Nguồn gốc CLB Tình người
Câu lạc bộ Tình Người ra mắt vào 7/2019, có trụ sở chính tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước khi chuyển về cơ sở về đây và trực thuộc Công ty TNHH Phát triển Trí tuệ cộng đồng, CLB Tình Người có tên gọi Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người, hoạt động từ năm 2011 do các thành viên sáng lập là bà Phạm Thị Bình - người là đại diện trước pháp luật, ông Kim Phi Long (Chủ tịch CLB), ông Trần Ngọc Việt (Phó Chủ tịch CLB); người phụ trách, có vai trò chính trong việc truyền bá, lan tỏa trí tuệ trong các buổi học là bà Thuận (còn được gọi là “cô Thuận” - người có thâm niên tu tập lâu năm nhất trong CLB này).
Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người được thành lập ngày 23/5/2011 theo QĐ số 46 của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội. Tuy nhiên, 9 năm sau, ngày 8/10/2020, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã ra quyết định giải thể Chi hội này với lý do: chi hội xin dừng hoạt động Chữ thập đỏ và không trực thuộc Hội nữa. Cụ thể, ngày 10/7/2019 của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người có công văn gửi Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội về việc “Xin dừng hoạt động Chữ thập đỏ và không trực thuộc Hội với lý do: “Càng phát triển trong công tác chữ thập đỏ, Chi hội càng nhận thấy có một số điểm không phù hợp”.
|
Việc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng điều hành, quản lý hoạt động của CLB Tình người là không đúng quy định của pháp luật. |
Chỉ sau thời gian ngắn rời khỏi Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, ngày 30/7/2019, Chi hội Tán trợ trở về với tên gọi Câu lạc bộ Tình Người trực thuộc Công ty TNHH Phát triển Trí tuệ cộng đồng. Trên thực tế, Chi hội Tán trợ đã ngừng hoạt động, ban chấp hành cũ của hội chuyển về thành lập CLB Tình người thuộc công ty nói trên, tức chỉ thay đổi tên và nơi đăng kí thành lập, còn về tổ chức và hoạt động vẫn được giữ nguyên.
Trong suốt thời gian hoạt động, CLB Tình Người luôn chú trọng phương châm “kết nối những trái tim nhân ái”, “phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng”... thế nhưng đằng sau đó lại là những buổi rao giảng, truyền bá những tư tưởng, đạo lý “đậm mùi” mê tín dị đoan.
Giáo lý... phi lý
“Ban đầu khi mọi người tham gia đều là chia sẻ những giá trị tích cực, ví dụ như làm từ thiện, rao giảng những điều phước đức, những điều đạo đức, trí tuệ. Tuy nhiên, sau 3 buổi đầu tiên khi mọi người tham gia, sau vài buổi làm từ thiện, bên Tình Người họ bắt đầu rao giảng rất khéo léo về các vấn đề mê tín, đặc biệt là về thế giới tâm linh, vong linh. Lấy ví dụ như là việc buổi tối không nên ra ngoài vì ban đêm vong nó lên, không nên đọc kinh nhà Phật, không nên gõ mõ vì vong sẽ theo. Có rất nhiều vấn đề mà khiến người ta rơi vào sợ hãi”, một người từng là thành viên CLB cho biết.
Tại đây, tất cả những vấn đề bất ổn trong cuộc sống của những thành viên CLB đều được lí giải với góc độ “nghiệp” và xung quanh chúng ta đều là “vong”. Một trong những tư liệu chính của việc truyền bá mê tín dị đoan được CLB này sử dụng chính là một cuốn sách được truyền tai nhau là “Pháp bảo”. Cuốn sách do một tác giả có tên Nguyễn Kính viết, được NXB Hồng Đức phát hành với số lượng 60.000 cuốn.
Tuy nhiên,”Pháp bảo” này được trình bày cẩu thả, nội dung cóp nhặt giáo lý của nhiều tôn giáo khác, đồng thời thêm thắt và biến tướng thành những “giáo lý” riêng. Đặc biệt, trong cuốn sách này xuất hiện rất nhiều chi tiết nhảm nhí, mang màu sắc mê tín nhưng lại được xem như báu vật để “học đạo”, mở mang trí tuệ.
|
Số kinh sách, tài liệu mà một thành viên câu lạc bộ cung cấp. |
Trong “Pháp bảo” dạy học viên giáo lý mơ hồ phản khoa học “ta là con trời, con phật được sinh ra từ bọc trứng tiên rồng” nên tôn sùng “cha thiên, mẹ địa” hay còn gọi là “cha mẹ các ngài”, còn bố mẹ sinh thành chỉ là “anh sinh và chị nở”; hay “Khi người mẹ mang thai đủ 9 tháng 10 ngày thì sinh con, lúc đó thì linh mới nhập vào, nếu sinh thuận thì đầu ra trước, linh nhập từ bách hội vào và trú ngụ ở trong tâm; người đỡ đẻ vỗ 3 cái vào mông thì đứa trẻ khóc, lúc đó là linh nhập đầy đủ. Những đứa trẻ mà sinh ngược thì chân ra trước, đầu ra sau, linh chưa kịp nhập từ bách hội vào thì đứa trẻ dễ bị chết”.
Cũng trong “Pháp bảo” này, tại trang 174, sách khẳng định: “Mỗi người trần chúng ta gần với 60-70 vong bám theo. Vong khôn hơn người trần 70 lần”. Thậm chí có cả những đoạn không đúng với lịch sử Phật giáo, đó là trang 250: “Cây đèn dầu là của một vị Phật đắc đạo đầu tiên ở Việt Nam. Ngài là Nhiên Đăng Cổ Phật. Nên Gốc Phật là ở Việt Nam”.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ - Tiến sĩ Phật học, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh: “Cái câu chuyện ngớ ngẩn, xúc phạm đến Đức Phật và Đạo Phật. Ngài là một vị Phật quá khứ ở một hành tinh khác, thì làm sao mà có mặt và trở thành cái cây đèn dầu của Việt Nam? Rất là vô lý. Nhưng họ đã biến một cách hữu ý để dẫn dắt rằng họ thừa kế được một cách nào đó từ Phật để họ thành các Ngài, họ đưa ra những tà thuyết làm cho người ta sợ và tin theo”.
Cô Thuận - một trong những thành viên sáng lập CLB nói: “Các anh chị biết rằng là, kể cả từ địa ngục luôn, mà tu được để lên làm súc sinh thôi, phải vài vạn kiếp, chứ không phải đơn giản. Xong rồi từ súc sinh để tu vài vạn kiếp mới về ngã quỷ... Atula khi đầu thai về làm người thì quả thật rất xinh đẹp, chân dài, con trai hay con gái đều xinh đẹp. Xinh đẹp như vậy nhưng mà không tu luyện mình thì thường hết phúc rồi thì thường hay rơi vào nhà thổ”.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ: “Những điều nêu trên là sai 1 tỷ % chứ ko phải là 100%. Cái việc chuyển kiếp từ một cảnh giới thấp lên một cảnh giới cao dài hay ngắn là lệ thuộc vào sự phấn đấu chuyển nghiệp của các chủng loài đó. Cái này là vớ vẩn, đại mê tín dị đoan”.
Dấu hiệu sai phạm
Theo luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, để được tiến hành những hoạt động tôn giáo, CLB phải đăng ký hoạt động tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để làm được điều đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 16 luật này và không được tiến hành các hành vi sau: Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.”
|
Câu lạc bộ Tình Người có tính chất mê tín dị đoan với nhiều thành viên tham gia. |
Nhưng trên thực tế, CLB tình người không phải là một tổ chức tôn giáo, nên các hoạt động nói trên của CLB có dấu hiệu của sự vi phạm pháp luật. Trong đơn tố cáo CLB Tình Người của một số cựu thành viên, người thân của thành viên CLB có đề cập đến một số nội dung như: sau một thời gian tham gia vào câu lạc bộ, họ nhận thấy có những bất thường trong tư tưởng của những thành viên tham gia làm cho gia đình lục đục, mâu thuẫn gia đình căng thẳng do những bất đồng trong quan niệm về thờ cúng khi các thành viên đòi lập ban thời riêng; công việc làm ăn đi xuống, phá sản do bỏ bê trong thời gian dài; bạo lực gia đình gia tăng khi họ được truyền bá tư tưởng “những ai ngăn cản họ đều là do có vong nhập”.
Mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh... không có cơ sở khoa học. Nhà nước ta cho phép và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội và nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa.
Theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo:“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;”.
Tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015(sửa đổi bổ sung năm 2017) cũng có quy định về hành vi truyền bá mê tín dị đoan:
“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, nhóm người ở CLB Tình Người có thể bị phạt hành chính đến 100 triệu đồng, phạt tù đến 10 năm tùy vào mức độ nếu như cơ quan điều tra kết luận CLB này có hành vi truyền bá mê tín dị đoan.
Thu chi mập mờ
Tiếp theo, trong suốt quá trình truyền bá giáo lý của mình cũng như những nội dung được trình bày trong cuốn sách “Pháp bảo”, CLB Tình Người liên tục nhắc nhở các thành viên cần “Tạo phúc và trả nợ”. Trong đó nhấn mạnh việc mang tiền của đi công đức, xây dựng chùa chiền, miếu mạo... và góp tiền làm từ thiện.
Song song với đó là cúng tiền để trả nợ cho mình và gia tiên. Theo đó, mỗi năm sẽ có 2 lần tạo phúc, 2 lần trả nợ cho bản thân, gia đình, gia tiên và những người mình nợ, những người giúp mình. Ngoài ra, hàng tháng có lộ phí đi đường cho gia tiên (“Pháp bảo” - trang 45). Tất cả số tiền này “Phải đi làm cho cộng đồng, người ngoài, tuyệt đối không biếu bố mẹ mình hay những người trong dòng họ”.
Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người thì nguồn thu của CLB là “Đóng góp tự nguyện của Hội viên nhằm xây dựng Câu lạc bộ ngày một phát triển”. Nhưng tại các buổi sinh hoạt CLB, những người đứng lớp liên tục truyền bá về thời mạt pháp, vong, nghiệp... liên tục nhắc nhở các thành viên tích cực trả nghiệp thông qua việc cúng tiền gia tiên, công đức xây chùa và làm tình nguyện...
Tất cả số tiền lộ phí cúng gia tiên, tiền quyên góp tình nguyện này được ghi chép rất cẩu thả trên những quyển sổ của CLB, còn tiền sau đó đi đâu, được làm gì thì không ai hay biết. Tất cả các khoản thu chi của CLB đều không được công khai rõ ràng. Đây có thể là dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Trên danh nghĩa là tiền các thành viên của CLB tự nguyện đóng góp, nhưng thực tế, những người đứng đầu CLB đã có sự tác động về mặt tinh thần đến các thành viên, khiến họ tin tưởng vào các giáo lý được CLB tiêm nhiễm vào đầu và sử dụng tiền của mình để “tạo phúc, trả nợ”. Các cơ quan chức năng cần điều tra rõ xem ở đây có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không bằng cách nghiên cứu kỹ nội dung được tuyên truyền trong các buổi học, họp mặt CLB, nghiên cứu kỹ nội dung “Pháp bảo” của CLB, những ghi chép về các khoản thu chi và những tờ hóa đơn, chứng từ, phiếu nộp tiền của các thành viên đã nộp.
Nhưng có vẻ như việc này là không đơn giản khi CLB rất tinh vi khi yêu cầu sau khi “trả nghiệp” xong, các giấy tờ nộp tiền phải “hóa” (đốt) như một hình thức báo cáo tổ tiên... Làm phúc thì phải âm thầm và không ai biết mới là đại phúc, cho nên giữa các thành viên ai đóng tiền bao nhiêu thì người đó biết.
Như một thành viên cũ của CLB chia sẻ: “Cái tinh vi của CLB ở chỗ làm cho người ta tự mang tiền đến nộp cho mình mà không mảy may nghi ngờ gì”. Do đó, việc xác định dấu hiệu phạm tội gặp rất nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, CLB còn thu lợi từ việc “mua hộ”, “đặt hộ” và “quảng cáo” về độ thiêng của các bộ đồ thờ bằng đồng có giá trị từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng dù thực tế giá trị của những vật phẩm này ngoài thị trường thấp hơn rất nhiều. Các thành viên còn được khuyến khích “gieo duyên” thông qua việc giới thiệu người thân, bạn bè quen trên 6 tháng để đến CLB học hỏi nhằm mở rộng quy mô của CLB. Tất cả đều trải qua quá trình tuyển chọn vô cùng khắt khe, việc “gieo duyên” cũng được CLB đào tạo không khác nào một kịch bản bán hàng đa cấp chuyên nghiệp. Do đó, ngoài những khoản phí sinh hoạt của thành viên hàng tháng, số tiền đóng góp cho các chuyến tình nguyện, thực tế số tiền thu về của CLB Tình Người rất đáng ngờ.
Vậy, nếu CLB này có nhiều điểm đáng ngờ như thế, tại sao nhiều năm qua CLB Tình Người vẫn công khai hoạt động mà không có bất cứ ai, đơn vị nào can thiệp, cảnh báo cho xã hội về mức độ nguy hiểm của nó, để rồi rất nhiều người đã trở thành nạn nhân bị chìm đắm trong sự mê muội, lầm đường lạc lối cho tới tận bây giờ?
Sự thật về các hoạt động của CLB ra sao? Có truyền bá mê tín dị đoan, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Còn phải chờ kết quả điều tra của các Cơ quan chức năng, tuy nhiên đây cũng là một hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan này trong kiểm soát hoạt động của các CLB, đồng thời các cá nhân cũng phải có sự tìm hiểu kĩ trước khi trở thành thành viên của CLB bất kỳ, tránh trường hợp bị lợi dụng, lừa đảo cả về vật chất lẫn tinh thần.