Luật sư phân tích tình tiết pháp lý vụ bạo hành trẻ em ở Kiên Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi lần con riêng của vợ “hờ” tè dầm, Khởi đánh đập, dùng kìm nhổ răng, dùng thuốc lá đang cháy châm vào miệng cháu bé. Trong một lần ra tay quá mạnh, Khởi làm con riêng của vợ tử vong.
Đối tượng Trần Văn Khởi.
Đối tượng Trần Văn Khởi.

Sáng 3/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Trần Văn Khởi (26, ngụ thị trấn thứ 11, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) về hành vi giết người. Nạn nhân là cháu L.T.T.V (3 tuổi) con riêng của vợ “hờ” đối tượng.

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2021, Khởi và Nguyễn Thị H. (23 tuổi) chung sống với nhau như vợ chồng. Chị H. có 3 người con riêng, trong đó có bé V sống cùng với H. và Khởi.

Trong thời gian sống chung, mỗi lần thấy bé V. tè dầm, Khởi bực bội, nhiều lần đánh đập bé V. Thậm chí Khởi dùng điếu thuốc lá đang cháy châm vào miệng hay dùng kìm nhổ răng của bé V... Trên cơ thể cháu V. có nhiều thương tích.

Khởi khai nhận, vào khoảng 6h sáng 18/11, khi phát hiện bé V. lại tè dầm, đối tượng đã đánh đập làm cháu bé bị thương nặng. Sau khi thấy bé V. có biểu hiện bất thường, Khởi và H. đã đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện An Minh để thăm khám, nhưng cháu bé đã tử vong trước đó.

Lo lắng sự việc bị phát hiện, Khởi và H. mang thi thể cháu V. về chôn tại ấp Ngã Bát (xã Đông Hưng B, huyện An Minh). Sau đó, Khởi bỏ trốn khỏi địa phương. Nhận định cái chết của cháu V. có nhiều điểm khả nghi, trong lúc thăm khám, các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện An Minh phát hiện trên người nạn nhân có nhiều thương tích, nên đã trình báo sự việc đến Công an huyện An Minh.

Tiếp nhận thông tin, Công an huyện An Minh báo cáo, phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan tiến hành xác minh, điều tra việc.

Xác định Khởi là đối tượng gây ra cái chết của bé V., cơ quan công an tiến hành bắt giữ khi y đang lẩn trốn tại nhà trọ trên địa bàn TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Mức án nào cho kẻ phạm tội?

Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners.Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners.

Từ những tình tiết của vụ việc kể trên, Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners) phân tích, đối với hành vi bạo hành trẻ em, tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình). Trong trường hợp này, hành vi của đối tượng trên là vô cùng man rợ, mang tính chất nghiêm trọng, vì vậy Khởi có thể phải đối mặt với những hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Đối tượng Trần Văn Khởi có hành vi đánh đập cháu bé nhiều lần, trong đó có một lần đánh đập quá mức khiến cháu V. tử vong. Hành vi này mang tính chất vô cùng man rợ. Căn cứ theo khoản 5 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà... dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, nạn nhân L.T.T.V. mới chỉ 3 tuổi, Trần Văn Khởi phải đối mặt với mức án tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình do phạm tội đối với người dưới 16 tuổi. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Giết người” được quy định như sau: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: b) Giết người dưới 16 tuổi;

Đối Tượng Khởi còn nhiều lần đánh đập cháu bé, dùng thuốc lá đang cháy bỏ vào miệng bé, thậm chí dùng kìm nhổ răng. Hành vi của đối tượng này có dấu hiệu của tội hành hạ, ngược đãi cháu V. (con riêng chị H.) theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự 2015: 1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm; a) Đối với người dưới 16 tuổi (do Khởi và H. chỉ chung sống với nhau như vợ chồng, lúc này cháu V. chưa phải là con của Khởi).

Bên cạnh đó, chị H. là mẹ ruột của nạn nhân mặc dù không tham gia vào quá trình đánh đập, hành hạ cháu bé, nhưng chị này nếu như không can ngăn và không khai báo với cơ quan chức năng về hành vi của Khởi mà cùng đối tượng này chôn cất cháu V. và giúp Khởi bỏ trốn. Hành vi của H. căn cứ theo Khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Mặc dù chị H. là “vợ” của hung thủ, nhưng trong trường hợp Khởi bị kết án vào tội “Giết người” theo Điều 123, thì chị H. sẽ phải chịu hình phạt theo điểm a khoản 1 Điều 389, và cụ thể là “bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm”.

Ngoài ra, người mẹ đã chứng kiến việc “cha dượng” Trần Văn Khởi đánh cháu bé mà không can ngăn dẫn đến hậu quả cháu bé chết thì có thể bị xem xét, xử lý về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 bộ luật này, hình phạt là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Cho dù người bố bạo hành con phải hứng chịu hình phạt nào, xét về đạo đức, đứng trên cương vị là bậc cha mẹ nhưng người bố, người mẹ có hành vi bạo hành con mình là điều không thể chấp nhận được. Hành vi này không những ảnh hưởng tới phát triển tâm sinh lý bình thường của con cái, nghiêm trọng hơn là nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người bố này sẽ phải chịu sự phê phán từ cộng đồng, sự trừng phạt của tòa án lương tâm bởi đã gây nên cái chết cho cháu bé mới chỉ 3 tuổi.

Không chỉ vụ việc trên, trước đây cả nước cũng không ít lần rúng động trước những thông tin về các cháu bé còn rất nhỏ bị chính cha, mẹ của mình hành hạ, đánh đập, thậm chí tử vong. Điều này rấy lên một bất cập vô cùng lớn trong việc bảo vệ sự an toàn và quyền lợi chính đáng của những chủ thể này.

Mặc dù những quy định pháp luật đã quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ đối với người nuôi nấng, chăm sóc trẻ em nhưng sự trừng phạt cho những hành vi ngược đãi, bạo hành còn chưa mang tính răn đe. Cơ quan chức năng và các tổ chức bảo vệ trẻ em cần có những hành động thực tế để ngăn chặn vấn nạn này. Để không một trẻ em nào bị bỏ rơi và được hưởng đầy đủ quyền lợi chính đáng mà các em được hưởng.

Đọc thêm