Chữ Arahat hay A la hán có nghĩa là giết sạch hết giặc phiền não trong tâm. Đồng thời đạt được một trạng thái tâm lý yên tịnh không còn sinh tử luân hồi. Và các Ngài xứng đáng cho trời người cúng dường – đó là 3 ý nghĩa của A la hán.
1. La-hán Thác Tháp
Tên của Ngài được biết đến là Tô-tần-đà (Subinda). Thường ngày, Ngài tu tập rất tinh nghiêm, giúp người nhiệt tình nhưng ít thích nói chuyện. Tôn giả ít khi đi theo đức Phật ra ngoài, Ngài chỉ ở yên nơi tịnh xá đọc sách hoặc quét sân.
Có người phê bình cách nói chuyện của Ngài không hay, đức Phật biết được an ủi rằng việc nói chuyện hay hoặc dở không liên quan gì đến vấn đề giác ngộ. Mọi người chỉ cần y theo lời dạy mà thực hành, dù không nói câu nào cũng thành tựu sự giải thoát.
Năm trăm năm sau Phật diệt độ, Tôn giả nhiều lần hiện thân tại nước Kiện-đà-la để giáo hóa. Hình tượng Ngài được tạo với bảo tháp thu nhỏ trên tay, tháp là nơi thờ xá lợi Phật, giữ tháp bên mình là giữ mạng mạch Phật pháp, vì thế Ngài được gọi là La-hán Nâng Tháp. Theo Pháp Trụ Ký, ngài Tô-tần-đà là vị La-hán thứ tư, thường cùng 700 vị A-la-hán phần nhiều trụ ở Bắc Câu Lô châu.
2. La-hán Thám Thủ
Hình tượng đưa hai tay lên rất sảng khoái của một vị La-hán sau cơn thiền định. Ngài tên là Bán-thác-ca (Panthaka), Trung Hoa dịch: Đại lộ biên sanh. Tương truyền Ngài được sanh ở bên đường, khi mẫu thân trở về quê ngoại sinh nở theo phong tục Ấn Độ.
Bán-thác-ca lớn lên là một thanh niên trí thức, nhân mỗi khi theo ông ngoại đi nghe Phật thuyết pháp, bèn có ý định xuất gia. Được gia đình chấp thuận, Ngài gia nhập Tăng đoàn, trở thành một vị Tỳ-kheo tinh tấn dõng mãnh, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán.
3. La-hán Khai Tâm
Hình tượng vạch áo bày ngực để hiển lộ tâm Phật. Ngài tên là Thú-bác-ca (Jivaka). Thú-bác-ca vốn là một Bà-la-môn nổi danh, nghe nói thân Phật cao một trượng sáu, Thú-bác-ca không tin nên chặt một cây trúc dài đúng một trượng sáu để đích thân đo Phật.
Lạ thay, dù đo bất cứ cách nào, thân Phật vẫn cao hơn một chút. Thú-bác-ca tìm một cây thang dài rồi leo lên thang đo lại, kết quả cũng vậy. Đo đến mười mấy lần, không còn cây thang nào dài hơn mà thân Phật vẫn cao hơn. Lúc này ông thiệt tình khâm phục và xin quy y làm đệ tử.
Sau khi xuất gia, trải qua bảy năm khổ hạnh, Ngài chứng quả A-la-hán, vì muốn kỷ niệm nhân duyên đo Phật mà xuất gia ngộ đạo. Ngài lấy cây sào lúc trước, đi đến chỗ cũ nói: “Nếu Phật pháp là chân lý ngàn đời thì xin cây sào này mọc lại và sinh trưởng ở đây”, nói xong, Ngài cắm cây sào xuống đất. Cây sào bỗng nẩy chồi ra lá. Thời gian sau từ chỗ đó mọc lên một rừng trúc tốt tươi lan rộng cả vùng, người ta gọi nơi ấy là Trượng Lâm.
Quần chúng Phật tử kéo đến chiêm bái chứng tích mầu nhiệm cây gậy đo Phật. Nơi đây rừng núi khô cằn hoang dã, thiếu nước uống nghiêm trọng, tôn giả Thú-bác-ca liền vận thần thông biến ra hai suối nước một nóng, một lạnh để mọi người tha hồ sử dụng. Hai suối này nằm cách mười dặm về phía Tây Nam của Trượng Lâm. Dân chúng vùng này mãi nhớ ơn đức của Tôn giả.
4. La-hán Hỷ Khánh
Ngài tên là Ca-nặc-ca-phạt-tha (Kanakavatsa), còn gọi là Yết-nặc-ca-phược-sa. Đức Phật thường khen Ngài là vị La-hán phân biệt thị phi rõ ràng nhất. Khi chưa xuất gia Ngài là người rất tuân thủ khuôn phép, giữ gìn từ lời nói đến hành động, một ý nghĩ xấu cũng không cho phát khởi. Sau khi xuất gia, Ngài càng nỗ lực tinh tấn tu tập, nhờ thiện căn sâu dày Ngài chứng quả A-la-hán rất mau.
Ngài thường đi du hóa khắp nơi với gương mặt tươi vui và dùng biện tài thuyết pháp để chiêu phục chúng sanh. Thấy mọi người thường vô ý tạo nhiều nghiệp ác hằng ngày, tương lai bị quả khổ địa ngục nên khi thuyết pháp Ngài thường xiển hình giáo lý nhân quả thiện ác, giúp chúng sanh phân biệt rõ ràng để sửa đổi.
Một lần nọ đi ngang qua thôn trang, thấy một gia đình đang giết vô số trâu dê gà vịt để làm lễ mừng thọ. Ngài ghé lại, thuyết giảng một hồi về phương pháp chúc thọ, về cách mừng sinh nhật là ngày khó khăn khổ nhọc của mẹ, nên phận làm con không được ăn uống vui chơi, trái lại nên tịnh tâm suy niệm ân đức cha mẹ, quyết chí tu tập thành tựu đạo nghiệp. Bằng cách giảng dạy chân thật, Tôn giả suốt đời như ngọn hải đăng đem ánh sáng Phật pháp soi rọi nhân sinh.
5. La-hán Tĩnh Tọa
Tên của Ngài là Nặc-cù-la (Nakula). Trên vách hang thứ 76 của động Đôn Hoàng có vẽ hình tượng Ngài ngồi kiết già trên phiến đá. Theo truyền thuyết, Ngài thuộc gia cấp Sát-đế-lợi sức mạnh vô song, đời sống chỉ biết có chiến tranh chém giết. Khi theo Phật xuất gia, Ngài đạt quả A-la-hán trong tư thế tĩnh tọa.
Đương thời của Tôn giả, có ngoại đạo Uất-đầu-lam-tử, công phu thiền định cao, từng biện bác với hy vọng chinh phục Tôn giả theo pháp thuật của mình. Nhưng với niềm tin chân chánh, Tôn giả khẳng định rằng chỉ có công phu tọa thiền, quán chiếu bằng trí tuệ, sức nhẫn nhục bền bỉ, nghiêm trì tịnh giới mới đạt được định lực không thối chuyển. Pháp tu luyện ngoại đạo chỉ được định lực tạm thời, không thể an trú vĩnh viễn trong pháp giải thoát, khi gặp cảnh bên ngoài quấy nhiễu sẽ bị hủy hoại.
Sau này quả nhiên Uất-đầu-lam-tử thọ hưởng sự cúng dường nồng hậu vua nước Ma-kiệt-đà, vì khởi vọng tâm mà toàn bộ công phu tiêu tán, sau khi chết lại rơi vào địa ngục. Tôn giả Nặc-cù-la dùng thiên nhãn thấy rõ điều ấy, một lần nữa cảnh giác với vua Ma-kiệt-đà:
“Đó chính là pháp tu không rốt ráo của ngoại đạo, những phiền não căn bản của con người chưa được diệt trừ hết”. Vua nghe Tôn giả giải thích mới hiểu được Phật pháp chân chính đáng quý, phát khởi niềm tin nơi Tôn giả.
6. La-hán Ba Tiêu
Tên của Ngài là Phạt-na-bà-tư (Vanavàsin). Theo truyền thuyết khi mẹ Ngài vào rừng viếng cảnh, mưa to dữ dội và bà hạ sInh Ngài trong lúc ấy. Sau khi xuất gia với Phật, Ngài thích tu tập trong núi rừng, thường đứng dưới các cây chuối nên còn được gọi là La-hán Ba Tiêu.
Có lần, đức Phật hàng phục con yêu trong một cái đầm sâu. Cảm phục ân đức của Phật, yêu long xin Ngài lưu lại chỗ của mình để được gần gũi cúng dường. Phật dạy Ngài không thể ở một nơi lâu, nên cử năm vị Đại A-la-hán đến, đó là các vị Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Nhân-kiệt-đà, Tô-tần-đà và Phạt-na-bà-tư. Khi tôn giả Phạt-na-bà-tư đến tiếp nhận lễ vật cúng dường, Ngài thường thích tọa thiền trên phiến đá lớn bên cạnh đầm, khi thì ngồi suốt tuần, lúc ngồi cả nửa tháng.
7. La-hán Tiếu Sư
Tên của Ngài là Phạt-xà-la-phất-đa-la (Vajraputra). Tương truyền khi còn ở thế tục, Ngài làm nghề thợ săn, thể lực rất tráng kiện, một tay có thể nâng một con voi, hoặc nắm một con sư tử ném xa hơn 10 mét.
Mỗi khi muông thú chạm mặt Ngài, chúng đều hoảng sợ lánh xa. Sau khi xuất gia, Ngài nỗ lực tu tập, chứng quả La-hán. Lại có một con sư tử thường quấn quít bên Ngài, do đó Ngài biệt hiệu La-hán Đùa Sư Tử.
8. La-hán Tọa Lộc
Ngài tên là Tân-đầu-lô-phả-đọa (Pindolabharadvaja), xuất thân dòng Bà-la-môn, là một đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền. Ngài thích xuất gia nên rời bỏ triều đình vào rừng núi nỗ lực tu tập, sau khi chứng Thánh quả cưỡi hươu về triều khuyến hóa vua, nhân đó được tặng danh hiệu La-hán Cưỡi Hươu.
9. La-hán Trường Mi
Tên của Ngài là A-thị-đa (Ajita) thuộc dòng Bà-la-môn nước Xá-vệ. Theo truyền thuyết khi Ngài mới sinh ra đã có lông mày dài rủ xuống, điều báo hiệu kiếp trước Ngài là một nhà sư. Sau khi theo Phật xuất gia, Ngài phát triển thiền quán và chứng A-la-hán.
Ngài cũng là một trong những thị giả Phật, khi chứng quả xong vẫn thường du hóa trong dân gian. Một hôm đến nước Đạt-ma-tất-thiết-đế, nhân dân nước này không tin Phật pháp, chỉ thờ quỷ thần sông núi. Thái tử nước này bệnh nặng, vua cho mời danh y trị bệnh và thỉnh giáo các nhà tu ngoại đạo. Các vị ấy bảo: “Đại vương chớ lo, bệnh của Thái tử không cần uống thuốc cũng khỏi.”
Khi gặp Tôn giả A-thị-đa, vua hỏi thử thì Tôn giả bảo rằng bệnh không qua khỏi. Vua rất tức giận bỏ đi. Một tuần sau, Thái tử chết thật, vua tạm thời không tổ chức tang lễ, ngày hôm sau vua đi gặp tôn giả A-thị-đa, Ngài chia buồn với vua, còn vua khi gặp các ngoại đạo thì lại nghe chúc mừng Thái tử hết bệnh. Điều này chứng tỏ các ngoại đạo không có dự kiến đúng đắn. Nhà vua từ đó quy ngưỡng Phật pháp. Nhờ sự hoằng dương của Tôn giả mà Phật pháp hưng thịnh ở nước này.
Đã hơn 2.000 năm, nhưng tại Ấn Độ vẫn còn tin rằng tôn giả A-thị-đa còn đang trị bệnh cho người hay tọa thiền trên núi.
(còn nữa…)