Luật sư đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội vụ Phạm Văn Hải

(PLO) - Là người nghiên cứu kỹ lưỡng vụ án Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng Phạm Văn Hải phải được áp dụng Nguyên tắc suy đoán vô tội: “Ông Hải không thực hiện hành vi lừa đảo thì đương nhiên không thể buộc tội ông ấy. Hơn nữa, kết luận  điều tra cũng cho thấy không đủ cơ sở để xác định ông Hải có hành vi lừa đảo”. 
Theo phân tích của luật sư Hòe, thì tại Điều 9 Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật . Đây là nội dung đặc biệt quan trọng làm cơ sở để xác định nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó một người dù có bị tạm giữ, bị khởi tố bị can, bị tạm giam, đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm (còn có kháng cáo - kháng nghị) thì vẫn được coi chưa phải là người có tội, họ mới chỉ là người bị tình nghi về việc có hành vi phạm tội. 
Người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của những cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này được quy định tại Điều 10 BLTTHS. Muốn truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với một người, các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) phải chứng minh được chính người đó đã thực hiện hành vi bị Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Nếu hoạt động tố tụng không chứng minh được người đó đã thực hiện tội phạm thì không thể truy cứu, kết tội họ. 
Trở lại vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Ngô Xuân An và ông Phạm Văn Hải. Vụ án này, ông Phạm Văn Hải đã bị TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm tuyên án 20 năm tù giam. Tuy nhiên lên cấp phúc thẩm, TANDTC tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại vụ án, đồng thời, khởi tố bị can Phạm Thu Thủy (vợ bị cáo Ngô Xuân An) phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 
Luật sư đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với Phạm Văn Hải (bên phải).
Luật sư đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với Phạm Văn Hải (bên phải).
“Cũng tại phiên toà phúc thẩm, đại diện VKSND TC cho rằng không đủ căn cứ buộc tội ông Hải phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn HĐXX thì cho rằng cần phải làm rõ thêm các tình tiết, chứng cứ để xác định trách nhiệm hình sự của ông Hải. Dựa vào các tình tiết khách quan của vụ án có thể cần phải áp dụng Nguyên tắc suy đoán vô tội đối với ông Hải. Ông Hải không có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều này thể hiện rõ qua các căn cứ, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án” – luật sư Hòe nói.
Tiếp lời, luật sư Hòe phân tích: Thứ nhất, trong suốt quá trình điều tra đến khi vụ án được đưa ra xét xử, lời khai của bà Nguyễn Thị Mười (người bị hại) luôn có sự mâu thuẫn, không đồng nhất với nhau. Trong lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, bà Mười chỉ tố cáo vợ chồng An, Thuỷ. Bởi ngay từ khi gặp gỡ đến khi giao dịch đều không có sự tham gia của ông Hải. Nhưng khi vụ án được cơ quan CSĐT tiến hành điều tra một thời gian, không hiểu vì động cơ nào, bà Mười lại tố cáo ông Hải có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Thứ hai, mục đích thực sự trong giao dịch giữa vợ chồng An, Thủy và bà Mười chưa được CQCSĐT làm rõ. Vẫn còn rất nhiều điểm nghi vấn xoay quanh giao dịch mua đất làng nghề của bà Mười. Trong phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSNDTC xác định, việc điều tra vụ án của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ và hành vi của bà Mười có nhiều điểm mâu thuẫn thể hiện: Lời khai của bà Mười về mua đất không có việc thỏa thuận giá cả; chưa biết rõ diện tích đất là bao nhiêu; chưa biết vị trí đất ở đâu; giao tiền thừa sáu trăm triệu đồng mà không có yêu cầu đòi lại tiền thừa; chỉ đến khi nhờ ông Hải bán hộ và được ông Hải nói giấy tờ này là đểu thì mới làm đơn tố cáo vợ chồng An, Thuỷ. 
Nội dung giao nhận tiền giữa bà Mười và vợ chồng An, Thủy không được thể hiện trong giấy biên nhận. Trong cả bốn lần giao nhận tiền giữa bà Mười với vợ chồng An, Thủy từ ngày 29/03/2011 đến ngày 08/04/2011, Thủy là người trực tiếp thu 9,6 tỷ đồng của bà Mười. Những lần giao nhận tiền thường diễn ra vào khoảng 17h hoặc 21h đêm tại nơi ở của vợ chồng An, Thủy, ông Hải hoàn toàn không có mặt, không biết gì về việc giao nhận tiền và không ký vào tất cả các giấy nhận tiền. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Yên (bạn bà Mười) nhân chứng quan trọng trong vụ án cũng khai tại cơ quan CSĐT và tại các phiên xét xử đều luôn khẳng định: giao dịch mua đất làng nghề và giao nhận tiền, bà Mười thực hiện với vợ chồng An Thủy, ông Hải không biết, không tham gia, không chứng kiến và không được thông báo về các giao dịch đó.
Người làm chứng khác là ông Trịnh Đắc Đức ngay tại phiên tòa phúc thẩm khai nhận có nhìn thấy bà Mười và bà Yên đến gặp An, Thủy trong lần An giao giấy tờ đất cho bà Mười. Ông Đức không nhìn thấy bà Mười gặp ông Hải, thời điểm bà Mười đến, ông Hải không có mặt ở công ty.
Luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật Interla.
Luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật Interla. 
Bên cạnh đó, trong các giấy biên nhận giao tiền không hề thể hiện nội dung của việc giao tiền là để thanh toán tiền mua đất hay là cho mục đích gì. Bộ giấy tờ đất và hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất làng nghề không hề chứa đựng nội dung liên quan đến việc bên nhận chuyển nhượng đất là bà Mười.
Bộ Hợp đồng mua bán đất mà An giao cho bà Mười cũng không được thực hiện theo quy định của pháp luật: Không có ký công chứng, thông tin của người mua để trống; thông tin cụ thể về người bán không có; trên các giấy tờ đất, hợp đồng mua bán đất đều đã có chữ ký của người bán nhưng bà Mười cũng không có yêu cầu phải ký trước mặt để xác nhận tính chính xác, đúng đắn của giao dịch; hồ sơ bị tẩy xóa, sửa chữa; thời gian lập bộ giấy tờ này là vào năm 2010, còn thời gian bà Mười giao dịch với vợ chồng An Thuỷ là năm 2011… 
“Thực tế từ trước khi có giao dịch giữa bà Mười và vợ chồng An, Thủy, bà Mười đã từng là người có kinh nghiệm trong việc mua bán bất động sản. Bà Mười hoàn toàn có đầy đủ khả năng, sự hiểu biết trong lĩnh vực này cũng như sự hiểu biết về mặt thủ tục mua bán đất. Phải chăng ẩn sau giao dịch này là một giao dịch hợp tác làm ăn giữa bà Mười và vợ chồng An Thủy nhưng chưa được cơ quan điều tra làm rõ?” – luật sư Hòe đặt nghi vấn.
Thêm nữa là mâu thuẫn trong việc bà Mười nhờ ông Hải xem hộ bộ giấy tờ giả. Rất nhiều lần tại cơ quan điều tra và tại Tòa các cấp, bà Mười đều khẳng định có đem bộ giấy tờ đất mà An giao cho đi gặp ông Hải và nhờ ông Hải xem giúp. Điều này rất mâu thuẫn. Nếu bà Mười khẳng định ông Hải có tham gia cùng vợ chồng An, Thủy thực hiện hành vi lừa đảo thì tại sao bà Mười lại đem chính bộ giấy tờ mà ông Hải đưa cho để nhờ xem và kiểm tra giúp. Xét trên phương diện tâm lý của một người bình thường sẽ khó có khả năng họ mang bộ giấy tờ đất cho chính người đã có ý định lừa dối để nhờ người đó xem hộ, bởi vì có khả năng người này sẽ phi tang chứng cứ buộc tội họ trước pháp luật.
“Rõ ràng trong trường hợp này, ông Hải hoàn toàn có đủ căn cứ để được vận dụng triệt để Nguyên tắc suy đoán vô tội” – luật sư Hòe khẳng định. Dư luận và những nhà chuyên môn khi theo dõi vụ án trên cũng đặt nghi vấn vì sao ngay từ đầu Phạm Văn Hải không được áp dụng Nguyên tắc suy đoán vô tội? Câu hỏi này đang chờ sự trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng có thẩm thẩm quyền khi bắt tay vào điều tra lại vụ án./.