Luật không thể can thiệp tình trạng phân biệt đối xử với du khách?

(PLVN) - Thấy khách Việt thì thờ ơ, lạnh nhạt, phục vụ cho có lệ; nhưng thấy khách Tây thì niềm nở, đon đả. Đó là tình trạng xảy ra ở một số đô thị, hoặc địa điểm du lịch của Việt Nam. 
Hình ảnh thành phố Hội An bị ảnh hưởng ít nhiều bởi quán cà phê “đuổi” khách Việt.
Hình ảnh thành phố Hội An bị ảnh hưởng ít nhiều bởi quán cà phê “đuổi” khách Việt.

Từ chối khách Việt

Thời gian qua, dư luận bất bình câu chuyện một quán cà phê tên Cyclo’s Road ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã có thái độ phân biệt đối xử với khách Việt Nam, thậm chí có hành động “đuổi khéo” khách Việt bước vào quán. 

Nhân vật của câu chuyện này là một nữ du khách, chia sẻ về sự việc tối 7/9, chị cùng chồng và một người bạn ghé quán cà phê này vào thời điểm còn nhiều bàn trống. Khi yêu cầu ghép hai bàn, nhóm khách này nhận thấy thái độ mỉa mai kèm theo sự ngó lơ của nhân viên phục vụ nên đã đứng lên ngay tức khắc và rời đi. Chị thuật lại lúc rời đi còn nghe nhân viên phục vụ lẩm bẩm “Cho tiền cũng không phục vụ”. 

Tuy nhiên, ngay sau đó, một nhóm khách người phương Tây đi vào thì nhân viên niềm nở tiếp ngay, mà không hỏi han gì. “Chúng tôi cảm thấy rất lạ nên hỏi một số người xung quanh thì biết được quán này không “ưu tiên” phục vụ người Việt mình, chỉ phục vụ Tây”, chị cho biết thêm. 

Vụ việc này lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận. Không chỉ phản ánh trên, quán cà phê này cũng nhận những phản hồi tương tự từ người dân và du khách đến Hội An.

Cụ thể trên chuyên trang đánh giá dịch vụ du lịch TripAdvisor, nhiều khách (chủ yếu là người Việt hoặc người châu Á) đã bày tỏ việc cảm thấy bị xúc phạm khi quán cà phê không tiếp họ. Theo đó, quán thường lấy lý do “bàn đã được đặt hết” để từ chối khách hàng, nhưng sau đó thì một số bạn người nước ngoài (không phải gốc Á) đi qua và ngồi xuống chiếc bàn đó. 

Trước ý kiến của dư luận, chủ quán trả lời rằng: “Trước đây, quán từng nhiều lần từ chối phục vụ cả khách Tây và Việt với nhiều lý do khác nhau, có lúc do khách bất lịch sự, có lúc gia đình tôi mắc việc hoặc những lúc có khách quen đã đặt bàn. Quán tôi phục vụ khách Việt bình thường, với điều kiện là phải lịch sự”.

Du khách phản ánh về tình trạng phân biệt đối xử khách của quán cafe trên 1 trang web du lịch.
Du khách phản ánh về tình trạng phân biệt đối xử khách của quán cafe trên 1 trang web du lịch.

Trong bối cảnh đô thị hóa và phát triển quá nhanh về du lịch, tâm lý “sính ngoại” ngày càng phổ biến, nhất là tại những điểm du lịch lớn. Nhưng cũng có một thực tế không thể phủ nhận, rất nhiều du khách Việt có những thái độ và hành vi trịch thượng, thô lỗ, thiếu tôn trọng người bán, đôi khi còn dẫn đến những sự cố đáng tiếc, xung đột giữa khách hàng và chủ kinh doanh, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch tại điểm đến. Song cũng không thể vì một bộ phận người dân vô ý thức mà phân biệt đối xử với tất cả người Việt khác.  

Pháp luật có thể can thiệp?

Trong khi ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trong cộng đồng để “mỗi người Việt Nam có thể là một đại sứ du lịch”, thực trạng trên chính là một biểu hiện của sự vô tâm, thiếu trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng làm du lịch. 

Tình trạng phân biệt đối xử giữa khách Việt và khách nước ngoài, khách Tây và khách Á đã có từ lâu, nhưng dường như chưa có một biện pháp hay hành động cụ thể nào nhằm chấn chỉnh điều này, đặc biệt là ở góc độ pháp lý.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Nếu đúng quán Cyclo’s Road có hành vi như phản ánh thì pháp luật không thể can thiệp việc này. Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Chính quyền chỉ có thể mời lên nhắc nhở, răn đe chứ không thể dùng pháp luật”. 

Trong công văn hồi đáp cơ quan báo chí, chính quyền, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Hội An khẳng định tinh thần cầu thị, sẵn sàng nhận cái dở, cái sai để điều chỉnh, tự hoàn thiện mình hơn, mong du khách và công luận có cái nhìn toàn cục và sự thấu hiểu hơn. 

Nhiều ý kiến bình luận có rất nhiều cách ứng xử để hài hoà hơn khi du khách có yêu cầu hoặc hành động chưa phù hợp với nội quy cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; nhưng việc nhân viên phục vụ hay chủ quán rõ tỏ thái độ coi thường, phân biệt, thiếu tôn trọng, dù là bởi nguyên nhân nào, cũng đã để lại ấn tượng xấu đối với du khách. Có thể thấy, ứng xử kiểu phân biệt đối xử khách cũng góp “một điểm trừ” tới hình ảnh du lịch tại điểm đến.