bên nhưng vẫn độc lập, tự tin, có sức mạnh. Điều này tạo nền móng cho mối quan hệ tin yêu và khăng khít giữa cha mẹ và con cái”.
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý rằng, hiện nay vấn đề bạo lực với trẻ em nhân danh cha mẹ dạy dỗ con đã và đang xảy ra ngày càng trầm trọng. Do đó, mỗi cha mẹ, người lớn và cả trẻ em, khi phát hiện bạo lực trong gia đình mình, hay hàng xóm, cộng đồng, nơi công cộng hãy là những người có trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em.
“Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 là nơi mọi người dân có thể gọi đến để thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Đây là cơ sở cho những can thiệp kịp thời và có hệ thống để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực và xâm hại. Tổng đài vận hành dựa trên sự phối hợp ăn ý và hiệu quả giữa người dân, các cơ quan chức năng (công an) và chính quyền địa phương (UBND cấp xã, phường) để xác minh, từ đó cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em phù hợp nhất”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Cha mẹ cần làm gương cho con
Tham gia tọa đàm với tư cách là một người cha, đồng thời cũng là Faebooker nổi tiếng với các ca khúc Bố con Sâu, ông bố Lê Xuân Đức bày tỏ mong muốn: “Tôi luôn mong muốn được đồng hành cùng con để con được lớn lên trong tình yêu thương - là hành trang giúp con nuôi dưỡng tâm hồn khi trưởng thành”.
Về phần mình, chị Đỗ Kim Phượng, bà mẹ của 2 bé Ara và Fedex bày tỏ mong muốn được chia sẻ nhiều hơn với các bố mẹ khác kinh nghiệm dạy con tích cực của mình, tạo nên một cộng đồng cha mẹ giáo dục tích cực, nuôi dạy con bằng yêu thương.
Liên quan đến trách nhiệm, cách thức dạy dỗ con cái của cha mẹ, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt nhấn mạnh việc cha mẹ làm gương cho con.
Theo đó, muốn giáo dục con ngoan, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con, để con trở thành một công dân chân chính, các bậc cha mẹ nhất thiết phải gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với gia đình và xã hội để con bắt chước và làm theo. Sự gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong gia đình thể hiện từ trong lời nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử với mọi người trong và ngoài gia đình.
Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của con. Gương mẫu tạo ra uy tín của cha mẹ và lòng tôn kính cha mẹ ở con. Để giáo dục gia đình có kết quả, các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân.
Luôn mẫu mực, luôn nêu tấm gương sáng cho con bắt chước, khi có uy tín với con, được con tin tưởng thì những lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ có hiệu quả gấp trăm ngàn lần.