Trước đó, cuối tháng 11 chuyến bay VN7259 từ Hà Nội đi TP HCM chuẩn bị cất cánh thì bất ngờ xảy ra vụ ẩu đả giữa hai hành khách vì tranh nhau ghế. Họ đã bị phạt đến 15 triệu đồng cho một lần “nóng mặt”.
Những vi phạm hành chính (VPHC) trên các chuyến bay dân dụng ở Việt Nam xảy ra nhiều lắm. Đánh nhau giữa khách và khách, xúc phạm nữ tiếp viên, hút thuốc... phổ biến nhất là nhân viên hàng không “hò” khản cả giọng nhưng không thiếu khách không chịu tắt điện thoại lúc cất cánh và rào rào mở điện thoại khi máy bay vừa hạ cánh chạm đường băng. Dường như người Việt Nam mắc “căn bệnh” vội vã, gấp gáp rất khó “trị liệu”. Mỗi cá nhân “vội vã” làm cho cả dân tộc, đất nước chậm trễ.
Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ đã quy định về hành vi VPHC; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Nhưng xem ra, chưa mấy hành khách biết về văn bản này và việc lập biên bản để xử phạt các hành vi VPHC đối với hành khách đi máy bay có các hành vi vi phạm cũng mất thời gian lắm.
Chừng nào hành khách sử dụng các dịch vụ hàng không dân dụng chưa có các ứng xử văn hóa thì câu chuyện đánh nhau giữa khách với khách, vi phạm các quy định về an ninh, an toàn hàng không trên máy bay vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Từ chuyện đánh nhau giữa hành khách đi máy bay vừa xảy ra cho ta “ngấm” thêm chuyện gì?
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Cách đây 3 năm, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” một lần nữa khẳng định, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và yêu cầu phải chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Để làm được điều này, đòi hỏi trước tiên là phải xây dựng chiến lược con người, vì con người là trung tâm của phát triển văn hóa. Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam và họ chính là người thể hiện đậm nét “chất Việt”, giữ gìn bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc mình qua mỗi thế hệ.
Nghị quyết chúng ta đã có rất nhiều. Bàn về văn hóa, xây dựng con người Việt có văn hóa được các nhà nghiên cứu về lĩnh vực này “đào lên, lấp xuống” rất, rất nhiều. Đáng tiếc, chỉ quan sát cách đi, cách đứng, cách ăn và hành vi ứng xử giữa con người với nhau chúng ta sẽ nhận diện chính xác hơn những điều “phi văn hóa” đang thực sự “đời thường hóa” và đáng lo. Không nghi ngờ gì giữa hành vi “phi văn hóa” trong xã hội đã và đang là lực cản của phát triển và hội nhập quốc tế.
Bao giờ xây dựng được “hệ giá trị Việt Nam”, “chuẩn giá trị Việt Nam” và quan trọng là ứng xử “chuẩn Việt”?