Luật Chuyển đổi giới tính: Để không là 'cửa hẹp' tới hạnh phúc

(PLO) -Nếu ví von Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép chuyển đổi giới tính như một cánh cửa mở tới hạnh phúc cho cộng đồng chuyển giới thì niềm hạnh phúc này đã và đang vơi đi ít nhiều với những quy định trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được xây dựng. 
Cộng đồng người chuyển giới bày tỏ niềm vui khi pháp luật Việt Nam cho phép chuyển đổi giới tính
Cộng đồng người chuyển giới bày tỏ niềm vui khi pháp luật Việt Nam cho phép chuyển đổi giới tính

Bị gạt ra ngoài lề vì không muốn phẫu thuật?

Theo đó, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế chấp bút có 7 chương 29 điều. Vì đây là đạo luật cụ thể hóa Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” nên ngay từ những bản dự thảo đầu  đã mặc định hoạt động luật điều chỉnh là quá trình thực hiện các can thiệp y học để thay đổi giới tính của một người đã có giới tính sinh học hoàn thiện (cả về bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể) phù hợp với bản dạng giới (cảm nhận bên trong của một người về việc họ là nam hay nữ) của họ. Người chuyển đổi giới tính do luật điều chỉnh là người đã được can thiệp y học (quá trình từ điều trị nội tiết tố đến phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) để chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam. 

Tuy nhiên, trong cộng đồng người chuyển giới không phải ai cũng có nhu cầu chuyển đổi giới tính thông qua can thiệp y học. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy 78% người chuyển giới muốn phẫu thuật chuyển giới, nghĩa là cứ 5 người chuyển giới thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Số còn lại không muốn vì các lý do: pháp luật chưa cho phép 51,9%; điều kiện kinh tế chưa đủ 79,6%; sợ bị ảnh hưởng sức khỏe 38,5%; sợ bị kỳ thị 17,0%; gia đình không cho phép 42,7%.  

Trên thực tế, có nhiều người dù rằng ý thức được bản dạng giới của mình nhưng ý chí không muốn thực hiện phẫu thuật vì các lý do khác nhau. Ví dụ như trường hợp của  Nguyễn Ngọc Tú là một người chuyển giới nữ sang nam khá nổi tiếng với nickname Tú Lơ Khơ. Theo Tú, anh không có ý định phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn vì cuộc phẫu thuật bộ phận sinh dục từ nữ sang nam tốn rất nhiều tiền bạc và tỷ lệ thành công ở mức thấp hơn từ nam sang nữ. Mặt khác, phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn đồng nghĩa với việc phải hy sinh đi nhiều năm tháng tuổi thọ nên anh không muốn làm vì rủi ro quá lớn. Như vậy, với Tú và nhiều người chuyển giới khác không nhất thiết phải trải qua phẫu thuật thì mới được coi là chuyển giới mà điều quan trọng vẫn là cảm nhận và khát khao của chính họ. 

Ngay tại hội thảo Tham vấn cộng đồng do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần trước, nhiều người trong cộng đồng chuyển giới đã than thở: “Luật quy định phải có can thiệp y học mới được công nhận đã đẩy người chuyển giới vào bức tường hẹp khiến họ khó xoay trở để sống với đúng giới tính mong muốn của mình”. Bà Nguyễn Thị Minh Châu, một người mẹ có con chuyển giới cho biết: “Qua bạn bè của con, tôi biết nhiều người không muốn động dao kéo vì lý do sức khỏe, tiền bạc... Nhưng luật chỉ công nhận người chuyển giới là phải qua can thiệp y học khiến họ mất cơ hội. Luật đã bỏ ra ngoài một nhóm người trong cộng đồng chuyển giới”. 

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam chứ không phải là quyền của người chuyển giới. Nên nhất thiết phải có can thiệp y học, phẫu thuật thì mới được coi là chuyển đổi giới tính ”.

Từ bỏ gia đình để...sống thật? 

Một trong những quy định được chú ý của dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đó là quy định người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện trong đó có hai điều kiện về tuổi là đủ 18 và điều kiện về tình trạng hôn nhân là độc thân. Trao đổi thêm, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh: “Độc thân ở đây là tình trạng chưa kết hôn hoặc đã ly hôn hoặc chồng/vợ đã chết. Sở dĩ người độc thân mới được chuyển đổi giới tính bởi pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam quy định hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ; không thừa nhận hôn nhân đồng giới. Nếu cho phép chuyển đổi giới tính trong tình trạng hôn nhân sẽ xảy ra gia đình bố-bố hoặc mẹ-mẹ đi ngược lại luật và đạo đức xã hội”. Còn với quy định phải đủ 18 tuổi theo ông Quang là để người đó đủ năng lực hành vi dân sự để chịu trách nhiệm về thay đổi trên cơ thể mình. 

Tuy nhiên, dưới góc độ quốc tế, Tiến sĩ Cianan B.Russell – Mạng lưới người chuyển giới châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, quy định người độc thân mới được chuyển đổi giới tính vô hình trung đã buộc họ phải từ bỏ gia đình của mình để được sống đúng với giới tính mong muốn, đây là một cái giá quá đắt và ít tính nhân ái. Đồng quan điểm, bác sĩ Dan Kararic – Giáo sư tâm thần, ĐH California Sam Fracisco cũng bày tỏ khi xây dựng luật nên chú trọng quyền riêng tư và quyền tự quyết của cá nhân về giới tính để không làm ảnh hưởng đến gia đình họ. “Buộc một người phải từ bỏ con cái gia đình thì mới được chuyển đổi giới tính là đi ngược lại quyền con người”, theo bác sĩ Dan Kararic.

Cũng theo Tiến sĩ Cianan B.Russell  nên cân nhắc về quy định phải đủ 18 tuổi vì thực ra một người chuyển giới họ nhận thức được bản dạng giới thực sự của mình khi còn rất nhỏ tuổi, nếu không được sớm chú ý và công nhận, những đứa trẻ này sẽ không được phát triển tâm lý lành mạnh gây nhiều hậu quả về sau cho cá nhân, xã hội. “Con số 67% người chuyển giới đã từng muốn tự tử, 23% bị bạo hành, bắt nạt trong trường học đã chứng minh điều đó”, theo Tiến sĩ Cianan B.Russell. 

Được biết, cho phép trẻ em chuyển giới luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm và gây ra nhiều tranh cãi trên thế giới. Hiện nay, Na Uy đã là quốc gia thông qua một bộ luật mới cho phép trẻ em ở độ tuổi từ 6 có thể tự xác nhận mình là nam hay nữ, thay cho giới tính được ghi nhận khi mới sinh nếu như nhận được sự đồng ý của cha mẹ. Có nghĩa là chỉ cần có sự đồng ý của cha mẹ, những đứa trẻ sống ở Na Uy có thể thay đổi giới tính của mình bằng một cách rất đơn giản đó là điền vào một mẫu đơn trực tuyến. Dù các nhà làm luật thừa nhận còn vài vướng mắc quanh việc chuyển đổi giới tính ở trẻ nhỏ nhưng luật này đã được Quốc hội Na Uy thông qua. Hiện đã có 10 đứa trẻ đã thực hiện quyền lợi chuyển giới này kể từ khi luật được áp dụng từ tháng 6/2016. Cùng với Na Uy, Malta cũng là quốc gia tiên phong áp dụng quyền này với trẻ nhỏ.

Đọc thêm