Luẩn quẩn những vòng đời trên "ốc đảo" giữa Sài thành

Nằm ngay sau bến xe Quận 8 (TP HCM) nhưng xóm ve chai vẫn bị gọi là "ốc đảo". Không xa xôi về địa lí, không “cách trở đò ngang” nhưng cuộc sống của người dân ở đây lại gần như biệt lập với đô thị phồn hoa xung quanh.

[links()]Nằm ngay sau bến xe Quận 8 (TP HCM) nhưng xóm ve chai vẫn bị gọi là "ốc đảo". Không xa xôi về địa lí, không “cách trở đò ngang” nhưng cuộc sống của người dân ở đây lại gần như biệt lập với đô thị phồn hoa xung quanh.

Những mảnh đời cùng khổ

Nắng Sài Gòn giữa trưa càng thêm gay gắt. Xóm lao động nghèo thuộc khu phố 10 (phường 5) nằm sau lưng bến xe Quận 8 càng ngột ngạt. Những con hẻm ngoằn ngoèo, nối với nhau bởi những đoạn cua gấp khúc chỉ đủ đi lọt một xe máy. Không khí tù túng lại thêm nắng nóng oi bức khiến mùi khó chịu càng nồng nặc.

h
Những cư dân của ốc đảo ve chai

Ông Lê Hồng Huỳnh, tổ trưởng khu phố 10 cho biết: "Tôi đã sống ở đây hơn 20 năm, cũng thời gian đó xóm ve chai hình thành. Phần lớn người ở đây là dân nghèo gốc miền Đông, miền Tây, Bình Phước phiêu dạt về, ban đầu sống tạm bợ ở bên rạch Bồ Đề, sau sinh con đẻ cái ngày một đông đúc”.

Ông Huỳnh giải thích về tên “ốc đảo ve chai”: "Trước kia xóm này có mấy cái ao rất lớn, nước đen kịt toàn rác thải, muỗi mòng chuột bọ nhiều vô kể. Đường vào độc đạo lại nhỏ xíu, ngoằn ngoèo nên chẳng mấy khi có người lạ đến; nên dù nằm ở giữa quận, cuộc sống chẳng khác gì ốc đảo. Còn ve chai là nghề "truyền thống" của xóm".

Tất cả các phòng trọ đều chung một kiểu thiết kế khép kín, đầy đủ bếp và khu vệ sinh gói gọn trong khoảng 10m2. Bốn phía được quây sơ sài bởi những tấm tôn han rỉ, thủng lỗ chỗ. Mấy tấm lợp mái tuy lành lặn hơn nhưng nắng vẫn xuyên qua lỗ hổng xuống sàn gập ghềnh.

Khoảng sân nhỏ chừng 6m2 có tới bốn cửa phòng nhìn ra, là không gian chung của gần 20 con người sinh sống. Mấy căn phòng giữa trưa nóng như lò bát quái, người mới vào ngồi vài phút mồ hôi tự nhiên túa ra, hoa mắt chóng mặt như say nắng. Tất cả dân trong xóm đổ cả ra khoảng sân chung ngồi "cho dễ thở".

Căn phòng "rộng rãi" nhất có diện tích chừng 12m2 của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải và 8 đứa con. Cha mẹ đôi bên đều từ nơi khác di cư đến Tp HCM, dựng nhà bên cạnh rạch Bồ Đề và trở thành hàng xóm, cùng chọn công việc đi nhặc rác để kiếm sống. Một cách hoàn toàn tự nhiên, cô con gái nhặt lông ngan lông vịt đã bén duyên với người con trai chạy xe ôm, xóm nghèo lại thêm một gia đình nhỏ.

Căn phòng ở phía trong cùng tối tăm ẩm thấp, che chắn đủ các loại bao, túi nilong. Mấy con chuột cống to tướng trụi lông mốc meo nhởn nhơ đi lại như chốn không người. Chủ nhân là bà Dương Thị Hồng, chưa tới 60 tuổi nhưng nom già yếu như đã ngoài 70. Bà Hồng là dân gốc Chợ Lớn, sau làm ăn thất bát, chồng qua đời, bà mang cậu con trai đến thuê nhà ở xóm trọ này. Anh con trai đã lấy vợ cách đây ít lâu, song do nhà cửa chật chội nên đành gửi vợ con về nhà ngoại ở Long An, mỗi tuần về thăm một lần.

Chủ nhân phòng cuối cùng là người phụ nữ có cái tên rất đẹp Hoàng Thị Lệ Thủy. Vốn là gái Sài Gòn “gốc” thuộc thế hệ 8X nhưng cô “một chữ bẻ đôi” không biết. 18 tuổi bỏ nhà theo gã nhân tình thuộc hàng "đầu trộm đuôi cướp", thiếu nữ say men tình dù phải sống chui dưới gầm cầu cũng thấy hạnh phúc. Hết yêu, gã bỏ cô phũ phàng như giũ một cái giẻ lau.

Sau khi ngã vào vòng tay vài gã cô hồn khác, Thủy có con nhưng vẫn sống lay lắt tạm bợ ở chân cầu. Bố đứa bé "bỏ của chạy lấy người", bà mẹ trẻ nghe tin xóm ve chai giá thuê trọ rất rẻ nên mang con về đây. Hiện Thủy vẫn chưa lấy chồng, nhưng đã lại mang thai được mấy tháng.

Nghề ve chai “truyền thống”

Mặc dù quê quán khác nhau nhưng tất cả những gia đình sống ở đây đều chọn kiếm sống bằng nghề ve chai, sau này đàn ông mới chuyển sang chủ yếu chạy xe ôm. Đám con nít thì đi nhặt ở bãi rác, vỉa hè, quán ăn, nhà hàng. Đám phụ nữ "chuyên nghiệp" hơn, sắm cho mình cái xe đạp, dạo hết hang cùng ngỏ hẻm rao: "Ai ve chai".

c
Những ngôi nhà lụp xụp tạm bợ

Một ngày đi làm, bà Hồng đạp xe được khoảng 50 km. “Mua 24 vỏ lon bia giá 9,5 ngàn đồng, mua một kg bịch nilon giá 10 ngàn đồng, một kg giấy vụn có giá từ 2 – 3 ngàn tùy loại”, bà thuộc làu làu. Đi mỏi chân, khản cổ, bà bán lại cho chủ vựa được lời từ 60 – 70 ngàn. Người con trai chạy xe ôm mỗi ngày kiếm được hơn 100 ngàn, đóng cho mẹ 30 ngàn tiền ăn và tiền nhà, còn lại gửi về cho vợ con.

Vợ chồng anh Hải thì khó khăn hơn. Gia đình hai vợ chồng, 8 đứa con, đứa nhỏ nhất mới hơn một tuổi, nhiều năm nay chị vợ không làm được việc gì ngoài chửa đẻ. Cả "đoàn tàu há mồm" trông chờ vào tiền chạy xe ôm của anh Hải.

Người vợ tâm sự: "Bữa nào anh ấy chạy được mấy “cuốc” xa xa thì nhà có cơm ăn. Bữa nào ít khách thì nửa kí gạo làm một nồi cháo, bỏ hành lá vô cũng xong một bữa cho cả nhà". Ba đứa con lớn nhà anh chị từ lúc 10 tuổi, đủ tuổi tham gia vào "đội quân ve chai nhí" cũng đã ra đường kiếm tiền nên may mắn là những bữa phải ăn cháo thay cơm đã thưa dần.

Thê lương nhất là mẹ con chị Thủy. Bà mẹ đơn thân kể: "Em không có xe đạp nên hàng ngày em đi nhặt ve chai như tụi con nít. Không có trả tiền nhà theo tháng nên em trả theo ngày. Mỗi ngày dù nắng hay mưa, khỏe hay ốm, em đều phải trích ra 20 ngàn để trả tiền nhà, còn tiền thì mua gạo nấu cơm, không thì hai mẹ con chung một ổ bánh mì".

Người hàng xóm của chị Thủy lắc đầu: "Thằng bé tội nghiệp lắm, mẹ đi từ sáng đến chiều mới về. Mới hai tuổi mà cứ đến bữa cơm là nó cầm bát đứng trước cửa nhà hàng xóm xin ăn. Chúng tôi đều nghèo cả, nhưng không lẽ để nó đói?. Thôi thì có cơm cho cơm, có cháo cho cháo, bữa nào ăn mì tôm cũng cho nó vài sợi. Giờ mẹ nó còn đi làm được, mấy bữa nữa bụng chửa to, rồi lại sinh con không biết lấy gì mà ăn".

Bác tổ trưởng cho biết “ốc đảo” gần đây đã bị giải tỏa gần hết, hiện chỉ còn hơn chục hộ sinh sống với khoảng 50 em nhỏ, chủ yếu đều đi nhặt ve chai. Họ không làm nghề khác mà “trung thành” với nghề này là có lý do: Người từ nơi khác dạt về đây đều thuộc hàng cùng khổ, phần lớn không biết chữ, không hộ khẩu, không khai sinh, không giấy tờ tùy thân nên không thể xin được công việc nào khác. Ban đầu chỉ một số đi nhặt ve chai, sau những người khác cũng theo đó mà làm, truyền từ đời này sang đời khác thành nghề “truyền thống”.

Cính quyền đã tạo điều kiện cho những người như bà Hồng, vợ chồng anh Hải, chị Thủy… nhập hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân, cho đám trẻ được đăng ký khai sinh.

Tuy nhiên, họ khó có hy vọng nhanh chóng đổi nghề bởi muốn xin làm công nhân ít nhất cũng phải biết đọc biết viết cho thành thạo. Những thế hệ “F1, F2” như các con của vợ chồng anh Hải đã được tạo điều kiện đến lớp học tình thương ở chùa Liên Hoa.

Nhưng thực tế các cháu chỉ học đến khi biết đọc biết viết đã lại bỏ học ở nhà để tăng cường "nhân lực" cho gia đình, dù trước đó đã được vận động, trợ giúp từ gạo đến sách vở. Không biết đến bao giờ người dân ở xóm ve chai này mới hết luẩn quẩn trong vòng tròn nghèo đói?.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm