Lúa Việt Nam "chinh phục" người châu Âu

Những bãi đất hoang của U Minh đã trở mình thay da đổi thịt thành nơi sản xuất “đặc sản” của Việt Nam: Lúa sạch. Kỹ sư Võ Minh Khải - người chủ của dự án này khai hoang 310 ha đất hoang và bỏ ra hơn 300 tỷ đồng để trồng lúa sạch. Đây là mô hình lúa hữu cơ đầu tiên của Đông Nam Á đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn "khó tính" của EU và Mỹ.

Những bãi đất hoang của U Minh đã trở mình thay da đổi thịt thành nơi sản xuất  “đặc sản” của Việt Nam: Lúa sạch. Kỹ sư Võ Minh Khải - người chủ của dự án này khai hoang 310 ha đất hoang và bỏ ra hơn 300 tỷ đồng để trồng lúa sạch. Đây là mô hình lúa hữu cơ đầu tiên của Đông Nam Á đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn khó tính của EU và Mỹ.

Kỹ sư cơ khí lại mê cây lúa    

Là kỹ sư cơ khí, ông Khải lại thích xắn quần lội ruộng cấy lúa. Trước bối cảnh sản lượng lớn giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp hơn hàng chục USD mỗi tấn so với gạo Thái, ông suy nghĩ: “Phải trồng cho được loại gạo xịn nhất, bán với giá được nhất”. Ông bỏ nghề kỹ sư cơ khí, đi học cách trồng lúa, học cách cải tạo đất.

Qua tìm tòi học hỏi, ông phát hiện một xu thế mới của các nước tiên tiến là quy trình sản xuất chế biến gạo hữu cơ. Cũng trên nền của quy trình trồng lúa nước, nhưng được áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, đồng thời bảo đảm tuyệt đối những điều kiện tự nhiên, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chỉ sử dụng duy nhất loại phân sinh học do các tổ chức giám sát công nhận. Giá hạt gạo hữu cơ cao gấp 3 lần giá gạo thông thường.

Trồng lúa sạch tại rừng U Minh (vtv.vn)
Trồng lúa sạch tại rừng U Minh. Ảnh: VTV

Nhưng không phải cứ trồng theo đúng quy trình thì được đặt tên là gạo hữu cơ. Cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ, muốn được cấp chứng chỉ ISO phải đăng ký và được các tổ chức giám sát, kiểm định, việc công nhận gạo hữu cơ cũng phải qua quy trình kiểm tra giám sát chặt chẽ với hàng trăm tiêu chí khác nhau.

Gạo Việt Nam đạt tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ

Tại Mỹ, đạo luật Organic Food Production Act ra đời năm 1998 đã đưa ra những tiêu chuẩn hết sức khắt khe đối với dòng sản phẩm này.

Còn tại châu Âu, tất cả các sản phẩm siêu sạch đều phải chịu sự kiểm soát liên tục, gắt gao từ khâu đầu đến khâu cuối trong quá trình sản xuất, tổng cộng bị 260 lần kiểm tra và thường xuyên được theo dõi bởi các cơ quan giám sát, kiểm định độc lập nghiêm túc theo Nghị định số 2092/91 về thực phẩm siêu sạch của Liên minh châu Âu (EU Organic Directive No. 2092/91).

Dòng sản phẩm lúa gạo hữu cơ trồng tại rừng U Minh Hạ đều đạt tất cả các tiêu chuẩn trên.

Để làm ra hạt gạo hữu cơ, ngoài quy trình sản xuất sạch, không dùng hóa chất, điều quan trọng nhất là phải có đất sạch. Khảo sát từ Nam chí Bắc, ông Khải phát hiện vùng đất ngập nước U Minh là phù hợp nhất, chưa bị tác động của bàn tay con người.

Năm 2009, ông Khải lập đề án đầu tư trồng lúa hữu cơ và được tỉnh Cà Mau ủng hộ, diện tích cho thuê ban đầu trên 170 ha. Công ty Viễn Phú - Green Farm (tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), với quy trình canh tác lúa sạch và chế biến khép kín hiện đại nhất Việt Nam ra đời.

Đất U Minh hoang dã phù hợp là thuận lợi rất lớn trồng lúa hữu cơ, nhưng cũng có mặt trái là nặng phèn, thiếu kênh mương và cơ sở hạ tầng.

Buổi đầu khai hoang, ông Khải dựng chòi lá giữa rừng, cùng ăn ở với người dân ròng rã hơn năm trời để cải tạo, khai hoang đất, dọn sạch lau sậy, đào kênh mương. Xong đâu đấy, ông bắt tay trồng các giống lúa mình đã chọn, xây nhà máy xay xát.

Không dừng lại với thương hiệu gạo hữu cơ, ông thử nghiệm trồng các giống lúa đặc thù, tìm tòi nhiều giống lúa mới cho ra hạt gạo hữu cơ có chức năng hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa bệnh tật. Về hình thức, các giống lúa đặc thù này, hạt gạo có nhiều màu sắc khác nhau như màu tím cẩm, màu đen, màu đỏ, màu trắng đục sữa, màu trắng trong...

Song song, từng loại gạo có chức năng khác nhau: Gạo Hoa sữa đen ngăn ngừa bệnh ung thư, gạo Hoa sữa đỏ ngăn ngừa bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, gạo Hoa sữa tím hỗ trợ cho người bị bệnh tim mạch...

Bỏ ra 300 tỷ đồng giúp nông dân làm giàu từ lúa sạch

Ông phân phát giống, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất. Khi thu hoạch, nông dân được hưởng công 800 đồng/kg lúa. Thấy có lợi lớn, nhiều người nhảy vào xin làm và đều có cuộc sống dễ chịu. Trung bình 1ha cần 3 người trồng trọt, thu hoạch… Thế là, với 310 ha, gần 1.000 con người có việc làm từ đó.

Ông Khải cho biết, nếu tỉnh Cà Mau đầu tư xây mới hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng theo mô hình của công ty đang làm, ông sẵn sàng xây dựng cánh đồng mẫu lớn để người dân có thể làm giàu trên chính vùng đất rừng U Minh hoang hóa.

Theo đó, công ty sẽ hướng dẫn, bàn giao quy trình công nghệ gieo trồng nông nghiệp xanh, cung cấp các giống của công ty hiện có và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ông Khải nhẩm tính, mỗi năm công ty sẽ sản xuất khoảng trên 1.000 tấn lúa sạch để chế biến thành gạo chức năng dinh dưỡng cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ước mơ của ông là sẽ mở rộng mô hình lên 10.000 – 30.000 ha đất canh tác ra các xã của huyện U Minh, đặc biệt là dọc sông Cái Tàu, sông Trẹm...

Vùng đất rừng U Minh Hạ, vốn là vùng đất hoang sau những lần cháy rừng tràm, cỏ dại um tùm, nay trở thành cánh đồng lúa xanh um nhờ khối óc của kỹ sư Khải.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón - Môi trường phía Nam, nhận định: “Cả Đông Nam Á hiện mới chỉ có trang trại Viễn Phú, lại tận đất Mũi Cà Mau xa xôi, cách trở được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ.

Theo đó, 135 chỉ tiêu về lúa sạch của Viễn Phú đều được phòng thí nghiệm ở Hà Lan phân tích chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng đều đạt ngưỡng cho phép. Tôi đánh giá phải là người có lòng cực kỳ dũng cảm mới dám “nhảy vào” lĩnh vực “khó ăn” này”.

Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa để trang trại phát triển thêm lúa hữu cơ trong thời gian tới”.

Theo Xa lộ Pháp luật

Đọc thêm