Luật sư nói gì về vụ mất tiền tỉ vì thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức cầm cố điện thoại giả?

(PLVN) - “Với những chứng cứ, lời trình báo, và diễn biến của vụ việc giữa bà Ngô Thị Xiêm, anh Vũ Văn Kiên, anh Phạm Quốc Tuấn thì hành vi của bà Ngô Thị Xiêm đã có đủ các yếu tố để cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015”, Luật sư Nguyễn Văn Hân - Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm.

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, theo đơn kêu cứu, anh Vũ Văn Kiên (SN 1986, trú tại thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) và anh Phạm Quốc Tuấn (SN: 1985, trú tại tổ 3, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội), hai người tố cáo bà Ngô Thị Xiêm (SN 1973, trú tại số 10 ngách 9 ngõ 143 Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, anh Vũ Văn Kiên bị lừa mất số tiền 2.945.000.000đ và 260.000.000đ của anh Phạm Quốc Tuấn thông qua hình thức cầm cố và mua bán điện thoại mô hình.

Được biết, tới thời điểm hiện tại, sau hơn 6 tháng gửi đơn tố giác tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết đơn tố giác tội phạm của anh Vũ Văn Kiên và anh Phạm Quốc Tuấn tố giác bà Ngô Thị Xiêm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong Quyết định này lại không hề nêu rõ nguyên nhân tạm đình chỉ việc giải quyết đơn tố giác tội phạm.

Trong đơn kêu cứu gửi tới báo Pháp luật Việt Nam anh Vũ Văn Kiên, Phạm Quốc Tuấn đã bày tỏ sự không đồng tình, bức xúc với cách giải quyết vụ việc của Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội. Để đảm bảo tính khách quan, rộng đường dư luận, báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi về những vấn đề xung quanh vụ việc nói trên với Luật sư Nguyễn Văn Hân - Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Hân khẳng định rằng: “Với những chứng cứ, lời trình báo, và diễn biến của vụ việc giữa bà Ngô Thị Xiêm, anh Vũ Văn Kiên, anh Phạm Quốc Tuấn thì hành vi của bà Ngô Thị Xiêm đã có đủ các yếu tố để cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015”.

 Bà Ngô Thị Xiêm người đang bị tố cáo có hành vi cầm cố, buôn bán điện thoại XS Max giả.

Có thể nhận thấy, thông qua hình thức cầm đồ và mua bán điện thoại mô hình bà Ngô Thị Xiêm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Vũ Văn Kiên và anh Phạm Quốc Tuấn tổng số tiền là 3.205.000.000đ. Đối với hành vi trên của bà Xiêm có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, bà Xiêm có thể phải đối mặt với hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, bà Xiêm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Liên quan đến cách giải quyết vụ việc trên của Cơ quan CSĐT, Luật sư Nguyễn Văn Hân cho rằng: “Trong việc giải quyết vụ việc trên, có thể thấy Cơ quan CSĐT – Công an thành phố Hà Nội đã không sát sao điều tra, xác minh, làm rõ đối với hành vi trên của bà Ngô Thị Xiêm khi chỉ làm việc và lấy lời khai từ bà Xiêm. Trong khi đó, theo đơn của anh Tuấn gửi tới Cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội, anh Tuấn có tố cáo cả ông Nguyễn Khắc Vượng là chồng của bà Ngô Thị Xiêm đã cùng tham gia vào việc lừa đảo số tiền của anh Tuấn”.

Cụ thể, anh Tuấn đã cung cấp thông tin: “Ông Vượng là người dẫn anh Tuấn vào nhà làm việc với bà Xiêm. Ông Vượng cũng là người đi lấy máy điện thoại để giới thiệu với anh Tuấn”. Ông Nguyễn Khắc Vượng, SN 1964, trú tại số 45, ngách 178/71 Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội”.

Luật sư Nguyễn Văn Hân nói rằng: “Có thể thấy, ông Vượng có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ việc trên. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT lại không triệu tập để xác minh, làm rõ. Vì vậy, rõ ràng Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ”.

Trong đơn kêu cứu, anh Tuấn trình bày, khoảng tháng 12/2019, anh đã làm đơn tố cáo bà Xiêm tới cơ quan điều tra. Trước đó, vào tháng 10/9/2019, anh Kiên cũng đã làm đơn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội tố cáo bà Ngô Thị Xiêm, có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 17/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội mới ra Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 344/PC01 – Đ2.

 Giấy mời làm việc của Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội mời bà Ngô Thị Xiêm lên làm việc từ ngày 16/09/2019

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hân cho rằng: “Cơ quan CSĐT – Công an thành phố Hà Nội đã vi phạm thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015”.

Theo đó, Khoản 1, Điều 147, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, ở đây là Cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: “Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.  Do vậy, thời hạn để Cơ quan CSĐT kiểm tra, xác minh tối đa là 04 tháng.

“Tuy nhiên, 10/9/2019, anh Kiên cũng đã làm đơn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, cho tới ngày 17/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội mới ra Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Khi đó đã quá thời hạn hơn 5 tháng. Vì vậy, Cơ quan CSĐT – Công an thành phố Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm”, Luật sư Nguyễn Văn Hân cho biết.

  Thông báo tạm đình chỉ giải quyết vụ việc của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Hân nhận định, hành vi lừa đảo của bà Ngô Thị Xiêm là rất tinh vi, có tính toán từ trước, bằng việc ban đầu dùng các điện thoại thật đắt tiền để cầm cố. Sau vài lần, lấy được lòng tin của chủ quán cầm đồ, dùng thủ đoạn gian dối với lý do “không được mở bóc để kiểm tra đồ với lý do bóc ra sẽ mất giá trị của máy”. Vì vậy, các chủ quán như anh Kiên, anh Tuấn và bản thân người tiêu dùng Việt Nam cần phải cảnh giác, tránh bị lợi dụng lòng tin để có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Để tránh gặp phải những sự việc đáng tiếc trên, chủ quán cầm đồ, cửa hàng buôn bán điện thoại cần phải yêu cầu được mở điện thoại để kiểm tra. Nếu người cầm đồ không cho mở thì chủ quán cầm đồ cần yêu cầu được kiểm tra các hóa đơn, chứng từ để chứng minh số hàng trên là rõ nguồn gốc, xuất xứ. Có như vậy, thì chủ quán cầm đồ mới có thể yên tâm cho cầm đồ và tránh rủi ro sau này.

Đọc thêm